Hồi sinh tập tục vùng cao Quảng Trị: Tôn vinh 'hạt ngọc trời'

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
02/03/2023 07:33 GMT+7

Vùng cao Quảng Trị, nơi quần tụ của người Vân Kiều, Pa Kô, còn rất nhiều tập tục tốt đẹp cần giữ gìn dẫu thời gian làm phôi phai nhiều ít. Khát vọng làm "hồi sinh" những lễ hội, câu hát, điệu nhạc có từ ngàn xưa luôn đau đáu trong tâm khảm người bản địa.

Nơi núi rừng thâm u, cái ăn luôn là thứ người Vân Kiều mải miết kiếm tìm. Hạt gạo nhọc nhằn sinh ra trên nương cằn, với họ, chẳng khác gì hạt ngọc trời. Cho nên lễ hội tôn vinh lúa gạo (lễ mừng lúa mới) là lễ trọng bậc nhất của người Vân Kiều.

"SỰ TÍCH" LỄ MỪNG LÚA MỚI

Cây lúa rẫy gắn kết với đời sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều trên dãy Trường Sơn. Điều kiện canh tác khó khăn, nên họ luôn mong ước về sự no đủ và sau mỗi mùa thu hoạch các bản làng Vân Kiều lại tổ chức lễ mừng lúa mới. Đây là dịp để dân bản báo cáo với thần linh rằng đã thu hoạch xong vụ mùa và xin tạ ơn thần linh phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, đem đến vụ mùa bội thu, bản làng yên ấm. Lễ hội cũng là dịp kết nối tình cảm trong các gia đình, dòng họ và cộng đồng làng bản.

Qua thời gian, lễ mừng lúa mới không mất hẳn, nhưng cứ nhàn nhạt đi. Dân bản vẫn làm lễ, song chỉ làm qua loa, đại khái, chứ không bài bản như trước nữa. Người Vân Kiều "nhớ" lễ mừng lúa mới như ngày xưa, nhưng biết lấy ai phục dựng để mà xem bây giờ?

Hồi sinh tập tục vùng cao Quảng Trị: Tôn vinh 'hạt ngọc trời' - Ảnh 1.

Cảnh các chàng trai cô gái Vân Kiều đang cùng nhau lên nương tuốt lúa ở lễ hội mừng lúa mới

THANH LỘC

Già Hồ Thanh Xuân (80 tuổi, trú thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, H.Hướng Hóa, Quảng Trị) bảo rằng từ đời ông, đời cha đã có lễ hội lúa mới. Tất cả lương thực sau khi thu hoạch nếu chưa cúng lúa mới thì chưa được đem ra dùng, tức là làm gì cũng phải biết ơn cha ông. "Hồi trước, cúng lúa mới ít nhất cũng phải tổ chức 1 ngày 1 đêm. Có rượu cần, sáp ong đốt nến, mời tất cả bà con trong bản cùng đến ăn uống vui vẻ. Người ta còn thi nhau thổi khèn, thổi sáo, hát hò mãi không biết mệt…", già Xuân hồi tưởng.

Theo những người Vân Kiều cao niên, lễ mừng lúa mới cũng có sự tích riêng. Câu chuyện bắt nguồn từ một gia đình nghèo khó, quanh năm thiếu cái ăn cái mặc, cha mẹ chết vì đói. Không cam chịu, người chị cả quyết tâm đi xa tìm kiếm lương thực để cuộc sống no đủ hơn. Hơn một năm sau, người chị trở về với bản làng và mang theo một thứ lương thực ngon hơn ngô khoai sắn, đó là những hạt lúa rẫy. Từ đó, dân làng gieo trồng và được ấm no, không còn phải vào rừng đào củ mài, rễ cây như trước. Sau này, dân làng lại tổ chức lễ mừng lúa mới để tưởng nhớ công lao của tiền nhân và các vị thần linh đã trao cho "hạt ngọc trời".

Có lẽ vì vậy mà với người Vân Kiều, thần lúa là một nữ thần. Ở lễ cúng, ngoài lễ vật heo, gà, cua, cá, các loại nông sản thì phần dâng cúng không thể thiếu khăn, áo, váy và một số trang sức của phụ nữ Vân Kiều.

CHÊNH VÊNH VÀO HỘI

Giấc mơ về việc phục dựng gần như nguyên bản lễ mừng lúa mới của đồng bào Vân Kiều ở miền tây Quảng Trị trở thành hiện thực. Bản Chênh Vênh (xã Hướng Phùng, H.Hướng Hóa), một bản nhỏ nằm dưới chân đèo Sa Mù mờ sương, may mắn được chọn lựa là nơi "hồi sinh" ngày lễ trọng này vào tháng 10.2022.

Ban tổ chức đã thiết kế tái hiện hoàn chỉnh một nương lúa rẫy đã chín, có hình ảnh các chàng trai cô gái Vân Kiều đang cùng nhau lên nương tuốt lúa. Sau khi mang lúa về, những phụ nữ Vân Kiều cùng nhau phơi khô rồi sàng giã để dâng hạt gạo lên thần linh. Dù chỉ mang tính ước lệ, nhưng những hình ảnh phục dựng như thế đã phần nào giúp cho người xem hiểu hơn về quy trình thu hoạch và chế biến một loại cây lương thực lâu đời của người Vân Kiều. Ngoài ra, các công đoạn cúng bái cũng được thực hiện gần như thời xa xưa.

Già Hồ Tà Ơn, người được chọn làm chủ lễ giữ vai trò khấn vái mời thần lúa, thần trời, thần sông suối, thần cây cối… về dự, không khỏi mừng vui. Già bảo, mấy năm nay vì mưa lũ, vì đại dịch nên lễ mừng lúa mới không tổ chức được, lần này lại làm lớn nên ai nấy đều phấn khởi vì gìn giữ được lễ trọng.

Để có 1 ngày đêm "huyền diệu" ấy cho ở Chênh Vênh, rất nhiều lực lượng được huy động. Bà Nguyễn Thị Huyền, Trưởng phòng VH-TT H.Hướng Hóa, cho biết lễ hội vừa được dàn dựng có sự tham gia suốt mấy tháng trời của hàng chục cán bộ huyện, xã và 30 nghệ nhân xã Hướng Phùng cùng một số xã lân cận. "Tất thảy để muốn giới thiệu cho du khách gần xa biết về nét văn hóa độc đáo của đồng bào Vân Kiều, đây cũng là điểm nhấn trong phát triển du lịch ở Hướng Hóa", bà Huyền nói.

Sau khi thưởng thức những nghi thức cúng tế, phần ẩm thực tại chỗ với những món đặc sản bản địa cũng làm du khách khó quên, mang mãi dư âm ngọt ngào của núi rừng Trường Sơn. Giữa bản Chênh Vênh, giai điệu Tà Oải cùng ngân nga với sáo Ong như cầu mong với đất trời sẽ có thêm những vụ mùa no ấm. Những chàng trai, cô gái Vân Kiều tiếp tục lên nương rẫy gìn giữ hạt thóc mà tiền nhân để lại. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.