Hôm nay Đại lễ cầu siêu đồng bào tử vong vì Covid-19: Đúng giỗ đầu của mẹ, em chồng

18/08/2022 08:05 GMT+7

Ngày 18.8 (tức 21.7 âm lịch) – đúng 1 năm trước chính là ngày bà Mai nhận tin mẹ chồng, em chồng mất vì Covid-19. Hai tin dữ cách nhau 30 phút, khi đó chồng bà chuyển nặng phải vào ICU, bà cũng rơi vào thập tử nhất sinh vì Covid-19.

Ngày 21.7 âm lịch năm 2021. Trong Bệnh viện Dã chiến số 1, bác sĩ chạy rầm rập liên tục kiểm tra chỉ số SpO2 của ông Công Hoàng (59 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) - chồng bà Ngô Thị Phương Mai (47 tuổi). Cả 4 người trong gia đình bà đều đang nằm chung một phòng, điện thoại bà Mai đổ chuông, đầu dây bên kia là giọng em chồng:

12 giờ: Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh báo chắc mẹ không qua khỏi.

12 giờ 10 phút: Bệnh viện nói mẹ vừa ổn, chắc sẽ qua.

12 giờ 30 phút: Mẹ mất rồi…

Bà Mai buông điện thoại, mắt ngấn lệ nhìn về phía chồng và các con.

13 giờ, điện thoại bà tiếp tục đổ chuông: Chị là người nhà của Đ.V.H? Có ai báo tin cho chị về tình hình anh H. chưa? Anh H. mất lúc 6 giờ 55 phút sáng nay.

Tro cốt của mẹ và em chồng bà Mai đều được gửi tại chùa Giác Ngộ
NVCC

Hai tin dữ cách nhau chỉ 30 phút, bà Mai cố gắng giữ bình tĩnh báo tin cho chồng. Cả nhà nhìn nhau, mẹ chồng và em chồng đã cùng mất trong một ngày, không ai nói với ai được lời nào. Căn phòng trong bệnh viện lạnh như băng.

Đại lễ cầu siêu đồng bào tử vong vì Covid-19: ngậm ngùi nhớ mẹ, nhớ em

“Kinh khủng lắm”

Nhà đông anh em, chồng bà Mai nhiều lần muốn đón mẹ về nhà phụng dưỡng, nhưng bà nhất quyết đòi ở với chú Út ở Q.8. Chú Út (43 tuổi) là võ sư, ly hôn vợ và nuôi 2 con trai. Căn nhà ở Q.8 còn có thêm một người chị bị tật câm điếc. Vợ chồng bà Mai ở Q.7 thường tới lui thăm nom.

Nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát, ai ở đâu ở yên đó thì không còn được gặp nhau nữa. “Kinh khủng lắm” – bà Mai mở đầu câu chuyện về ký ức của ngày này đúng 1 năm trước.

Khi ấy, bà nhận tin chú Út nhiễm Covid-19, là võ sư, sức khỏe tốt, đã tiêm 1 mũi vắc xin, ai cũng nghĩ chú Út sẽ không đến nỗi. Giãn cách anh chị em không tới được, chú Út cũng không muốn đi viện vì sợ không ai ở nhà lo cho mẹ và các cháu.

Đúng 1 năm trước, gia đình bà Mai liên tiếp nhận 2 tin dữ trong 30 phút
nvcc

Mỗi ngày, bà Mai gọi video để cập nhật tình hình, dặn dò chú Út uống thuốc. Đến ngày thứ 3, thấy thần sắc chú Út không tốt, SpO2 bắt đầu dao động ở mức 70 – 80, cả nhà bà Mai cuống cuồng nhờ mua một máy thở nhỏ gửi đến, nhưng chú Út vẫn không thở được.

Gọi người thân làm nhiệm vụ ở tuyến đầu, bà Mai nhờ mua được một bình ô xy lớn giao đến nhà, nhưng chú Út đã bắt đầu mê sảng. 15 phút sau, y tế đến nhà, đưa chú Út đến BV dã chiến Q.8, sau đó chuyển sang BV Bình Chánh.

Những thành viên còn lại trong căn nhà ở Q.8 cũng có dấu hiệu nhiễm Covid-19, nhưng không thể nào mua được que test, cả nhà rối như tơ vò. Đến khi mẹ chồng trở nặng thì được y tế chuyển nhập viện. Ngày nhập viện, bác sĩ báo về gia đình, tình hình của bà không khả quan.

Cũng trong thời gian này, bà Mai lên sân thượng hái cây húng lủi, nhưng ăn chỉ thấy vị cay mà không ngửi thấy mùi thơm. Cả nhà sau đó có kết quả PCR dương tính, được đưa vào BV dã chiến số 1.

