Homeschooling - Mô hình giáo dục tại nhà ở Mỹ

05/04/2014 10:15 GMT+7

Ở Mỹ có rất nhiều gia đình không gửi con đi học ở trường mà tự dạy con tại nhà. Việc dạy con đa phần là do các bà mẹ đảm nhiệm.

Ở Mỹ có rất nhiều gia đình không gửi con đi học ở trường mà tự dạy con tại nhà. Việc dạy con đa phần là do các bà mẹ đảm nhiệm.


Kelli kiểm tra bài của con 
 

Nghe nói về homeschooling đã lâu mãi gần đây tôi mới có dịp hẹn chị Kelli Van Doren, một “chuyên gia dạy con ở nhà”, để tìm hiểu về cách giáo dục này...

Kelli và chồng là Steve có 4 con, 3 gái và 1 trai. Cả bốn người con đều được mẹ kèm tại nhà từ bé. Katie học ở nhà đến hết lớp 9, Annemarie hết lớp 8 còn Claire hết lớp 7 thì chuyển qua học các trường công.

Năm nay Katie đã 22 tuổi, đang làm nghiên cứu sinh ngành vật lí trị liệu; Annemarie 20 tuổi, đang là sinh viên năm thứ hai ngành kinh doanh. Claire 18 tuổi, đang học lớp 12.

Hiện chị Kelli chỉ kèm con trai Isaac 12 tuổi đang học lớp 6 tại nhà.

Tôi đến nhà Kelli vào một buổi chiều, nghĩ là sẽ ngồi nghe Kelli giảng bài cho con trong “phòng học”. Kelli ra đón, bảo tôi vào xem Isaac học bài. Hóa ra cậu nhóc đang ngồi ở bàn ăn trong bếp đọc sách toán. Chúng tôi đi ra phòng khách ngồi nói chuyện về kinh nghiệm dạy con tại nhà của Kelli.

Một lúc sau Isaac chạy ra bảo “Mẹ ơi con xong rồi. Học gì tiếp đây ạ?”. Kelli bảo con lấy sách khoa học ra đọc. Khoảng 30 phút sau nữa cậu nhóc lại chạy ra “Mẹ ơi con đọc xong rồi”, Kelli bảo: “Thế đưa sách ra đây mẹ kiểm tra”.

Dùng thời gian chơi làm… phần thưởng

Đứa trẻ nào mà chẳng có lúc lười biếng, thế điều gì thúc đẩy Isaac học hành chăm ngoan? Khi tôi đưa ra thắc mắc này thì Kelli cười và trả lời: “Thời gian rỗi”. Có nghĩa là nếu Isaac học nhanh thì cậu sẽ có thêm nhiều thời gian rỗi để làm việc cậu muốn. Đơn giản thế thôi. Hơn nữa vì Isaac đã lớn lên với môi trường này từ bé nên việc tự giác ngồi vào bàn học đối với cậu là rất bình thường chứ không hề áp lực hay khó khăn như người ngoài vẫn nghĩ.

 

Isaac ngồi xuống ghế salon trong phòng khách cùng chúng tôi. Kelli thì cầm cuốn sách của Isaac, xem phần câu hỏi kiểm tra và hỏi Isaac, một tay thì lật sang trang cuối để xem câu trả lời.

Đây là dạng câu hỏi nhiều lựa chọn (multiple choice), Kelli hỏi và đưa ra 3 đáp án như trong sách để kiểm tra xem cậu chàng đã thực sự hiểu bài chưa.

Mỗi lần Isaac trả lời xong tôi lại thấy Kelli trầm trồ: “Ô cái này hay nhỉ, mẹ cũng không biết đến đâu đấy”. Có vẻ như là chị cũng không biết thật chứ không phải là chỉ muốn khen cậu con trai.

Đến câu thứ 6 thì Isaac nói với mẹ: “Phần này con chưa đọc đến”. Vậy buổi kiểm tra thế là xong, chỉ trong vòng 5 phút. Isaac lại quay ra học môn tiếng Tây Ban Nha theo yêu cầu của mẹ.

Cả buổi ngồi nói chuyện với Kelli tôi không thấy cô giảng giải gì cả mà chủ yếu là Isaac tự đọc sách, xong rồi nếu cần thì mẹ kiểm tra. Hết môn này thì lại qua học tiếp môn khác.

