Câu chuyện về những cuộc đàn áp, tra tấn dã man, những cuộc đấu tranh kiên cường ở Côn Đảo - nơi được gọi là “thế giới ở giữa sự sống và cái chết” được chính những người cựu tù kể lại trong cuốn sách Tù chính trị câu lưu Côn Đảo (1957 - 1975) từ thực tiễn nhìn lại (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành). Buổi giới thiệu cuốn sách đã diễn ra sáng qua (18.8) tại Bảo tàng Lịch sử quân sự VN (Hà Nội).
TS Nguyễn Đình Thống, nhà nghiên cứu chuyên sâu về Côn Đảo và nhà tù Côn Đảo (Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM), cho hay tù chính trị câu lưu có thể hiểu là những người không có chứng cứ để kết án nhưng vẫn bị tù. Thời hạn câu lưu tối đa là 2 năm nhưng người tù có thể bị gia hạn nhiều lần như một án chung thân, hay có thể bị hành hạ cho đến chết như một án tử hình. Cuốn sách viết về tù chính trị câu lưu, đồng thời cũng viết về cuộc chiến đấu ở Côn Đảo. “Tập sách là công trình công phu, nghiêm túc của những người không chuyên nghề viết sử, mà là những cán bộ cách mạng từng bị địch bắt tù đày”, TS Thống nhìn nhận.
Ông Nguyễn Tấn Phát (ngụ TP.Cần Thơ), người bị giam giữ tại Côn Đảo trong suốt 8 năm (1957 - 1965), một trong những nhân vật trong cuốn sách, đã có mặt tại buổi giới thiệu cuốn sách. Năm nay đã 92 tuổi, nhưng những ký ức của hơn 50 năm trước chưa khi nào phai mờ trong ông. “Khi chúng tôi tuyệt thực 23 ngày đêm để đấu tranh bảo vệ khí tiết cách mạng trước sự khủng bố, áp bức chính trị của địch, tôi đã phải chứng kiến sự hy sinh của 4 anh em, trong đó có anh Nguyễn Văn Nghĩa, Tỉnh ủy viên tỉnh Biên Hòa (nay là tỉnh Đồng Nai). Tôi vẫn nhớ khi đó anh đã rất yếu, anh em mang nước đến cho anh uống mong có thể cứu được anh nhưng anh đã từ chối. Anh bảo anh bị bệnh tim, biết mình không thể sống được nữa nên nhường lại nước cho anh em tiếp tục chiến đấu”, ông Phát kể lại.
17 năm ở trong nhà tù Côn Đảo (1957 - 1974), ông Lê Quang Ba (ngụ Quảng Ngãi) là một trong những thành viên nòng cốt của các phong trào đấu tranh. Ông cũng như những chiến sĩ khác không ít lần bị tra tấn, đánh đập, dội nước, bỏ đói. Có lúc địch không cho cắt tóc, cạo râu, nhiều chiến sĩ rủ nhau cạo trọc đầu. Không có đủ lưỡi lam, các anh phải cắt cả lon sữa bò rồi mài làm dao. Có khi bọn địch tạo cớ phạt, cả tháng không cho đổ cầu tiêu, phân tràn lên miệng cầu, dòi từ thùng cầu bò ra cả sàn phòng, đêm nằm ngủ đè lên cả dòi… Trong hoàn cảnh sống khổ sở, bị áp bức, tra tấn và trước âm mưu của địch, nội bộ cũng có sự đấu tranh quan điểm, có người không giữ được khí tiết. Những điều đó đã được chia sẻ trong cuốn sách.
“Chúng tôi muốn viết cuốn sách như một cuốn sử để lại cho những thế hệ sau này, nhưng không phải vì thế mà tô hồng lịch sử”, ông Lê Quang Ba nói.
tin liên quan
Hệ thống Nhà tù Côn Đảo là Di tích quốc gia đặc biệtNgày 23.3, tại H.Côn Đảo, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức lễ đón nhận và công bố bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo.
Bình luận (0)