Các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm - Ảnh: Ngọc Thắng |
Điều hành phiên họp sáng qua, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Việc lấy phiếu tín nhiệm lần này là rất hệ trọng, đồng bào cử tri cả nước đang theo dõi sát sao xem QH thực thi nhiệm vụ này như thế nào. Đây là lần đầu tiên QH thực hiện quyền giám sát tối cao về công tác nhân sự, vì vậy ĐB cần cân nhắc, thận trọng, khách quan, công tâm và đặc biệt chính xác khi đánh giá tín nhiệm các chức danh chủ chốt do QH bầu hoặc phê chuẩn”.
|
Trước khi QH tiến hành biểu quyết danh sách các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này, Chủ tịch QH cũng nêu rõ 4 căn cứ quan trọng để đánh giá tín nhiệm. Đó là căn cứ vào Báo cáo tự đánh giá của các vị được lấy phiếu; Kết quả hoạt động của QH thông qua tổ chức tiếp xúc cử tri, giám sát, chất vấn, báo cáo giải trình; Đánh giá của bản thân mỗi ĐBQH; Tình hình kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại. “Từ tình hình này nói lên nỗ lực và những yếu kém tồn tại chưa khắc phục được. Đây cũng là căn cứ, là thông tin rộng khắp đồng bào cử tri cả nước đều biết, là căn cứ để có được đánh giá toàn diện với hoạt động của nhà nước”, Chủ tịch QH lý giải thêm và nhấn mạnh: “Trong 4 căn cứ để lấy phiếu nói trên, đánh giá của bản thân mỗi ĐB là căn cứ quan trọng nhất, bởi sự công tâm và khách quan của mỗi ĐB sẽ quyết định chất lượng hoạt động hệ trọng này”.
Về các chức danh được lấy phiếu tại kỳ họp này, Chủ tịch QH cho hay căn cứ vào tiêu chí lấy phiếu phải là người đang giữ chức vụ được QH bầu và phê chuẩn tại thời điểm lấy phiếu và phải có thời gian giữ chức vụ đó tương đương 1 năm trở lên, nên các ông Vương Đình Huệ (nguyên Bộ trưởng Tài chính), Đinh Tiến Dũng (tân Bộ trưởng Tài chính) và Nguyễn Hữu Vạn (tân Tổng kiểm toán Nhà nước) sẽ không nằm trong danh sách lấy phiếu tín nhiệm lần này. Danh sách các vị trong diện lấy phiếu đã được QH biểu quyết thông qua sau đó với sự tán thành của 95,58% ĐBQH.
Chỉ một ĐB yêu cầu chức danh báo cáo thêm
Phát biểu tại phiên họp chiều 10.6, sau khi các ĐB thảo luận tại đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết Ủy ban TVQH đã nhận đầy đủ biên bản 63 đoàn ĐBQH. Các đoàn và đa số ĐBQH đều đánh giá việc lấy phiếu là một chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước, được chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc, thận trọng, đúng quy trình.
|
Liên quan đến bản tự kiểm điểm của các chức danh được lấy phiếu, Chủ tịch QH cho biết một số ĐBQH đề nghị báo cáo cần thống nhất và có hướng dẫn cụ thể. Trên thực tế, Ủy ban TVQH đã có hướng dẫn, có văn bản yêu cầu người được lấy phiếu làm báo cáo gửi tới các ĐBQH. Dựa trên 2 nội dung là kết quả thực thi nhiệm vụ công tác và phẩm chất đạo đức, lối sống…, người được lấy phiếu đã báo cáo đầy đủ, đúng nội dung yêu cầu, “tuy nhiên, do cách thể hiện của mỗi đồng chí khác nhau nên liều lượng, nội dung báo cáo có khác nhau”.
Trong báo cáo giải trình, Chủ tịch QH cũng cho biết theo quy định ĐBQH có quyền yêu cầu chức danh lấy phiếu báo cáo giải trình thêm, tuy nhiên chiều qua chỉ có 1 ĐB yêu cầu và chức danh được yêu cầu đã có báo cáo thêm.
Chủ tịch QH cũng nhấn mạnh lần nữa kết quả kiểm phiếu sẽ được công khai trước QH theo đúng quy định của Nghị quyết (NQ) 35. Ông cũng chia sẻ, khi ban hành NQ 35, các cơ quan của QH đã chuẩn bị chu đáo, được các ĐBQH thảo luận nhiều lần và thống nhất ban hành. Tuy nhiên, “lần đầu thực hiện không tránh khỏi những mặt còn hạn chế nên Ủy ban TVQH trân trọng tiếp thu các ý kiến xác đáng của các vị ĐBQH, nếu cần thiết sẽ tiếp tục hoàn chỉnh NQ 35 để những lần lấy phiếu tín nhiệm tiếp theo đạt hiệu quả cao hơn”.
Trước khi nhường lời cho Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương trình danh sách dự kiến Ban Kiểm phiếu để QH biểu quyết, Chủ tịch QH nhấn mạnh quá trình bỏ phiếu sẽ được thực hiện một cách thận trọng và sẽ làm một cách kỹ càng, Ban Kiểm phiếu sẽ hướng dẫn kỹ để ĐB làm một cách thận trọng, công tâm, khách quan. “Chúng ta làm thật chính xác, cho nên không hạn chế về thời gian, các ĐBQH có thể dành thời gian thích đáng để ghi phiếu trước khi bỏ phiếu”, Chủ tịch QH lưu ý.