Mẹ chọn sách giáo khoa

Một ngày của Isaac cũng bắt đầu từ 9 giờ sáng, ăn trưa nhanh và học tiếp đến 3 giờ chiều, giống như các học sinh ở trường. Điểm khác nhau ở đây là Isaac học theo sách giáo khoa mà mẹ cậu chọn, không giống như các sách ở trường và cậu tự đọc, tự học là chính. Không có giáo viên giảng bài. Mẹ cậu cũng rất hạn chế giảng bài cho cậu nghe mà chỉ trao đổi nếu cần thiết.

Kelli đưa cho tôi xem một loạt các chương trình học được thiết kế cho học sinh học tại nhà. Đây là một thị trường sách giáo khoa riêng biệt và đang ngày càng phát triển mạnh ở Mỹ. Vì học sinh ở Mỹ không phải thi lên lớp và việc giáo dục tại nhà được công nhận như giáo dục ở các trường phổ thông nên ngày càng có nhiều phụ huynh lựa chọn phương pháp này.

Mỗi gia đình lựa chọn vì những lý do khác nhau. Ví dụ các gia đình thường xuyên phải di chuyển hay gia đình có con là vận động viên hay phải đi tập huấn thì đây là lựa chọn duy nhất để chương trình học của con không bị ảnh hưởng.


Sổ ghi chép của mẹ mỗi tuần, môn nào con học xong rồi thì đánh dấu  

Phần lớn các gia đình ở Mỹ lựa chọn phương pháp này vì 3 lý do chính: Muốn dạy con về đạo đức và đức tin (vì các chương trình liên quan đến tôn giáo đã bị bỏ khỏi chương trình học phổ thông nên nhiều gia đình theo đạo muốn dạy con tại nhà một phần là để tiếp tục dạy con về đạo - PV); có thêm nhiều thời gian với con cái (nhiều người cho rằng việc cho con đến trường đi học từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều là quá nhiều, bố mẹ không có nhiều thời gian để chơi với con, nói chuyện và trao đổi với con…); có thể họ không hài lòng với chương trình học ở các trường phổ thông (một số cho rằng cách học “nhồi nhét” ở trường quá cứng nhắc, trẻ em không có nhiều cơ hội để được dạy bảo tận tình vì mỗi đứa trẻ mỗi khác).

Ở Mỹ có rất nhiều nguồn lực giúp cho các bà mẹ có thể hiện thực hóa việc dạy con tại nhà. Ngoài các sách giáo khoa được thiết kế riêng cho phương pháp này, các bà mẹ còn có thể đăng ký cho con học các lớp online, hay gần đây thì sử dụng cả chương trình Khan Academy (https://www.khanacademy.org/) trên mạng.

Các bà mẹ cùng lập hội và giao lưu với nhau, tổ chức các chuyến dã ngoại, tìm hiểu bảo tàng, thư viện hay làm giáo viên dạy chung 1 lớp cho các em lớp lớn hoặc các môn khó. Một điều thú vị nữa là những gia đình lựa chọn phương pháp này thường sinh 3-4 đứa con nên việc dạy con tại nhà lại càng tiện lợi vì các con cũng có “bạn học”, mà bố mẹ thì không phải chia nhau ra đưa đón con đi học mỗi ngày, rất tốn thời gian.


Sử dụng internet để hỗ trợ việc dạy con tại nhà

Nhiều người cho rằng cho con học tại nhà như vậy thì hạn chế các giao tiếp xã hội của con cái, nhưng sau khi nghe Kelli giải thích thì tôi lại thấy không phải như vậy. Thực tế là các em không thiếu các hoạt động giao tiếp, chỉ khác là bố mẹ các em chủ động trong việc em chơi với ai, đi đâu… do đó các em sẽ không bị ảnh hưởng bởi các tệ nạn xã hội.

Tất nhiên là các bố mẹ không thể giữ con mãi được nhưng ít nhất đối với họ, thời gian đầu cần phải giúp con không chỉ có kiến thức vững chắc mà còn trang bị các kỹ năng sống, cách sống lành mạnh trước khi ra “biển lớn”. Như trường hợp của Kelli thì 3 cô con gái đều đi học cấp 3 ở trường công vì chị cho rằng lúc này con cũng đã đủ vững vàng và cũng cần có được trải nghiệm một môi trường học khác. Các con của chị đều hòa nhập và học rất tốt so với các bạn cùng lớp.

