Hồi ức '1 tháng 4 ngày chống dịch'

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
25/02/2022 09:13 GMT+7

Trưởng đoàn y bác sĩ của tỉnh Quảng Trị vào Bình Dương chống dịch hồi đợt 1 năm 2021 vẫn chưa quên chiến dịch kéo dài 1 tháng 4 ngày. Và hồi ức này đáng được khơi gợi vào dịp 27.2, như một lời tri ân các y bác sĩ...

Người được nhắc đến chính là bác sĩ (BS) Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế TP.Đông Hà, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Quảng Trị.

Cứ đi, dù chưa biết sẽ đối diện điều gì

Vị BS 8X kể đã từng có đơn tình nguyện xin đi Bắc Giang chống dịch Covid-19 nhưng bị từ chối do diễn biến dịch ở phía bắc khi đó đã dần được kiểm soát. Vậy là chọn điểm đến khác ở miền Nam, thời điểm nóng bỏng nhất của Covid-19. “Cũng không nghĩ gì nhiều, chỉ là cái tâm muốn hỗ trợ đồng nghiệp mình đang quăng quật chống dịch ở miền Nam”, BS Dũng nhớ lại.

Nhóm y bác sĩ Quảng Trị ở đoàn số 1 từng phải chăm lo cho hơn 1.100 F0 ở Bệnh viện dã chiến số 3 Bình Dương

THANH LỘC

Hôm lên đường vào Bình Dương, anh cố giấu tâm trạng để nở nụ cười động viên những người đi cùng và nhất là trấn an người thân trong gia đình. Làm trưởng đoàn của chuyến công tác chưa có tiền lệ, bản thân anh cũng chưa rõ công việc cụ thể khi vào Bình Dương là gì. Ban đầu, hôm 30.7.2021, đoàn cán bộ y tế của tỉnh Quảng Trị được chia làm 3, tăng cường cho các điểm nóng Covid-19 của H.Bến Cát (Bình Dương). Đây là diễn biến khá bất ngờ, nhưng chỉ sau 3 ngày (2.8), đoàn lại được gộp lại để về tiếp quản Bệnh viện (BV) dã chiến số 3 tỉnh Bình Dương. “Ở thời điểm đó, 33 người chúng tôi phải chăm sóc, khám chữa bệnh cho 1.147 F0, trong đó có nhiều trường hợp rất nặng nhưng không thể chuyển lên tuyến trên vì quá tải, cũng không có sự phân loại nặng nhẹ ban đầu do hệ thống y tế cơ sở gần như bị rơi vào hỗn loạn”, BS Dũng nói.

Những triệu chứng Covid-19 thường gặp ở trẻ em

Cuộc chiến trong bệnh viện dã chiến

Trong hoàn cảnh rối ren đó, theo BS Dũng, dù thiếu thốn rất nhiều máy móc, nhân lực phục vụ khám chữa bệnh nhưng đoàn công tác đã làm tất cả những gì có thể. Dù là BS, điều dưỡng, kỹ thuật viên… thì cũng phải dọn vệ sinh, kê giường, tiếp nhận bệnh nhân, đưa cơm nước, lấy mẫu.

BS Nguyễn Xuân Dũng trong khoảnh khắc từ biệt người thân vào nam chống dịch

Tất nhiên, ở BV dã chiến, cuộc chiến lớn nhất mà người thầy thuốc tham gia đó chính là giành giật sự sống của bệnh nhân từ tay thần chết. Đan tay vào nhau, BS Dũng bảo “sống chết cũng vô thường lắm”. “Cuộc chiến của chúng tôi không những diễn ra trong công việc khám chữa bệnh mà còn diễn ra trong chính tâm lý của mình”, anh nói.

Y bác sĩ Quảng Trị chào tạm biệt bệnh nhân đã khỏi bệnh ở Bệnh viện dã chiến số 3 Bình Dương

THANH LỘC

Không có những sang chấn sao được, khi họ bắt đầu một ngày làm việc mới bằng những cuộc chuyện trò kiểu như: “Bên khu A còn bao đựng tử thi không, cho chúng tôi mượn một ít”. Không ám ảnh sao được, khi mỗi buổi sáng hay cuối buổi chiều, ngang qua những chiếc container chứa xác người tử vong, những thi thể đã được mang đi thiêu chỉ còn lại những chiếc ba lô...

Nỗi sợ hãi lướt qua nhanh

BS Dũng nhớ lại, ở BV dã chiến lúc ấy, nỗi sợ lây nhiễm là có thật, nhưng thoáng qua nhanh để nhường chỗ cho tâm lý “chấp nhận”. Dù không nói thẳng ra, nhưng những người tham gia chuyến đi tình nguyện đều xác định nguy cơ sẽ mắc Covid-19.

Tròn 1 tháng, vượt qua những nỗi sợ mơ hồ, đoàn công tác của các y bác sĩ Quảng Trị theo lịch trình sẽ trở về quê hương. Nhưng tình huống ngặt nghèo, bắt buộc BS Dũng phải lựa chọn. “33 người mà về cùng lúc thì nhân sự đâu để lấp nổi? Thêm nữa, lúc này đoàn số 2 của Quảng Trị cũng chưa vào. Cuối cùng chúng tôi cho 15 người ra trước, trong đó có 11 nữ. Còn lại 18 người tiếp tục ở lại thêm 1 tuần”, BS kể.

Nhưng có vẻ như số phận cũng trêu ngươi, khi còn đúng 3 ngày nữa thì xong việc, BS Dũng nhận được tin Trung tâm y tế TP.Đông Hà bị phong tỏa, do 1 nhân viên nhiễm Covid-19. Đứng ngồi không yên, BS Dũng đã liên hệ được chuyến xe chạy thẳng từ Bình Dương về quê…

Với BS Dũng và các đồng nghiệp, họ sẽ không bao giờ quên những trải nghiệm của BV dã chiến số 3 Bình Dương. Một chuyến đi đầy tự hào khi những người thầy thuốc ở tận miền Trung vào chia lửa, giúp đỡ bệnh nhân ở Bình Dương, góp phần nhỏ làm giảm tỉ lệ tử vong cho bệnh nhân Covid-19. “Với những trải nghiệm đó, chúng tôi tin rằng mình sẽ xử trí tốt hơn nếu dịch bệnh bùng phát ở Quảng Trị. Chúng tôi hoàn toàn có thể lo được nếu tình thế phải thành lập BV dã chiến cả ngàn giường”, BS Dũng cho hay.

Thực tế, những ngày cuối tháng 2.2022 này, tỉnh Quảng Trị ghi nhận trên 400 ca Covid-19 mỗi ngày, riêng TP.Đông Hà cũng xấp xỉ 100 ca. Nhưng BS Dũng và những nhân viên y tế ở Trung tâm y tế TP.Đông Hà vẫn xoay xở được. Trên tất cả, BS Dũng tin rằng dù “chiến dịch” không quá dài nhưng họ để lại trong lòng đồng nghiệp và bệnh nhân ở Bình Dương những khoảnh khắc ấm áp và tin cậy...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.