Homestay trái phép tràn ngập vùng lõi di sản Tràng An

05/05/2022 06:16 GMT+7

Nhiều năm qua, trong lòng di sản Tràng An (Ninh Bình) tồn tại hàng chục homestay xây dựng trái phép và hoạt động lưu trú bất hợp pháp.

Xây trái phép không xử lý nổi

Kể từ khi Tràng An được công nhận là di sản thế giới năm 2014, ngành du lịch Ninh Bình phát triển vượt bậc, nhờ lượng khách đổ về Tràng An ngày một đông. Tuy nhiên, cũng không ít lần di sản Tràng An bị xâm hại, như vụ xâm hại tại khu vực núi Cái Hạ, Thung Nham... Hiện nay, nhức nhối và còn tồn tại chưa thể xử lý được là hàng loạt homestay do người dân tự phát xây dựng trái phép ngay trong vùng lõi, vùng bảo vệ nghiêm ngặt của di sản.

Xã Ninh Xuân, Ninh Thắng, Ninh Hải, Trường Yên... (H.Hoa Lư) là nơi nhiều công trình trái phép mọc lên trong vùng lõi di sản Tràng An. Tại khu vực chân núi thuộc thôn Khê Thượng (xã Ninh Xuân), từ năm 2015 - 2021, hộ gia đình ông Lưu Đình Quế đã tự ý lấn đất nông nghiệp xây dựng nhiều hạng mục để kinh doanh du lịch. Đến nay, ông Quế đã hoàn thành gần 10 chòi dựng bằng gỗ, lợp mái bằng ngói đỏ, mỗi chòi rộng chừng 10 m2 trải dọc theo chân núi. Ông Quế còn ngang nhiên xây dựng một tòa nhà cao 3 tầng sừng sững ở chân núi.

Hàng loạt công trình trái phép, lấn chiếm đất nông nghiệp để xây dựng trong lòng di sản Tràng An

MINH HẢI

Tại thôn Trường An (xã Trường Yên), một hộ gia đình cũng xây dựng cơ sở kinh doanh du lịch dạng homestay với nhiều phòng nghỉ và các công trình phụ trợ. Công trình nằm cạnh sông Sào Khê, mới được hoàn thành chỉ khoảng 2 năm qua. Hiện tại, trên địa bàn xã Trường Yên có hơn 10 homestay của người dân tự phát xây dựng và kinh doanh du lịch không đúng quy định.

Người ta ở đấy trước khi Tràng An trở thành di sản, cho nên quy hoạch không cấm hoàn toàn xây dựng. Nhưng nhà nhà làm tự do thì sẽ nát hết khu di sản.

PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia

Các công trình xây dựng trái phép hầu như đã bị chính quyền, đơn vị chức năng tỉnh Ninh Bình kiểm tra, phát hiện, thậm chí lập biên bản vi phạm hàng chục lần, nhưng vẫn được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Chỉ tính riêng công trình vi phạm của gia đình ông Lưu Đình Quế, chính quyền địa phương và Ban Quản lý quần thể danh thắng Tràng An ít nhất đã 20 lần kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu dừng các hoạt động xây dựng nhưng không làm gì được. UBND H.Hoa Lư cho biết toàn huyện này hiện nay đã có gần 30 homestay xây dựng hoàn toàn trái phép trong vùng lõi của di sản Tràng An. Địa phương đã lập biên bản vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu dừng xây dựng, nhưng dường như không đủ sức răn đe.

Công trình xây dựng trái phép trong di sản Tràng An ở thôn Khê Thượng, xã Ninh Xuân, H.Hoa Lư, Ninh Bình

Không để thành một Đường Lâm thứ hai

Đầu năm 2019, Sở Du lịch Ninh Bình công bố danh sách 20 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú (dạng homestay) xây dựng và hoạt động trái phép, để du khách không đến nghỉ, lưu trú. “Sắp tới sẽ tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm, tuy khó nhưng vẫn sẽ làm”, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó chủ tịch UBND H.Hoa Lư, cho biết.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở VH-TT Ninh Bình, cũng cho biết hiện tại việc xử lý vấn đề các công trình xây dựng trái phép tại khu di sản thế giới Tràng An được giao cho Sở Du lịch.

Còn theo ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, việc quản lý trật tự xây dựng vẫn là việc của địa phương. Sở Du lịch là đơn vị theo dõi đề xuất chính sách phù hợp. Ông Mạnh đánh giá: “Ở đây có xây dựng trái phép, nhưng nếu để nói xâm hại cảnh quan núi non, xẻ núi ra làm homestay thì chưa”.

Dù chưa xẻ núi nhưng những công trình trái phép này gợi nhớ lại cây cầu xuyên lõi di sản Tràng An năm 2018. Cây cầu gồm hơn 2.000 bậc thang từ chân lên đỉnh núi Cái Hạ, được nối nhau bằng các cột bê tông trụ đứng trên các vách đá tai mèo chênh vênh. Nó cho thấy ý thức gìn giữ di sản rất yếu của cả chính quyền lẫn một số người dân tại khu di sản.

Nhiều homestay xây dựng trái phép, hoặc kinh doanh lưu trú trái phép mọc lên như nấm trong di sản Tràng An

Cũng theo ông Mạnh, việc cần nhất cũng đang được thực hiện là làm quy hoạch. “Chúng tôi phải làm quy hoạch, chỗ nào có thể làm homestay, chỗ nào không. Khu vực nào có thể xây công trình có chiều cao, kiến trúc thế nào; không gian nào được 2 tầng, hay 1 tầng rưỡi; độ cao mỗi tầng là bao nhiêu… Phải theo từng bước một. Có nghĩa là quy hoạch bảo tồn di sản hỗn hợp”, ông Mạnh nói.

PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia, cho rằng ở Tràng An cần làm thế nào để người dân cũng được hưởng lợi từ di sản. Nếu chỉ có vài người được hưởng lợi thì Tràng An sẽ rơi vào tình trạng như Đường Lâm trước đây. Có nghĩa là quá ít người được hưởng lợi, nhưng lại bị cấm đoán nhiều, dẫn đến người dân không mặn mà với di sản nữa.

PGS-TS Bài nói: “Người ta ở đấy trước khi Tràng An trở thành di sản, cho nên quy hoạch không cấm hoàn toàn xây dựng. Nhưng nhà nhà làm tự do thì sẽ nát hết khu di sản. Vấn đề là nên chọn khu nào xây, tổ chức cho người dân tự quản với nhau. Nguyên tắc là bảo tồn phải có lợi ích cộng đồng, nếu không có lợi ích thì thành Đường Lâm thứ hai. Làm sao để di sản và cộng đồng cộng sinh. Như Hội An, họ thành lập hợp tác xã, họ tự phân phối việc cho khách ở với nhau. Như thế Tràng An sẽ có các bảo tàng sinh thái”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.