"Bộ tứ" thiết bị hiện đại giúp khơi thông mạch vành vôi hóa
Bà N.T.T (75 tuổi) cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Tâm Anh TP.HCM trong tình trạng đau ngực, khó thở dữ dội - triệu chứng nhồi máu cơ tim điển hình. Bà T. bị suy thận mạn đã hơn 10 năm nên bác sĩ chỉ định chụp mạch vành bằng hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền Philips Azurion Robotic Ceiling FlexArm với cánh tay robot xoay 360 độ, sử dụng lượng thuốc cản quang tối thiểu (kỹ thuật Cardiac Swing). Kết quả cho thấy động mạch tim (liên thất trước) hẹp đến 95%, vôi hóa nặng.
ThS-BS-CKII Võ Anh Minh, Phó khoa Tim mạch can thiệp, Trung tâm Tim mạch - BVĐK Tâm Anh TP.HCM, phân tích trường hợp bà T. khó đạt được kết quả điều trị tối ưu nếu sử dụng phương pháp nong bóng, đặt stent thông thường. "Mạch máu người bệnh bị vôi hóa nặng, rủi ro bóng không nở, stent tuột khỏi bóng, stent nở không đúng vị trí hoặc nở không hoàn toàn tạo huyết khối lấp mạch máu. Vì vậy, ê kíp can thiệp thận trọng khoan cắt mảng xơ vữa trong lòng mạch bằng mũi khoan phủ kim cương (Rotablator) trước khi đặt stent", bác sĩ Minh nói.
Mũi khoan phủ kim cương với đường kính 1,5 mm, tốc độ quay lên đến 180.000 vòng/phút sẽ cắt vụn và tán mịn mảng xơ vữa cứng thành những hạt nhỏ li ti và được các đại thực bào trong máu loại bỏ. Mỗi đợt khoan diễn ra từ 5 - 10 giây nhằm đảm bảo trái tim được tưới máu liên tục. Các bác sĩ thao tác dưới sự soi đường của "la bàn" định hướng Dynamic Coronary Roadmap (DCR) và "mắt thần" siêu âm trong lòng mạch (IVUS), được kết hợp từ 64 phần tử hợp kim Platinum và chip điện tử, giúp hình ảnh trong lòng mạch và thành mạch máu hiển thị rõ nét. Nhờ đó, bác sĩ xác định chính xác vị trí cần đặt stent, đo đạc chính xác kích thước lòng mạch, chọn stent đường kính lớn nhất và dài nhất, nong stent mở rộng tối đa, giảm nguy cơ tắc mạch cấp tính hay tái hẹp.
"Bộ tứ" là những thiết bị hiện đại ứng dụng AI đang được triển khai đồng bộ trong can thiệp tim mạch tại Trung tâm Tim mạch - BVĐK Tâm Anh, mang lại hiệu quả vượt trội. "So với kỹ thuật đặt stent thông thường, sự kết hợp này cho kết quả tốt hơn: giảm tắc cấp - giảm tái hẹp - giảm tử vong - giảm biến chứng. Tỷ lệ tắc cấp chỉ còn 0,44%, tái hẹp còn 1,6% trong năm đầu và 4,2% trong 3 năm tiếp theo", bác sĩ Minh nói.
Bệnh viện cũng trang bị phòng mổ Hybrid với Robot chụp mạch ARTIS Pheno kết hợp hệ thống chụp cắt lớp quang học trong lòng mạch (OCT) cho hình ảnh lòng mạch rõ nét ngay cả khi bơm lượng thuốc cản quang tối thiểu, đặt stent tối ưu cho người bệnh.
