Hồi sinh xẩm thập ân theo điệu Oán thập điều

Ngọc An
Ngọc An
26/08/2022 06:43 GMT+7

NSND Xuân Hoạch và nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long vừa phục hồi xẩm thập ân theo điệu Oán thập điều.

Bài xẩm thập ân theo điệu Oán thập điều gắn liền với cụ Trùm Nguyên (Nguyễn Văn Nguyên), một trùm xẩm Hà Nội giữa thế kỷ 20. Tuy nhiên, bài xẩm cổ này đã bị thất truyền trong nhiều thập niên sau khi cụ Trùm Nguyên qua đời.

Tìm lại lời ca, tiếng đàn

Nhiều năm trước, một người bạn đã cung cấp cho NSND Xuân Hoạch băng cassette thu lại giọng của cụ Trùm Nguyên hát xẩm thập ân theo điệu Oán thập điều lúc cụ còn khỏe. Tuy nhiên, đáng tiếc do việc lưu trữ, chất lượng băng không tốt, có nhiều chỗ không rõ lời hát, tiếng đàn của cụ Trùm Nguyên.

NSND Xuân Hoạch cùng sự đồng hành và hỗ trợ của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long đã mất khoảng một năm nghiên cứu để phục hồi phần lời và âm thanh của bài xẩm. Lời ca của bài xẩm kinh điển đã được dựng lại: “Âm dương thiên định nào ai biết gì/Ở trong lòng mẹ chịu sầu bi/Ở trong lòng mẹ chịu sầu bi/Cơm ăn không được, dạ thì héo hon/Bữa cơm ăn không biết mùi ngon/Lòng mẹ chua xót vì con đêm ngày/Hai ân công cha nghĩa mẹ biết bao chày…”.

NSND Xuân Hoạch (phải) và nghệ sĩ Phạm Đình Dũng trình bày xẩm thập ân theo điệu Oán thập điều của cụ Trùm Nguyên

NVCC

Trong phần trình bày bài xẩm cùng nghệ sĩ Phạm Đình Dũng, NSND Xuân Hoạch đã chơi đàn nhị với dây tơ được chính ông hồi sinh. “Tiếng đàn có nhiều âm khè khè là một trong những đặc trưng dây tơ xưa mà lâu nay đã trở thành hiếm hoi”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhìn nhận. Người xưa chơi đàn bằng dây tơ. Tuy nhiên, đến thời Pháp thuộc, dây tơ không còn được dùng nữa, dần bị thay thế bằng dây cước, dây sắt, dây đồng…

NSND Xuân Hoạch mới đầu chỉ được “nghe” tiếng tơ qua lời kể của người thầy - nghệ nhân Đinh Khắc Ban, nhưng đã quyết tâm tìm lại cho kỳ được dây tơ của ông cha. Sau nhiều năm tìm tòi, NSND Xuân Hoạch tìm ra “công thức”: Tơ làm dây đàn là tơ sống vừa kéo từ con tằm, vẫn còn nằm trong kén và còn lớp nhựa dính. Nhờ lớp nhựa này, dây tơ xe xong mới cuộn lại, bền vào với nhau. Khi có tơ rồi, NSND Xuân Hoạch nghiên cứu cách xe tơ, tính toán sao cho dây tơ có độ dài thích hợp. Dây tơ mỏng dễ đứt, ông nghĩ ra cách bôi sáp ong lên để tăng độ dai. “Dây đàn làm bằng cước, đồng, hay sắt… thường có độ bền, tiện, tiếng không đanh vang, nhưng tiếng tơ mới mang đến tiếng đàn gần gũi với tâm hồn người Việt”, NSND Xuân Hoạch bày tỏ.

Bảo vệ giá trị xưa

NSND Xuân Hoạch cho rằng, hầu như từ trước đến nay, những người quan tâm đến xẩm thường chỉ biết đến cụ Hà Thị Cầu. “Thực ra, ngày xưa, người nam mới là những người hát xẩm chính. Như chồng cụ Hà Thị Cầu (cụ Nguyễn Văn Mậu, sinh thời được gọi là Chánh Chương Mậu) là người hát xẩm, sau này chồng cụ không còn, cụ Cầu mới tiếp tục giữ nghề của chồng nhưng chỉ còn độc hành”, NSND Xuân Hoạch nói.

