Lần đầu tiên đặt stent động mạch 2 bên thận thành công

28/04/2021 13:44 GMT+7

Ngày 28.4, bác sĩ CKII Phan Hữu Chính, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết: Khoa Tim mạch can thiệp, Trung tâm tim mạch của bệnh viện này lần đầu tiên can thiệp điều trị thành công, đặt stent động mạch thận cho bệnh nhân hẹp nặng động mạch thận 2 bên.

Bệnh nhân H.V.P.H (54 tuổi ở TP.Cam Ranh, Khánh Hoà), nhập viện trong tình trạng đột ngột có cơn tăng huyết áp 250/130 mmHg, tức ngực, khó thở...
Sau 2 ngày phối hợp với 4 loại thuốc điều trị tăng huyết áp nhưng tình trạng tăng huyết áp của bệnh nhân không cải thiện (huyết áp tối đa dao động 170-180mmHg), các bác sĩ tại khoa tim mạch can thiệp nghi ngờ bệnh nhân tăng huyết áp thứ phát do hẹp động mạch thận.
Tiến hành siêu âm Doppler động mạch thận ghi nhận hẹp động mạch thận bên phải, bệnh nhân được tiến hành chụp mạch máu xóa nền (DSA) ghi nhận hẹp 70% đường kính động mạch thận phải và 70% động mạch thận trái. Mặc dù đã được điều trị nội khoa tối ưu nhưng bệnh nhân đáp ứng kém trong suốt quá trình điều trị, vì vậy đã được hội chẩn và can thiệp đặt stent động mạch thận phải.
Sau 3 ngày, tới thời điểm này huyết áp bệnh nhân đã đáp ứng tốt với điều trị nội khoa 130/80 mmHg.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, chức năng chính của thận là lọc các chất độc trong máu và đào thải ra ngoài theo đường nước tiểu. Nguyên nhân chính gây hẹp động mạch thận là do xơ vữa (thường ở bệnh nhân hơn 45 tuổi, thường liên quan lỗ động mạch chủ hoặc đoạn gần động mạch thận) hoặc do tăng sản xơ cơ (thường gặp ở, phụ nữ dưới 50 tuổi và liên quan đến đoạn xa động mạch thận và nhánh trong thận), khi động mạch thận bị hẹp, thận sẽ thiếu máu. Quá trình này kéo dài sẽ dẫn đến suy giảm chức năng thận, mặt khác vì thiếu máu đến thận nên thận sẽ tiết Renin gây tăng huyết áp mất kiểm soát.
Theo PGS.TS.BS Huỳnh Văn Thưởng, Trưởng ê kíp can thiệp, Giám đốc Trung tâm Tim mạch cho biết: Nhiều năm qua, Trung tâm can thiệp tim mạch là chủ yếu, nhưng đặt stent động mạch thận là lần đầu tiên. Người bệnh cũng cần hiểu rõ hơn về bệnh hẹp động mạch thận, tuy chỉ chiếm dưới 1% bệnh nhân tăng huyết áp mức độ nhẹ và vừa, tuy nhiên tỷ lệ này tăng lên 10-40% ở những bệnh nhân tăng huyết áp dưới 35 tuổi, đột ngột huyết áp tăng cao mất kiểm soát ở bệnh nhân trên 55 tuổi, hoặc tăng huyết áp kháng trị… qua đó sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí đến tính mạng của người bệnh. Vì vậy, khi bệnh nhân thấy có các dấu hiệu bệnh kể trên cần đến ngay cơ sở y tế có năng lực thăm khám để được điều trị kịp thời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.