Hồi sinh sau ngày thống nhất: Cải tiến, sáng tạo

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
01/05/2019 09:00 GMT+7

Sau ngày thống nhất, tình hình biên giới Tây Nam ngày càng diễn biến phức tạp, quân chủng giao nhiệm vụ cho Xưởng A4 và Cục Kỹ thuật cải tiến máy bay C-130 thành máy bay ném bom...

Sân đỗ của Nhà máy A41 ở Tân Sơn Nhất ngày này vẫn sừng sững chiếc C-130 số hiệu 001 mới được sơn sửa, làm lại nội thất, chuẩn bị chuyển ra trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự VN. Ai cũng ngạc nhiên khi nghe kể chuyện cải tiến C-130...
Sau ngày 30.4.1975, tình hình biên giới Tây Nam ngày càng diễn biến phức tạp, Quân chủng Phòng không - Không quân (QC PK-KQ) giao nhiệm vụ cho Xưởng A41 (sau này là Nhà máy A41) và Cục Kỹ thuật cải tiến máy bay C-130 thành máy bay ném bom, giá treo bom hệ 1 để lắp được bom hệ 2, sử dụng đạn cối trên máy bay...

Sợ "B52 của VN”

Cuối năm 1975, Cục Kỹ thuật PK-KQ yêu cầu A41 nghiên cứu thiết kế, lắp đặt máy ảnh K-38 lên máy bay C-130 để chụp hình phục vụ công tác lập bản đồ, quản lý thềm lục địa và các đảo, giúp Bộ Tổng tham mưu xây dựng các phương án phòng thủ và tác chiến.
Kỹ sư Nguyễn Hữu Sửu, Phân xưởng trưởng Vũ khí - không ảnh thuộc A41 kể lại: "Từ 1977 - 1979, tôi đi cùng tổ bay C-130 của Trung đoàn 918 tham gia trên 30 lần chuyến bay chụp ảnh trận địa Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên quần đảo Hoàng Sa của ta và chụp ảnh các đảo - bãi đá trên quần đảo Trường Sa...".
Ngày 29.3.1976, cán bộ của phòng nghiên cứu cùng kỹ sư Nguyễn Hữu Sửu, Phân xưởng trưởng Phân xưởng Vũ khí hàng không và kỹ sư 4 phân xưởng khác, bắt đầu cải tiến C-130 để mang bom. Việc cải tiến dựa trên cơ sở máy bay thả hàng chuyển công năng sang mang thả bom. Mấy tháng trời, mọi người phải giải quyết hàng loạt vấn đề kỹ thuật phức tạp như: tính toán sự thay đổi trọng tâm máy bay khi thả bom, xác định độ cao, góc ngắm rải bom theo yêu cầu tác chiến; thiết kế giá bom và hệ thống điều khiển khi thả; hướng dẫn tổ bay sử dụng hệ thống thả bom...
Ban đầu, máy bay C-130 số 004 được lắp bom không có ngòi nổ cho phi công thao tác thử trên sân bay Phan Rang, nhưng thất bại. Không nản chí, tổ cải tiến tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện giá cố định bom và hệ thống rút chốt cho phù hợp. Sau vài lần thử nghiệm và điều chỉnh, bom rời khỏi máy bay an toàn, độ tản mát của bom trên mặt đất đạt yêu cầu thiết kế. Hội đồng bay thử khẳng định hệ thống thả bom trên máy bay C-130 số 004 đạt các thông số về kỹ thuật và yêu cầu chiến thuật. Tư lệnh quân chủng đã quyết định đưa máy bay C-130 cải tiến, thực hiện nhiệm vụ cường kích trong chiến đấu. Cũng từ đó, quân Khmer Đỏ khiếp vía khi phát hiện C-130 và chúng gọi là B52.
Kỹ sư Hoàng Tùng nhớ lại: “Ý định ban đầu cải tiến máy bay vận tải C-130 thành máy bay ném bom là để bảo vệ Trường Sa. Thành công là nhờ sự tương trợ giúp đỡ của nhân viên tạm tuyển. Các nhân viên tạm tuyển đã cung cấp tài liệu về thả hàng của C-130 để các kỹ sư tìm hiểu và tìm kiếm các dụng cụ liên quan đến thả hàng để thực hành. Đến công đoạn thả bom, nhóm cải tiến thống nhất dùng bom MK-81 của Mỹ cố định thành các kiện để thả rải thảm tiêu diệt mục tiêu trên diện tích 500 x 50 m. Tuy nhiên, nếu xếp bom theo phương án thì khi các kiện bom đầu tiên chuyển động trượt ra ngoài sẽ khiến các kiện còn lại trượt về sau, khiến trọng tâm máy bay vượt ra ngoài giới hạn cho phép, rất nguy hiểm".
Suy nghĩ mãi không ra, kỹ sư Hoàng Tùng sang Trung đoàn KQ 918 đóng gần đó, tìm gặp các phi công lái C-130 của chế độ cũ, thuộc diện "tạm tuyển" đang giúp huấn luyện phi công KQ nhân dân VN sử dụng các máy bay "chiến lợi phẩm". Trung tá phi công "tạm tuyển" Nguyễn Văn Ngọc khi biết mục đích cải tiến thành máy bay ném bom để đánh trả quân Khmer Đỏ bảo vệ biên giới Tây Nam và sẵn sàng bảo vệ Trường Sa, đã chỉ dẫn cách thả bom để giữ trọng tâm máy bay.
Máy bay C-130 được sơn sửa giống như y thời điểm bị thu giữ làm "chiến lợi phẩm", để trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Ảnh: Mai Thanh Hải
Một ngày cuối năm 1976, kỹ sư Hoàng Tùng, Nguyễn Kim Khôi cùng một số anh em lên máy bay C-130 số 004 bay thử nghiệm vòng kín tại sân bay Tân Sơn Nhất. 32 quả bom được rút chốt an toàn để kiểm tra việc cố định bom khi cất, hạ cánh. Ai cũng căng thẳng, lo lỡ không may khi cất hạ cánh, một quả bom phát nổ thì cả máy bay sẽ thiệt hại nặng. Kết thúc thử nghiệm, mọi người ướt đẫm mồ hôi ôm lấy nhau. Lúc ấy, lái chính C-130 là "phi công tạm tuyển" Nguyễn Văn Ngọc và đại úy Nguyễn Đức Hiển, còn Phó tham mưu trưởng Trung đoàn KQ 918 chỉ là lái phụ. Bắt tay nhau, ông Ngọc cười: “Để bảo vệ đất nước, tôi chấp nhận nguy hiểm”.
"Kết thúc chiến dịch Tây Nam, đề tài cấp Quân chủng của chúng tôi về Nghiên cứu cải tiến máy bay vận tải C-130 của Mỹ thành máy bay ném bom đã được Bộ Quốc phòng khen bậc 9 (bậc cao nhất) kèm theo tiền thưởng 7.000 đồng", ông Tùng cười.