49 ngày và 100 ngày của mẹ và em chồng bà Mai đều được tổ chức tại chùa, có các thầy đọc kinh

nvcc

4 người chung một phòng, bà Mai định giấu họ hàng, giấu cả người con đang du học ở Đan Mạch vì sợ mọi người lo lắng.

Nhưng ngày nhận 2 hung tin cùng lúc, ông Hoàng trở nặng, phải chuyển đến phòng ICU ở BV đa khoa Thủ Đức. Bà cũng trải qua trận thập tử nhất sinh. Bà nói: “Nhiều lần tôi nghĩ mình hết nợ với cuộc đời rồi nên chỉ cầu nguyện, ngồi thiền, tập thở. Chồng tôi cũng chấp nhận vô thường, nghĩ duyên số tới đó rồi. Nhưng qua đêm đầu, đêm thứ hai, đến đêm thứ ba thì tôi mới biết mình vẫn còn nợ với đời, phải về nhà để lo cho má. Má với chú Út khi đó đi thiêu vẫn chưa được nhận tro cốt về. Nhà đang một mớ bòng bong chuyện. Tôi phải trở về để lo”.

Bà gọi điện thoại đến Thượng tọa Thích Nhật Từ - trụ trì chùa Giác Ngộ, xin được gửi tro cốt của 2 người thân sau khi nhận được tro cốt từ quân đội. Thượng tọa đồng ý, bà mới cảm thấy nhẹ lòng được đôi chút.

An ủi khi được tìm về với Phật pháp

Giữa tháng 9.2021, bà Mai được xuất viện, 10 ngày sau đó, chồng bà cũng trở về nhà. Nhưng chưa hoàn toàn hết giãn cách, bà gọi nhờ người quen chạy xe cấp cứu chuyển bệnh đưa tro cốt của mẹ chồng và em chồng vào chùa.

Gia đình thực hiện cúng 49 ngày, 100 ngày trong chùa, có các thầy đọc kinh. Nhắc đến đây, bà bùi ngùi: “Cuộc đời mẹ tôi mồ côi, chạy giặc lưu lạc gia đình, 63 năm mới gặp lại chị ruột, cha mẹ không còn, mẹ rất hiền. Vì vậy mà hôm qua tôi cúng giỗ đầu ở chùa trước, buổi cúng có rất đông họ hàng từ các tỉnh tập trung về, bạn bè chú Út cũng đến thắp nhang, đọc kinh”.

Nhiều lần tôi nghĩ mình hết nợ với cuộc đời rồi nên chỉ cầu nguyện, ngồi thiền, tập thở. Chồng tôi cũng chấp nhận vô thường, nghĩ duyên số tới đó rồi. Nhưng qua đêm đầu, đêm thứ hai, đến đêm thứ ba thì tôi mới biết mình vẫn còn nợ với đời, phải về nhà để lo cho má. Má với chú Út khi đó đi thiêu vẫn chưa được nhận tro cốt về. Nhà đang một mớ bòng bong chuyện. Tôi phải trở về để lo

Bà Ngô Thị Phương Mai

Theo bà Mai, gửi tro cốt 2 người thân ở trong chùa ngày nào cũng được nghe Phật pháp, cúng cơm. Con cháu có thể đến thăm thường xuyên, bất kể khi nào nên gia đình luôn thấy được an ủi, gần gũi.

Gia đình, người thân, bạn bè đến làm lễ giỗ đầu của mẹ và em chồng bà Mai vào ngày 17.8 tại chùa
nvcc

“Ba chồng tôi mất năm 2005, chôn ở nghĩa trang ngoại thành nên mỗi lần con cháu đi viếng phải đi xa. Còn mẹ chồng và em chồng giờ ở ngay trong nội thành, hai hũ cốt nằm gần nhau, cùng tầng với nhau, đúng như nguyện ước của mẹ được ở cùng chú Út”, bà Mai bộc bạch.

Sáng sớm nay, bà Mai cùng chồng đã dậy thật sớm, tự tay chuẩn bị mâm cúng chay cho giỗ đầu của mẹ và em chồng. 4 bàn đãi khách, gia đình cũng đặt tiệc chay. Buổi đại lễ cầu siêu đồng bào tử vong trong dịch Covid-19 cũng vừa được GHPGVN TP.HCM khai mạc Trai đàn tại Việt Nam Quốc Tự đúng ngày giỗ đầu hai người thân trong gia đình… Những ký ức lại ùa về, nhưng trong lòng những người ở lại đã được an ủi hơn rất nhiều…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.