Ngừng thô bạo với di sản

08/12/2019 06:41 GMT+7

Những di sản đang bị khai thác quá độ, các công trình được “cấy” vào di sản vô phép, di sản phi vật thể bị mang đi diễn phục vụ du lịch theo kiểu phản văn hóa...

 Di sản, vì thế, cần được bảo vệ và giữ gìn hơn để phát triển bền vững.

Xâm hại di sản và khai thác quá độ

Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, bức xúc khi nói về bảo tồn nhã nhạc cung đình Huế. Ở Huế, những người làm di sản luôn thực hiện câu “Huế luôn luôn mới”. Có nghĩa là họ không bảo tồn di sản cứng nhắc mà luôn tìm cách đánh thức các tiềm năng. Để bảo vệ bền vững di sản, Huế đã hướng cho các di sản hòa quyện với nhau, chẳng hạn nhã nhạc cung đình Huế được tổ chức trong không gian của di sản khác. Tuy nhiên, ông Trung không khỏi lo lắng: “Ở đâu đó việc bảo vệ di sản còn làm chưa tốt. Chúng tôi từng phát hiện nhã nhạc cung đình Huế diễn ở Hà Nội bằng cách mở giọng hát một ca sĩ nổi tiếng ở Huế rồi người ta hát nhép. Việc làm như thế là sai lệch và thô bạo với di sản”.
Ở đâu đó việc bảo vệ di sản còn làm chưa tốt. Chúng tôi từng phát hiện nhã nhạc cung đình Huế diễn ở Hà Nội bằng cách mở giọng hát một ca sĩ nổi tiếng ở Huế rồi người ta hát nhép. Việc làm như thế là sai lệch và thô bạo với di sản
Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế
Trong khi đó, bà Lê Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), xác nhận đã có những đơn thư của các nhóm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu gửi lên cục này. Theo đó, họ phản ứng về việc có những đền phủ tự ý phong cho mình là phủ chính, khiến các đền phủ xích mích về vai trò của nhau. Cũng có những đơn phản ánh việc hầu đồng bị mang ra thương mại hóa ở những không gian không phù hợp. Trong khi đó, Bộ VH-TT-DL đã có văn bản yêu cầu chỉ được thực hành tín ngưỡng ở những nơi có ban thờ Mẫu.
PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học, thì nhắc tới công trình cầu xuyên lõi di sản Tràng An (Ninh Bình) năm trước. Công trình này cho thấy việc quản lý di sản thiên nhiên thế giới này quá lỏng lẻo. Hiện nay, cầu tuy đã được phá dỡ, song ảnh hưởng cảnh quan vẫn còn phần nào. Một trường hợp khác cũng gây tranh cãi vừa qua là việc xây nhà nghỉ, quán cà phê ở đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang). Công trình mang tên Panorama này làm cảnh quan của khu vực bị ảnh hưởng.
Mặt khác, việc khai thác di sản quá độ cũng được đặt ra. Cách đây 8 năm, việc đóng cửa hang động ở Quảng Bình đã được các nhà nghiên cứu của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đặt ra. Điều này nhằm giúp các hang động được “nghỉ phép” và tái tạo thạch nhũ. Tuy nhiên, cho tới giờ này vẫn chưa có kỳ “nghỉ phép” năm nào như vậy. Hoặc UNESCO cũng đã khuyến cáo về việc cần tính toán lại lượng khách tham quan vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Việc giới hạn số khách này sẽ giúp môi trường vịnh được bảo đảm tốt hơn. Nó cũng hướng việc khai thác vịnh Hạ Long tới mục tiêu bền vững.

Cần đẩy mạnh giáo dục di sản

Trong khi các di sản đang được khai thác chưa hợp lý như vậy, việc đẩy mạnh giáo dục di sản cũng chưa phải khả quan mọi lúc, mọi nơi. Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) hiện là khu di sản hiếm hoi có chương trình giáo dục di sản cho cộng đồng.
Trình diễn nhã nhạc tại Festival Huế Ảnh: Bùi Ngọc Long