Sáng kiến

Trong hồi ức của mình, kỹ sư Nguyễn Hữu Sửu, Phân xưởng trưởng Vũ khí hàng không, kể: Trước khi mở chiến dịch phản công tiêu diệt Khmer Đỏ, giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, tôi được A41 giao chủ trì nhiệm vụ thiết kế và thử nghiệm, cải tiến các quả đạn cối của Mỹ C705 (106,7 mm, 12 kg) có ngòi nổ ly tâm thành các quả bom có ngòi nổ va chạm, để thả từ khoang chở hàng. Sau khi nghiên cứu, chúng tôi đã cho thay ngòi nổ loại khác và thiết kế thêm phần đuôi cho quả đạn có thể rơi tự do, đầu đạn luôn hướng xuống dưới, khi chạm mục tiêu ngòi nổ sẽ gây nổ. Ngoài ra, phải nhồi thêm cho mỗi ngòi nổ 50 gr thuốc nổ dẻo C4 để kích nổ.
Ngày thử thả nổ đạn cối từ độ cao 5 m trong ụ vòm bọc thép cuối đường băng sân bay Tân Sơn Nhất, mặc dù cảnh vệ đã canh gác chặt chẽ, cắm cờ đỏ xung quanh bãi thử, nhưng kỹ sư Nguyễn Hữu Sửu và Nguyễn Kim Khôi vẫn căng thẳng. “Chỉ sơ sẩy một chút là có thể mất an toàn, có thể hy sinh khi đạn đột ngột rơi và kích nổ khi treo lắp vào khóa giá bom. Chuẩn bị xong, tôi và anh Nguyễn Kim Khôi di chuyển sang ụ bên cạnh và thả đạn bằng điện. Một tiếng nổ lớn vang lên, vậy là đã thành công. Chúng tôi ôm nhau chúc mừng vì sung sướng”, ông Sửu kể.
Tiếp theo là nghiên cứu lắp giàn thả đạn cối lên khoang chở hàng của máy bay AC-119K, làm sao không ảnh hưởng đến kết cấu của máy bay, không thay đổi trọng tâm của máy bay khi thả hàng tấn đạn với yêu cầu chiến thuật thả từng loạt, thả nhiều loạt và thả toàn bộ… Kỹ sư Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng ban kỹ thuật, được giao tính toán sự thay đổi trọng tâm máy bay và khôi phục cửa thả hàng dưới bụng AC-119K. Kỹ sư Thái Văn Bổn, Phân xưởng trưởng cơ khí làm đuôi đạn và ống gắn kíp nổ. Liên tục trong 3 tháng trời, các kỹ sư và nhân viên kỹ thuật làm việc không kể ngày đêm và cuối tháng 10.1978, Tư lệnh QC PK-KQ cho phép lắp giàn thử đạn cối lên 2 máy bay AC-119K mang số hiệu 850 và 145 của Trung đoàn KQ 918 làm nhiệm vụ trực chiến đấu. “Sáng kiến của chúng tôi được cấp trên tặng Huân chương Chiến công hạng ba, nhưng không có kinh phí kèm theo đề tài. Trong chiến đấu, sáng kiến cũng là nhiệm vụ”, ông Sửu nói.
Ngày 23.12.1978 mở đầu chiến dịch phản công và tiến công trên mặt trận Tây Nam. Xưởng A41, Trung đoàn 918 bảo đảm máy bay C-130 và AC-119K cùng với các phương tiện sát thương trực ban chiến đấu tại sân bay Biên Hòa. 4 tổ bay C-130 tham gia chiến đấu. 3 tổ bay AC-119K thả đạn cối xuống đội hình của địch, hỗ trợ cho bộ binh phát triển tiến công. 2 tổ bay EC-47 làm nhiệm vụ trinh sát, chụp ảnh, chuyển tiếp liên lạc trên không… Ngay những ngày đầu chiến dịch, máy bay C-130 đã tham gia chiến đấu 14 trận, AC-119K tham gia 6 trận, diệt nhiều mục tiêu quan trọng. Sáng kiến cải tiến máy bay C-130, AC-119K thành máy bay ném bom, thả đạn cối để không quân sử dụng trên mặt trận Tây Nam, mãi là niềm tự hào của ngành kỹ thuật hàng không và của A41.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.