Hội thảo về Biển Đông: Nguyên trạng tiếp tục bị thay đổi, làm xói mòn trật tự quốc tế

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
08/11/2018 15:13 GMT+7

Đó là nhận định của ông Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam tại phiên khai mạc hội thảo khoa học quốc tế Biển Đông lần thứ 10 với chủ đề: “Hợp tác vì An ninh và Phát triển khu vực”.

Hội thảo do Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV), Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) tổ chức, khai mạc tại TP.Đà Nẵng vào sáng ngay 8.11 và sẽ bế mạc vào ngày 9.11.

Theo ông Nguyễn Vũ Tùng, sau 10 năm tổ chức, hội thảo đã quy tụ hơn 300 diễn giả, khoảng 2.000 lượt đại biểu Việt Nam và quốc tế tham dự. Cũng sau 10 năm, hình thức và chương trình nghị sự trở nên ổn định, gồm: cập nhật tình hình trên Biển Đông; phân tích chính sách của các nước liên quan; làm rõ các vấn đề nổi lên; thảo luận các hướng, các giải pháp giải quyết tình hình trên Biển Đông và các khuyến nghị các Chính phủ liên quan.

“Qua các nghiên cứu, các hội thảo, công trình xuất bản, nhận thức của xã hội, nhận thức của những người hoạch định chính sách đã tăng lên. Vấn đề Biển Đông trở thành một trong những chủ đề chính của hoạch định chính sách của nhiều nước”, ông Tùng nhận định.

Hội thảo lần này là lần thứ 10 thu hút nhiều chuyên gia quốc tế nghiên cứu về Biển Đông ẢNH: HOÀNG SƠN

“Nhận thức của xã hội cũng tăng lên, càng ngày có nhiều người của những nước liên quan quan tâm hơn đến vấn đề Biển Đông và dựa trên những thông tin đa chiều, đa dạng hơn”.

Theo ông Tùng, những ngày đầu tổ chức, có những chủ đề tại hội thảo làm cho giới nghiên cứu e dè, chưa dám trao đổi thẳng thắn bởi sự không hiểu biết, nghi kị lẫn nhau.

Tuy nhiên, sau một thời gian, khi lòng tin được xây dựng và củng cố, các đại biểu tham gia đã thoải mái thảo luận những vấn đề trước đây được cho là nhạy cảm.

“Cá nhân tôi nhận thấy, càng bàn nhiều về vấn đề Biển Đông thì chúng ta càng có lợi về mặt học thuật nhưng điều này còn có một góc độ khác là vấn đề Biển Đông tiếp tục là một vấn đề phức tạp trong quan hệ quốc tế và khu vực trên thế giới”, ông Tùng nói.


Trong 2 ngày làm việc, hội thảo sẽ thảo luận với 8 phiên với 8 chủ đề ẢNH: HOÀNG SƠN

Cũng theo ông Tùng, nỗ lực của khu vực và quốc tế để làm cho tình hình Biển Đông giảm căng thẳng để hướng tới những giải pháp hòa bình, đảm bảo an ninh và phát triển hợp tác vẫn chưa được như mong muốn. Gốc rễ của tranh chấp Biển Đông dù được bàn đến nhưng chưa được xử lý về mặt chính sách và thực tiễn.

Ông nhận xét rằng nguyên trạng trên Biển Đông tiếp tục bị thay đổi theo hướng làm xói mòn trật tự quốc tế, hạn chế các thành phần hợp tác và xói mòn lòng tin giữa các nước liên quan. Trong khi đó, những khuyến nghị từ hội thảo liên quan đến giải quyết tình hình Biển Đông dù đã một phần tác động đến các nhà hoạch định chính sách nhưng phần lớn chưa đạt…

“Chúng ta với tư cách là các chuyên gia tiếp tục đưa ra các khuyến nghị xác đáng giúp các Chính phủ liên quan phối hợp hành động, cải thiện môi trường an ninh phát triển chung, nhất là tiếp tục đề xuất các giải pháp xây dựng củng cố và tận dụng các cơ chế an ninh của khu vực trong việc giải quyết hòa bình các vấn đề phức tạp ở Biển Đông”, ông Tùng nói.

Trong 2 ngày, hội thảo sẽ làm việc với 8 phiên với sự tham dự của 220 đại biểu, bao gồm 89 học giả quốc tế, 31 đại diện đến từ 22 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, gần 100 học giả, đại biểu Việt Nam.

Ngoài các chuyên gia quốc tế, hội thảo còn có sự tham dự của đại diện ngành chức năng Việt Nam ẢNH: HOÀNG SƠN

Thẩm phán Kriangsak Kittichairasee, Thẩm phán Toà án Luật biển Quốc tế (ITLOS), sẽ có bài phát biểu chính tại hội thảo.

Chủ đề chính ở các phiên thảo luận bao gồm:

- Phiên 1, các chuyên gia sẽ thảo luận chủ đề Biển Đông: trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương – Châu Á - Thái Bình Dương.

- Phiên 2: Biển Đông - tiêu điểm: 10 năm nhìn lại. Phiên 2 sẽ đánh giá tình hình Biển Đông hiện nay trong tương quan với 10 năm trước, qua đó phác họa những nguyên trạng cũng như những thay đổi trên thực địa, trong đánh giá của các chính phủ và trong quan hệ giữa các bên có liên quan.

Phiên này cũng xem xét các cách ghi chép lịch sử và câu chuyện khác nhau từ cùng một sự việc để xác định những điểm tương đồng và khác biệt về mặt tư duy, nhận thức và diễn giải, những yếu tố làm sai lệch thực tế và gây phức tạp thêm cho vòng luẩn quẩn hành động và phản ứng qua lại.

Theo sát những thăng trầm của mức độ căng thẳng, các diễn giả sẽ tìm cách nhận diện những nguyên nhân cơ bản dẫn đến những thay đổi cả về thực tiễn và tư duy.

- Phiên 3 có chủ đề Lập trường và Yêu sách của các bên: tiếp nối và điều chỉnh. Phiên 3 cung cấp đưa ra tổng kết về quan điểm và yêu sách của các bên tranh chấp trong một thập kỷ qua.

Phản ứng của bên yêu sách liên quan đến phán quyết trong vụ kiện lịch sử giữa Philippines và Trung Quốc ngày 12.7.2016 là đặc biệt quan trọng bởi nó phản ánh cách thức các tiến trình pháp lý có thể ảnh hưởng tới hành vi của các chủ thể liên quan.

Các đại biểu dự hội thảo trao đổi ẢNH: HOÀNG SƠN

- Phiên 4: các nước lớn: can dự hay không can dự.

- Phiên 5 có chủ đề xây dựng lực lượng trên Biển Đông.

- Phiên 6, chủ đề là xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa và giải quyết tranh chấp.

- Đáng chú ý, phiên 7 với chủ đề các nhân tố mới có thể tạo bất ổn trên Biển Đông sẽ đề cập các vấn đề mới phát sinh có khả năng phá vỡ trật tự ở Biển Đông.

- Và phiên cuối cùng Trật tự và bất ổn trên Biển Đông: tổng kết quá khứ và định hình tương lai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.