Chiều qua, QH đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt do QH bầu hoặc phê chuẩn. Đáng chú ý, tại phiên họp này của QH có các vị là chủ tịch, phó chủ tịch HĐND các tỉnh, thành trong cả nước về dự thính để tham khảo kinh nghiệm triển khai việc lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND địa phương mình sắp tới.
Ông Đỗ Văn Chiến làm Trưởng ban Kiểm phiếu Theo Tờ trình do Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương trình bày, danh sách Ban Kiểm phiếu gồm 29 người, do ông Đỗ Văn Chiến, ĐBQH tỉnh Yên Bái, làm trưởng ban. Các thành viên trong ban gồm đại diện ĐB ở nhiều đoàn ở các tỉnh, thành khác. Danh sách này đã được thông qua ngay sau đó với 488/490 ĐB có mặt tán thành, chiếm tỷ lệ 97,99%. Theo Trưởng ban Kiểm phiếu Đỗ Văn Chiến, phiếu tín nhiệm sẽ được chia thành 10 loại theo từng chức vụ hoặc nhóm chức vụ do QH khóa XIII bầu hoặc phê chuẩn. Trên phiếu ghi rõ họ tên chức vụ của người được lấy phiếu, kèm theo 3 ô biểu thị 3 mức độ tín nhiệm: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Theo đó, QH sẽ đánh giá tín nhiệm phiếu riêng về Chủ tịch nước; phiếu về Phó chủ tịch nước; Chủ tịch QH; các Phó chủ tịch QH; Các ủy viên Ủy ban TVQH; Thủ tướng; các Phó thủ tướng; Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TANDTC; Viện trưởng Viện KSNDTC. Bảo Cầm |
Bên lề QH Không phải chờ tới hôm nay
Tôi không hề băn khoăn và tin rằng các ĐB khác cũng không hề băn khoăn vì tất cả về cơ bản đã có đủ thông tin. Đã có thời gian gần 2 năm để các ĐBQH đánh giá các chức danh chủ chốt thông qua hoạt động của họ trong lĩnh vực được giao. Quan trọng nhất, tôi cho rằng các ĐB bỏ phiếu trên quan điểm của nhân dân, của cử tri chứ không phải quan điểm của cá nhân mỗi ĐB. Mình tin tưởng các ĐB đã cân nhắc, không phải chờ tới hôm nay mà đã cân nhắc từ trước rồi. Bản thân tôi đã theo dõi từ trước, cân nhắc từ trước chứ không phải chỉ từ sáng tới giờ mới quyết định. Trong số 47 vị được lấy phiếu, mỗi người một cương vị, nhiệm vụ khác nhau, kết quả hoạt động của họ cũng khác nhau, không thể đồng nhất được. ĐB Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban KHCN-MT của QH
Không làm gì còn nguy hiểm hơn làm sai
Tôi đánh giá và đi đến quyết định bỏ phiếu không chỉ căn cứ vào việc các “tư lệnh” ngành, lĩnh vực làm sai mà là vấn đề không làm hoặc làm không đến nơi, đến chốn. Tôi từng có thời gian học tập nước ngoài và thấy rằng ở bên đó, hai người có thể làm bạn rất thân nhưng một người là công chức nhà nước mà không hoàn thành nhiệm vụ thì người kia sẵn sàng nói “anh nên nghỉ”. Nếu chỉ tập trung vào việc sai thì có vị sẵn sàng không làm gì. Mà nói thật là không làm gì còn nguy hiểm hơn là làm sai. Tôi sẽ bỏ là phiếu trên cơ sở thông tin đầu vào cho từng chức danh. Thật ra để đạt được tín nhiệm cao, tuyệt đối là rất khó. Vì trong bối cảnh không có đầy đủ thông tin một cách tuyệt đối thì sự đánh giá khó chính xác. Tuy nhiên, đối với những vị trong quá trình điều hành quản lý dám làm, thậm chí có sai nhưng quyết tâm sửa sai, tạo được chuyển biến nhất định trong phạm vi quản lý, chắc chắn tôi sẽ đánh giá tín nhiệm cao. ĐB Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của QH Cũng có vị tôi đánh giá tín nhiệm thấp
Khi bỏ phiếu, có nhiều chức danh tôi phải dừng lại vài giây vì còn thấy phân vân giữa các mức tín nhiệm và tín nhiệm thấp, vì nếu biết rõ thông tin thì sẽ yên tâm bỏ phiếu, với người chưa rõ thông tin thì còn thấy phân vân, nhất là việc bỏ phiếu này liên quan đến sinh mệnh chính trị của từng vị. Tất nhiên đây chỉ là phiếu để đánh giá thôi nhưng sẽ được công bố công khai trước đồng bào cử tri cả nước. Trong số 47 vị được lấy phiếu, cũng có vị tôi đánh giá tín nhiệm thấp. Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.Hải Phòng Trần Ngọc Vinh
Bảo Cầm - Anh Vũ (ghi) |
Bảo Cầm
>> Bốn căn cứ để lấy phiếu tín nhiệm
>> Công khai tỷ lệ phiếu tín nhiệm của từng chức danh
>> Bị tín nhiệm thấp sẽ chủ động xin từ chức
>> ĐBQH sẽ thảo luận trước khi bỏ phiếu tín nhiệm
Bình luận (0)