Tự tin làm chủ kỹ thuật cao cấp chẩn đoán bệnh tim mạch
Hơn 50 năm trong nghề, PGS-TS-BS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch - BVĐK Tâm Anh TP.HCM, cho biết bệnh tim mạch rất khó chẩn đoán. So với những thế kỷ trước, việc tích hợp AI trong hệ thống máy siêu âm tim, máy chụp cắt lớp vi tính (CT-Scanner) hay chụp cộng hưởng từ (MRI) hỗ trợ bác sĩ tổng hợp, phân tích dữ liệu với tốc độ rất nhanh, tối ưu thời gian và hiệu quả chẩn đoán. AI còn đề xuất thêm những chẩn đoán dựa trên việc tham khảo hệ thống dữ liệu lớn (big data) chuyên ngành có sẵn giúp nhiều trường hợp phát hiện bất thường từ dấu hiệu nhỏ nhất, điều trị kịp thời.
Thuật toán AI trong máy siêu âm tim GE Vivid E95 hay Voluson E10 còn cho phép bác sĩ cắt, dựng hình cấu trúc tim thai (dù kích thước thai chỉ nhỏ như đồng xu) trong không gian 4 chiều, kết hợp trí tuệ nhân tạo tự động phân tách từng mạch máu trong những tổ hợp mạch máu phức tạp, dễ dàng phát hiện các bất thường về mạch máu. Nhiều trường hợp bệnh tim bẩm sinh phức tạp phát hiện từ tuần 16-17 thai kỳ tại BVĐK Tâm Anh, được bác sĩ Sản - Tim mạch theo dõi chặt chẽ và can thiệp ngay sau sinh, tăng cơ hội sống cho trẻ.
Bên cạnh hệ thống siêu âm tim, AI được ứng dụng trong hầu hết các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp cộng hưởng từ tim, chụp cắt lớp vi tính động mạch vành (MSCT)... Hệ thống BVĐK Tâm Anh là đơn vị y tế đầu tiên tại Đông Nam Á đặt hàng và đưa vào sử dụng máy CT Revolution Apex Elite 1975 lát cắt đồng bộ chính hãng của GE HealthCare, ứng dụng AI hiện đại bậc nhất thế giới.
Hệ thống có tốc độ chụp 0,23 giây/độ phân giải thời gian 19,5 mili giây, phát hiện được các tổn thương nhỏ chỉ 0,23 mm (các thế hệ máy trước đây cao nhất là 0,33 mm). Từ đây, những mảng xơ vữa, cục máu đông, vị trí tắc hẹp, phình mạch máu... có thể được phát hiện từ sớm. Đặc biệt, máy giúp đánh giá tưới máu toàn bộ tim và thu hình mạch vành chỉ trong một nhịp, thích hợp cho những trường hợp nhịp tim nhanh, loạn nhịp, rung nhĩ. Máy chụp nhanh với liều xạ siêu thấp, có khả năng giảm liều xạ đến 96%, an toàn cho người bệnh.
"Bệnh viện chúng tôi được đầu tư đồng bộ hệ thống trang thiết bị hiện đại, đội ngũ bác sĩ phối hợp chặt chẽ liên chuyên khoa và thường xuyên được cập nhật các kỹ thuật với đồng nghiệp trên thế giới, vì thế chúng tôi tự tin làm chủ những kỹ thuật tiên tiến, hướng tới mục tiêu phát hiện sớm, điều trị kịp thời cho nhiều trường hợp bệnh tim phức tạp ngay trong nước với hiệu quả và chi phí tối ưu", PGS-TS-BS Phạm Nguyễn Vinh đúc kết.
PGS-TS-BS Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng khoa Tim mạch - BVĐK Tâm Anh Hà Nội, cho biết trước đây những trường hợp hẹp mạch vành nặng hầu như phải mổ mở. Tuy nhiên, bệnh nhân lớn tuổi kèm theo bệnh nền khiến nguy cơ cuộc mổ cao hơn. Việc ứng dụng AI là một bước tiến mới trong lĩnh vực can thiệp tim mạch, giúp điều trị kịp thời bằng phương pháp ít xâm lấn cho những trường hợp phức tạp, kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Bình luận (0)