Kelli chỉ cho tôi một chương trình học mẫu, trong đó có danh sách các cuốn sách mà một học sinh cần phải đọc trong một năm. Tôi thực sự ngạc nhiên khi nhìn tấm ảnh chụp các cuốn sách này - chẳng có cuốn nào trong số này tôi đã đọc và nếu tính số sách tôi đã đọc trong đời một cách nghiêm túc (không kể sách liên quan tới chuyên môn) thì chắc cũng chỉ được đến thế. Điều này khiến tôi thấy hơi xấu hổ một chút. Chẳng thế mà khi so sánh với các học sinh học tại trường phổ thông thì các em học tại nhà có điểm trung bình môn nào cũng cao hơn nhưng môn đọc (reading) là cao nhất theo một báo cáo của HSLDA (Home school legal defense association) năm 2009 - http://www.hslda.org/default.aspx.

Đây cũng là một thế mạnh của phương pháp này vì các em có nhiều thời gian để đọc và đọc những cuốn sách kinh điển và cần thiết mà bố mẹ lựa chọn, thay vì phải chạy theo giáo trình của trường.

Kelli cũng nói với tôi là các con của cô khi qua lớp 4 là gần như tự học là chính. Còn dưới lớp 4 thì cô vẫn phải kèm cặp nhiều nhưng không giảng bài mà chỉ trao đổi giữa hai mẹ con với nhau.

Một điều thú vị nữa là cô không bao giờ chấm điểm bài của con. Khi con nộp bài kiểm tra thì cô chỉ đánh dấu những chỗ sai và sửa lỗi cho con. Isaac không có áp lực về điểm số ít nhất là trước khi vào học cấp 3. Quá trình học của cậu là một quá trình học hỏi các kiến thức mới và cậu chẳng có ai để ganh đua hay so sánh.

Phương pháp nào cũng có ưu điểm lẫn nhược điểm. Dù rất thích ý tưởng dạy con tại nhà nhưng tôi đoán là trong cuộc đời mình chắc cũng khó có cơ hội thực hiện điều đó. Chí ít từ buổi nói chuyện với Kelli ngày hôm nay tôi đã học được một số điều để có thể áp dụng cho con mình sau này.

Thứ nhất là kỹ năng đọc và tự học. Có lẽ lần tới tôi sẽ hỏi Isaac danh sách những cuốn sách kinh điển mà cậu đã đọc để sau này khi có thời gian tôi sẽ tìm đọc. Khi nào con biết đọc tôi sẽ lên danh sách các cuốn sách này để con đọc dần thay vì để chúng xem tivi hay chơi mấy trò vô bổ.

Thứ hai là thời gian mà bố mẹ dành cho con trong những năm đầu đời là rất quan trọng. Tùy bạn định nghĩa “đầu đời” là thế nào, có thể là hết 5 tuổi, hết 15 tuổi nhưng chắc là bạn cũng đồng ý là đa số chúng ta chưa dành đủ thời gian cho con. Chúng ta có quá nhiều lý do để coi việc giao con cho trường lớp và các thầy cô giáo trông nom là gần như đã hoàn thành trách nhiệm. Có phải vì thế mà học sinh chúng ta ngày càng ghét học và tham gia vào các tệ nạn xã hội ngày càng nhiều hơn?

Thứ ba là vai trò của người mẹ. Việc tự dạy con ở nhà không hề đơn giản dù đã có rất nhiều nguồn hỗ trợ. Tôi nghĩ Kelli đã chấp nhận chọn một con đường khó khăn hơn vì tương lai của các con. Nhưng ngoài hy sinh về thời gian, các cơ hội phát triển nghề nghiệp, tôi nghĩ hẳn Kelli cũng phải là một bà mẹ rất quyết tâm và có kiến thức mới dám chịu trách nhiệm về việc giáo dục con như vậy. Còn nếu không thì có lẽ là việc gửi con đến trường vẫn là một lựa chọn tốt hơn nhiều.

Hoàng Khánh Hòa*

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, du học sinh tại Mỹ

>> Giáo dục nếp sống văn minh cho học sinh
>> Già làng, thôn trưởng đi kiểm tra việc học tại nhà
>> Giáo dục Mỹ: Tái cấu trúc nhờ công nghệ số

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.