33 ủy viên, nguyên ủy viên T.Ư Đảng bị kỷ luật
Sáng 28.6, thông tin về kết quả phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012 - 2022, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Thái Học cho hay, trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sẽ chủ trì hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra ngày 30.6 tới. |
gia hân |
T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện T.Ư quản lý, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên T.Ư Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
“Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện T.Ư quản lý, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên T.Ư Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang”, ông Học thông tin.
Bên cạnh đó, qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỉ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế hơn 2.000 văn bản pháp luật.
Đặc biệt, theo ông Học, từ sau khi Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo), ban hành cơ chế chỉ đạo phối hợp phát hiện, xử lý các sai phạm qua kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án (tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 18.3.2021), các cơ quan chức năng đã chuyển đến cơ quan điều tra xem xét, xử lý hơn 330 vụ việc có dấu hiệu tội phạm trước khi ban hành kết luận kiểm tra, thanh tra, tăng hơn 3 lần so với các năm trước đó.
37 bị cáo nguyên là cán bộ diện T.Ư quản lý
Bên cạnh đó, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư cho hay, công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư |
gia hân |
Ông Học cho hay trong 10 năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế.
Trong đó, riêng tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ/5.841 bị can, truy tố 2.628 vụ/6.199 bị can, xét xử sơ thẩm 2.439 vụ/5.647 bị cáo.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII (1.2021) đến nay, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can).
Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ. Trong đó Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 180 vụ án, 133 vụ việc.
Trong số này, các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 120 vụ án/1083 bị cáo với 37 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý.
“Đặc biệt thời gian gần đây, đã tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, xảy ra trong lĩnh vực y tế, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp,...”, ông Học thông tin.
Thu hồi 61.000 tỉ đồng tài sản tham nhũng
Liên quan công tác thu hồi tài sản tham nhũng, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư cho biết "có chuyển biến tích cực".
Cụ thể, cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 34,7% (năm 2013, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 10%). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 41,3%.
Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Số địa phương không phát hiện, khởi tố vụ án tham nhũng mới hàng năm có xu hướng giảm dần. Riêng năm 2021, 100% các địa phương đã khởi tố các vụ án mới về tham nhũng.
Một số địa phương phát hiện, khởi tố vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn như: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, TP.HCM, Đồng Nai, An Giang, Thái Nguyên...
Tham nhũng còn nghiêm trọng, phức tạp
Ông Học cho hay, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020 diễn ra ngày 12.12.2020, Ban Chỉ đạo đã thống nhất đánh giá: “Tham nhũng đang 'từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm', góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".
Ông Chu Ngọc Anh (trái) và ông Nguyễn Thanh Long là 2 ủy viên T.Ư khóa XIII vừa bị T.Ư khai trừ ra khỏi Đảng. |
gia hân |
Tuy nhiên, ông Học thông tin tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, có sự cấu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với các doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ông Học nhấn mạnh vừa qua Đảng, Nhà nước đã xử lý nghiêm minh nhiều vụ án, vụ việc, cán bộ, đảng viên tham nhũng, song vẫn xảy ra một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hai lớn, liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao ở T.Ư và địa phương.
Chính vì vậy, Bộ Chính trị quyết định tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012 - 2022 vào 30.6 tới đây.
Hội nghị sẽ đánh giá thực chất kết quả phòng, chống tham nhũng đạt được trong 10 năm và sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII. Từ đó, đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới.
Bình luận (0)