Trình diễn nhã nhạc tại Festival Huế

Ảnh: Bùi Ngọc Long

Bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng thuyết minh của hoàng thành, cho biết chương trình Em tập làm nhà khảo cổ hiện rất thu hút học sinh. Học sinh tới và được tham gia thử khai quật khảo cổ để phát hiện các hiện vật của hoàng thành.
Các em cũng được chơi các game liên quan như ghép và vẽ những hiện vật tiêu biểu của các triều đại từng tìm thấy ở đây. “Chúng tôi đã ký kết với Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội và các em học sinh đến mỗi lúc nhiều hơn. Huế cũng đang học tập điều này”, bà Yến nói.
Ông Nguyễn Bá Linh, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), cho biết giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu biết về di sản Thành nhà Hồ đã được đơn vị thực hiện từ trước khi Thành nhà Hồ được công nhận di sản thế giới, và đã trở thành việc làm thường niên. “Chúng tôi đã phối hợp tổ chức cho cả học sinh lẫn người dân và du khách, như: trưng bày hình ảnh về sản vật văn hóa kinh thành Tây Đô; kinh thành Tây Đô lịch sử và văn hóa; kể chuyện di sản bằng ảnh...”, ông Linh nói.
Còn ông Phạm Sinh Khánh, Phó giám đốc Ban Quản lý quần thể danh thắng Tràng An, cho biết từ năm 2015 đến nay chỉ mới tổ chức được việc tuyên truyền pháp luật, giới thiệu về di sản cho các cán bộ cấp thôn, xã nằm trong vùng di sản. Riêng việc đưa học sinh vào di sản để tuyên truyền, học tập hay tìm hiểu về di sản vẫn chưa thực hiện được.

Nỗi lo bảo tồn và hành lang luật

Ông Nguyễn Phước Hải Trung bày tỏ lo lắng: Quần thể di tích Huế hiện nay quá đa dạng và có nhiều công trình đang bị xuống cấp, hư hỏng nặng do biến đổi khí hậu và thời gian, trong khi nguồn đầu tư cho công tác bảo tồn tu bổ vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Kinh phí bảo tồn và khai quật ở Thành nhà Hồ cũng không khá hơn.
Ông Nguyễn Bá Linh cho biết sau khi Thành nhà Hồ được công nhận di sản thế giới thì được các cấp quyết định đầu tư dự án khai quật giai đoạn 2015 - 2020 với tổng mức đầu tư là 87 tỉ đồng. Nhưng hiện tại, đã gần hết năm 2019, số tiền được chi về để phục vụ công tác khai quật mới có khoảng 6,9 tỉ đồng. Cũng theo ông Linh, sẽ không có nguồn phân bổ đủ khi thời gian dự án kết thúc.
Về điều này, GS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, cho rằng các địa phương cần thay đổi tư duy. Họ cần phải xác định văn hóa là nền tảng thúc đẩy phát triển chứ không chỉ coi tiền đầu tư trùng tu là gánh nặng.
Còn về lâu dài, GS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Địa chất khoáng sản, cho rằng cần có sự phối hợp giữa mạng lưới các chuyên gia di sản, chuyên gia tự nhiên... để có thể xây dựng hành lang luật bảo vệ di sản từ nhiều góc độ. PGS-TS Tống Trung Tín đề nghị việc sửa luật Di sản cần theo hướng cụ thể hóa trách nhiệm hơn.

Tranh thủ hợp tác quốc tế trong bảo tồn di sản

Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, cho rằng Việt Nam đang tích cực thực hiện những trách nhiệm của quốc gia thành viên để tranh thủ tối đa sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên.
Chúng ta cũng đang hợp tác rất tốt với nhiều đơn vị, tổ chức ở các nước nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Cũng chính trên cơ sở này, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đề nghị được giúp đỡ để tính toán ngưỡng khách phù hợp cho di sản. Trước đó, Hạ Long cũng đã có hợp tác với các tổ chức quốc tế về môi trường để bàn biện pháp xử lý nước thải.
Bà Uyanga Sukhbaatar, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Mông Cổ, chia sẻ: “Chúng tôi có nhiều cách để bảo tồn di sản trong tương lai, bằng những việc làm ngay từ bây giờ. Như chúng tôi đã và đang thực hiện việc quảng bá di sản đến du khách và thế hệ trẻ bằng cách làm rất đơn giản, như lồng ghép các thông tin, dữ liệu về di sản trong các túi đồ, vật dụng lưu niệm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.