Hơn 10 nhân viên Liên Hiệp Quốc bị bắt giữ tại Ethiopia

10/11/2021 06:19 GMT+7

Hơn một chục nhân viên Liên Hiệp Quốc người Ethiopia đã bị bắt tại thủ đô Addis Ababa của nước này trong các hoạt động nhắm vào người dân tộc Tigray.

Ban nhạc quân đội diễu hành trong cuộc mít tinh ủng hộ quân chính phủ Ethiopia ngày 7.11 ở Addis Ababa

afp

AFP dẫn lời các nguồn tin ngày 9.11 cho biết hơn một chục nhân viên người Ethiopia của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã bị bắt giữ trong các hoạt động nhắm vào người dân tộc Tigray lúc thủ đô Addis Ababa của nước này bị đặt dưới tình trạng khẩn cấp.

"Một số người bị đưa ra khỏi nhà", một nguồn tin cho biết. Theo một nữ phát ngôn viên LHQ tại Geneva (Thụy Sĩ), các nhân viên an ninh của LHQ "đã đến thăm các đồng nghiệp đang bị giam giữ”.

“Công hàm yêu cầu ngay lập tức trả tự do cho các nhân viên bị bắt giữ cũng đã được gửi tới Bộ trưởng Ngoại giao Ethiopia”, phát ngôn viên này nói thêm.

Trong khi đó, người phát ngôn của LHQ tại Ethiopia cho biết cơ quan này đang trong quá trình xác minh và theo dõi thông tin về các vụ bắt giữ liên quan đến nhân viên của tổ chức. “Sự an toàn và an ninh của các nhân viên vẫn là ưu tiên hàng đầu của LHQ ở Ethiopia”, người phát ngôn này nói.

Tuần trước, chính phủ của Thủ tướng Abiy Ahmed của Ethiopia đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 6 tháng trên toàn quốc. Động thái này diễn ra trong bối cảnh lo ngại các tay súng thuộc Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF) và Quân Giải phóng Oromo (OLA), một nhóm nổi dậy ở vùng Oromia thuộc Ethiopia, có thể tiến vào thủ đô.

Các biện pháp khẩn cấp cho phép khám xét và giam giữ bất kỳ người nào bị nghi ngờ ủng hộ "các nhóm khủng bố" mà không cần lệnh bắt giữ. Điều này đã dẫn đến sự phản đối của các nhóm nhân quyền.

Các luật sư cho biết việc bắt giữ tùy tiện người Tigray - thường xuyên diễn ra trong nội chiến Ethiopia - đã tăng đột biến trong tuần trước, khiến hàng ngàn người lo lắng.

Các quan chức thực thi pháp luật nói những vụ bắt giữ này là hoạt động hợp pháp nhằm trấn áp TPLF và OLA.

Căng thẳng giữa chính phủ của ông Abiy và LHQ đã tăng cao trong suốt cuộc nội chiến. Cuối tháng 9, Bộ Ngoại giao Ethiopia tuyên bố trục xuất 7 quan chức LHQ cấp cao với lý do "can thiệp" vào công việc nội bộ của đất nước này.

Cuộc chiến đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng và đẩy hàng trăm ngàn người vào bờ vực của nạn đói theo ước tính của LHQ.

Xung đột nổ ra vào tháng 11.2020, khi ông Abiy đưa quân đội đến vùng Tigray để lật đổ TPLF. Tuy nhiên, vào cuối tháng 6, TPLF tập hợp lực lượng và chiếm lại hầu hết khu vực Tigray.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.