Sáng nay (12.7), tại Trường ĐH Cửu Long đã diễn ra Hội nghị tổng kết công tác đào tạo và quản lý lưu học sinh Lào năm học 2023-2024 và kế hoạch năm học 2024-2025 tại Việt Nam. Hội nghị có hơn 100 đại diện đến từ Bộ Giáo dục và Thể thao Lào, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, lãnh đạo sở Giáo dục và Thể thao các tỉnh, thành của Lào, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long và đại diện 50 trường ĐH trên toàn quốc có đào tạo lưu học sinh (LHS) Lào...
Đặc biệt, hội nghị do tiến sĩ Phankhavong Samlane, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào và PGS-TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Việt Nam chủ trì.
Khó khăn nhất vẫn là ngôn ngữ
Theo thông tin từ Phòng Giáo dục-Văn hóa, Đại sứ quán CHDCND Lào tại Việt Nam, năm học 2023-2024 có tổng số 10.190 LHS Lào đang học tập tại các trường ĐH, CĐ ở 54 tỉnh, thành của Việt Nam. Trong đó lĩnh vực hành chính là 8.478, lĩnh vực an ninh 827, quốc phòng 885.
LHS theo học các bậc học gồm nghiên cứu sinh là 170, chuyên gia 1, cao học 637, ĐH 5.433, CĐ 1.478, trung học 27, dự bị tiếng Việt 1.342 và học văn hóa là 531.
Đại diện của phòng này cho biết có những khó khăn nhất định đối với LHS Lào khi sang học tại Việt Nam. Cụ thể, một số em có trình độ phổ thông các môn học tự nhiên còn hạn chế nhưng lại đăng ký học ngành y, dược, công nghệ thông tin. Khi sang học tiếng Việt hoặc khi vào học chính thức tại trường mới thấy khó, dẫn đến tình trạng có em bỏ học hoặc xin chuyển sang ngành khác.
Bên cạnh đó, thời gian học tiếng Việt quá ít, các em không đảm bảo kiến thức vào học năm nhất ĐH; hoặc người học thạc sĩ, tiến sĩ thì khó khăn khi viết luận văn, luận án. Nhiều trường hợp phải xin gia hạn thời gian học tập hoặc bị cơ sở đào tạo Việt Nam buộc thôi học.
Có mặt tại hội nghị, Phimma Sone Bounmy, sinh viên vừa hoàn thành năm nhất ngành dược tại Trường ĐH Cửu Long, bày tỏ khó khăn lớn nhất vẫn là ngôn ngữ. "Tiếng Việt phát âm khó do có nhiều dấu. Vì thế dù đã đạt năng lực tiếng Việt để vào học chính thức ĐH nhưng ban đầu em vẫn gặp khó khăn trong quá trình tiếp thu bài giảng trên lớp cũng như khi trao đổi với giảng viên. Em ghi chép bị chậm phải về dịch lại. Tuy nhiên hiện nay tiếng Việt của em đã tốt hơn".
Thongthilat Minly, nữ sinh đang trong quá trình học tiếng Việt, cũng nhận định tiếng Việt rất khó nên phải nỗ lực rất nhiều để đạt trình độ theo quy định trước khi vào học chính thức ngành quản trị kinh doanh.
Nên học tiếng Việt trước khi sang Việt Nam
Trước những khó khăn về ngôn ngữ khi LHS Lào học ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ tại Việt Nam, đại diện Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết khi vào trường, các em LHS Lào được kiểm tra trình độ tiếng Việt để phân loại. Nếu đạt, sẽ nhập học chính thức, nếu chưa đạt yêu cầu đầu vào phải tham gia các chương trình phụ đạo tiếng Việt sau giờ học chính khóa. Sau khi kết thúc năm nhất, các em phải kiểm tra lại tiếng Việt, nếu đạt mới tiếp tục học năm 2.