Những học viên nhí trong khóa học xẩm

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, bài xẩm thập ân theo điệu Oán thập điều nằm trong hệ thống những bài xẩm thập ân về tình mẫu tử, phụ tử, nhớ ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ mang dấu ấn của cụ Trùm Nguyên. Việc hồi sinh bài xẩm này giúp người nay hiểu thêm nghệ thuật xẩm có nhiều nghệ nhân tài danh cùng những bài xẩm mang dấu ấn của họ.

“Từng vùng có từng trùm xẩm. Nghệ thuật xẩm có nhiều cụ nghệ nhân lừng danh như Nguyễn Văn Nguyên, Vũ Đức Sắc, Thân Đức Chinh… Nhiều người có thể biết đến tên nhưng lại không hình dung được âm nhạc của các cụ. Bởi vậy, đây là dịp chúng tôi muốn mọi người hiểu thêm về di sản mà những cụ trùm xẩm lừng danh ở Hà Nội giữa thế kỷ 20 đã để lại”, ông Nguyễn Quang Long bày tỏ.

“Giá trị nhân văn trong xẩm được thể hiện đậm nhất qua xẩm thập ân. Việc đưa trở lại những bài xẩm xưa còn giúp người nay hình dung ra không gian văn hóa, đô thị Hà Nội trong lịch sử”, ông Long nói. Trước đó, nhiều bài xẩm thất truyền khác đã được phục hồi như xẩm Anh khóa, Cái trống cơm, Quyết chí tu thân, Mục hạ vô nhân, Lỡ bước sang ngang, Cô hàng nước…

Nhạc sĩ Thao Giang, cố GS-TS Phạm Minh Khang, NSND Xuân Hoạch, nhạc sĩ Hạnh Nhân, NSƯT Văn Ty, NSND Thanh Ngoan, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long… đã nỗ lực phục hồi và đưa xẩm trở lại. Năm 2006, album Xẩm Hà Nội (NXB Âm nhạc phát hành) là thành quả đầu tiên của công cuộc phục hồi nghệ thuật này. “Việc phục hồi xẩm được chúng tôi bắt đầu bằng tình yêu chứ không có nguồn kinh khí nào hỗ trợ”, ông Long nói.

Một khóa đào tạo hát xẩm nâng cao do quỹ Thiện Tâm phối hợp Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc tổ chức vừa được triển khai tại Hà Nội từ ngày 18 - 21.8. Đây là lần đầu tiên một khóa học nâng cao về hát xẩm dành cho các câu lạc bộ, nhóm, cá nhân đang góp phần gìn giữ và lan tỏa nghệ thuật hát xẩm được diễn ra. Gần 40 học viên thuộc các lứa tuổi khác nhau đến từ gần 20 câu lạc bộ, nhóm xẩm thuộc các tỉnh, thành trên toàn quốc tham dự. Những nghệ sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc hàng đầu gắn liền với nghệ thuật ca hát dân gian và hát xẩm như NSND Xuân Hoạch, NSND Thanh Ngoan, NSND Thúy Ngần, nhà nghiên cứu - nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long… tham gia hướng dẫn.

Liên hoan Hát xẩm Ninh Bình mở rộng được UBND tỉnh và Sở VH-TT Ninh Bình tổ chức từ ngày 16 - 18.9 tại TP.Ninh Bình cũng là hoạt động đáng kể của hát xẩm. Đây là lần thứ 2 liên hoan hát xẩm quy mô được tổ chức tại Ninh Bình.

“Xẩm đã từng bị mai một và đứng trước ngưỡng cửa lụi tàn. Những nghệ sĩ gạo cội trong làng xẩm đã từng bước phục dựng, lấy lại vị thế, lời ca tiếng hát của nghệ thuật xẩm. Tre già măng mọc. Nhiều bạn trẻ đang quan tâm đến xẩm. Chúng ta vẫn còn nhiều việc cần làm để xẩm không chỉ được VN công nhận là di sản phi vật thể quốc gia mà còn hướng tới để UNESCO công nhận là di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp”, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.