Con số 100 triệu ca có thể gây sốc, nhưng giới chuyên gia cảnh báo số liệu thực tế có thể cao hơn nhiều, theo tờ The New York Times. Đáng lo hơn là bất chấp các lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội và những biện pháp phòng dịch khác trên khắp thế giới, số ca nhiễm Covid-19 gia tăng với tốc độ báo động trong những tháng gần đây. Theo thống kê, trung bình mỗi ngày lại có thêm ít nhất 500.000 người mắc bệnh và mỗi 7,7 giây lại có một ca dương tính. Đến nay, hơn 2,1 triệu người đã chết vì Covid-19.
Diễn biến tiếp tục xấu
Cuối tháng 8.2020, thế giới ghi nhận 25 triệu ca nhiễm, có nghĩa là mất hơn 8 tháng kể từ khi Covid-19 lần đầu tiên được ghi nhận ở TP.Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Đến giữa tháng 11.2020, con số này tăng gấp đôi lên 50 triệu. Và chỉ mất chưa đầy 3 tháng để nó tăng gấp đôi một lần nữa. Mỹ vừa vượt 25 triệu ca hồi cuối tuần trước, tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới. Ngày 27.1 cũng chứng kiến một mốc ảm đạm mới, khi Anh ghi nhận hơn 100.000 ca tử vong vì căn bệnh này, trong lúc các quốc gia châu Âu khác tìm mọi cách siết chặt cửa khẩu nhằm ngăn chặn biến thể mới nguy hiểm hơn của Covid-19 tràn qua biên giới, theo Reuters.
Chuyên gia WHO bắt đầu điều tra nguồn gốc Covid-19Theo CNN, dự kiến 13 chuyên gia của WHO kết thúc thời gian cách ly 2 tuần vào ngày 28.1 và bắt đầu điều tra nguồn gốc Covid-19 tại Vũ Hán. Phát biểu khi đang chuẩn bị cho các cuộc họp cuối trước khi rời nơi cách ly, chuyên gia vi rút học người Hà Lan Marion Koopmans cho biết nhóm sẽ tập trung vào góc độ khoa học, loại bỏ mọi phỏng đoán về phương thức vi rút xuất hiện và lây lan, mà sẽ xem xét các chứng cứ để bắt đầu từ đó. Theo South China Morning Post, nhóm chuyên gia sẽ làm việc với các đồng nghiệp Trung Quốc nghiên cứu về việc những bệnh nhân đầu tiên, cũng như nghiên cứu chợ hải sản có liên quan những ca Covid-19 ban đầu. Bà Koopmans nói mọi người nên kiên nhẫn vì quá trình điều tra nguồn gốc dịch bệnh trước đây đều mất nhiều năm.
Khánh An
|
Đức đang cân nhắc khả năng phong tỏa gần như hoàn toàn các chuyến bay đến nước này. Những biện pháp mới nhằm hạn chế đi lại đã được áp dụng trong bối cảnh bạo loạn xảy ra tại một số quốc gia vì người dân bất mãn với lệnh giới nghiêm. Tại Hà Lan, hơn 400 người đã bị bắt vì tham gia vào các vụ bạo động tồi tệ nhất trong hơn 4 thập niên. Ở Israel và Li Băng, lực lượng cảnh sát cũng đụng độ với những người biểu tình vì lý do tương tự.
Nguy cơ thiếu vắc xin
Đến nay, người dân ở khoảng 56 quốc gia/vùng lãnh thổ đã được tiêm ít nhất 64 triệu liều vắc xin, nhưng nguy cơ thiếu vắc xin trong thời gian tới là điều không tránh khỏi. Bất chấp đạt được thỏa thuận với phía nhà sản xuất, nhiều nước châu Âu sẽ không nhận đủ vắc xin Pfizer-BioNTech và AstraZeneca. Phía AstraZeneca phải trấn an rằng sẽ không bán vắc xin do EU đặt hàng cho các nước khác vì lợi nhuận.
Nước giàu đã thế, các nước nghèo sẽ còn chật vật hơn. Tỉ phú Bill Gates hôm qua cảnh báo dù với viễn cảnh lạc quan nhất, những quốc gia nghèo hơn sẽ phải đợi thêm từ 6 - 8 tháng so với các nước giàu trước khi tiếp cận được vắc xin, theo tờ The Guardian. Cùng ngày, Đài CCTV đưa tin Trung Quốc đã triển khai biện pháp lấy mẫu quét hậu môn đối với những người được xếp vào diện nguy cơ cao mắc Covid-19. Theo một bác sĩ ở Bệnh viện Hữu An Bắc Kinh, biện pháp mới “có thể tăng tỷ lệ phát hiện người mắc Covid-19”, vì cho rằng vi rút bám lâu hơn ở hậu môn so với đường mũi.
Bình luận (0)