Được biết, trường này đào tạo LHS Lào từ năm 1986 và hiện có 191 em đang học, trong đó 101 ĐH, 85 thạc sĩ và 5 tiến sĩ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, cho biết năm học 2023-2024 trường có 400 sinh viên quốc tế đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ thì có gần 50% là LHS Lào. "Trường tổ chức biên soạn giáo trình tiếng Việt riêng cho người nước ngoài để hỗ trợ các em được tốt hơn trong việc tiếp thu kiến thức", ông Hiếu thông tin.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận định LHS Lào đang học tại trường rất chịu khó, chăm chỉ và có tính kỷ luật. Tuy nhiên, khi bắt đầu vào chuyên ngành, đặc biệt chuyên ngành khó về ngôn ngữ, xã hội nhân văn thì các em gặp nhiều rào cản tiếp nhận kiến thức.
"Trường tăng cường giáo án riêng cho các LHS, giảng viên cũng giảng thêm bài, ưu tiên các em LHS Lào phát biểu ý kiến. Thời gian đào tạo với LHS Lào thường dài hơn thời gian đào tạo chính quy do khó khăn về ngôn ngữ. Bên cạnh đó một số em phải đổi ngành đào tạo. Vì thế việc tư vấn hướng nghiệp lựa chọn ngành nghề cho các em trước khi được cử đi học rất quan trọng", thạc sĩ Trung nhận định.
Trao đổi rõ hơn về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc ghi nhận công tác đào tạo LHS Lào tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực và chất lượng ngày càng được nâng lên. Các em LHS có sự nỗ lực chuyên cần học tập rèn luyện, nhiều em được khen thưởng, số em tốt nghiệp tỷ lệ cao. Tuy nhiên thực tế các em còn gặp khó khăn về tiếng Việt và khi học các ngành liên quan đến sức khỏe, công nghệ thông tin.
"Để học ĐH, các em phải đạt trình độ tiếng Việt B2 trong khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc. Hiện Bộ GD-ĐT đã giao cho 20 trường ĐH tổ chức thi và cấp chứng chỉ tiếng Việt cho người nước ngoài. Bộ giáo dục của 2 nước cũng đã quy định LHS theo diện hiệp định phải học tiếng Việt 4 tháng tại Lào, sau đó sang Việt Nam phải học thêm 1 năm để đạt B2. Các em ngoài hiệp định cũng được các trường ĐH đề xuất nên học từ 6 tháng đến 1 năm trước khi sang Việt Nam. Nhưng để thực sự thuận lợi, các em học tiếng Việt ở Lào thời gian càng nhiều càng tốt", ông Phúc cho hay.
Trao học bổng, xây dựng ký túc xá cho LHS Lào
PGS-TS Lương Minh Cừ, Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, cho biết trường đào tạo LHS Lào từ năm 2015 đến nay với tổng số 735 sinh viên. Trong đó thạc sĩ là 15, ĐH 81, CĐ 14 và học tiếng Việt là 123.
Đến nay trường đã cấp chứng chỉ tiếng Việt cho 502 LHS. Thời điểm này đang có 57 LHS Lào học tập tại trường và năm học 2024-2025 dự kiến trường sẽ tiếp tục đón nhận 45 LHS Lào.
Trong năm học này trường đã cấp 10 suất học bổng cho tỉnh Siêng Khoảng. Hôm nay trường tiếp tục cấp 10 suất học bổng cho Bộ Giáo dục và Thể thao Lào, 25 suất học bổng cho các tỉnh Salavăn, Sê Kông, Champa Sắc…
Để tạo điều kiện thuận lợi cho LHS Lào có nhu cầu học tập ĐH tại Việt Nam, Trường ĐH Cửu Long cũng đã mở trung tâm giảng dạy tiếng Việt tại Vientiane, thủ đô Lào. Trước khi LHS sang trường học tập, sẽ được đào tạo tiếng Việt trong 12 tháng. Riêng các ngành y dược, PGS-TS Lương Minh Cừ cho rằng phía Lào nên chọn những học sinh có năng lực học tập và khả năng tiếng Việt tốt mới có thể theo học.
PGS-TS Lương Minh Cừ cho biết thêm trường đang xây dựng ký túc xá cho LHS trong đó chủ yếu là sinh viên Lào và Campuchia.
Bình luận (0)