Hơn 150 đạo luật 'sẽ phải xử lý' khi sáp nhập bộ, ngành

17/12/2024 16:33 GMT+7

Bộ Tư pháp đã xác định có hơn 150 đạo luật ghi tên cụ thể các bộ. Tức là khi kết thúc hoạt động hoặc sáp nhập sẽ phải xử lý về mặt pháp lý đối với tên của các cơ quan này.

Ngày 17.12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025.

Theo đánh giá của cơ quan này, nhiệm vụ năm 2025 là rất nặng nề. Bộ Tư pháp sẽ rà soát chức năng, nhiệm vụ, tinh gọn tổ chức bộ máy trên tinh thần "không làm không được, khó mấy cũng phải làm", "gác lại lợi ích riêng, vì lợi ích chung". Đồng thời, sẽ phải tham mưu Chính phủ sửa đổi nhiều luật quan trọng.

Quan trọng nhất, khó nhất, theo Bộ Tư pháp, đó là luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp 9. Luật mới phải đáp ứng yêu cầu đổi mới về tư duy, cải tiến quy trình xây dựng, bảo đảm sức sống của văn bản pháp luật thay vì thường xuyên sửa đổi.

Hơn 150 đạo luật 'sẽ phải xử lý' khi sáp nhập bộ, ngành- Ảnh 1.

Phó thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị

ẢNH: VGP

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng nhận định rằng, sửa luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một nhiệm vụ quan trọng của cơ quan này trong thời gian tới, cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng từ Bộ Tư pháp - cơ quan gác cổng của Chính phủ về xây dựng pháp luật.

Trước mắt, Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp đang phối hợp, trao đổi để tham mưu về giải pháp pháp lý phục vụ cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Bộ Tư pháp đã xác định có hơn 150 đạo luật ghi tên cụ thể các bộ. "Tức là khi kết thúc hoạt động, sáp nhập các bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, giảm các tổng cục và tương đương, thì sẽ phải xử lý về mặt pháp lý tên các cơ quan này trong các đạo luật", ông Tùng nói.

Với các yêu cầu rất cao về tiến độ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho hay, quá trình pháp lý nêu trên sẽ triển khai theo tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng, không đợi tổng kết.

Có thể Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội "2 trong 1", tức là vừa trình bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các luật, nghị quyết cần sửa, cần ban hành; vừa trình nội dung dự thảo.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Lê Thành Long đề cập tới 3 nhiệm vụ chính mà Đảng và Nhà nước đặt ra trong năm 2025; gồm: chuẩn bị nội dung và nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng trên 7% và sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Phó thủ tướng cũng nhắc lại yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm"; củng cố xây dựng hệ thống pháp luật năng suất, chất lượng, khả thi; chi phí tuân thủ thấp và pháp luật phải đến được với người dân, doanh nghiệp một cách thực chất.

Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp cần sớm hoàn thiện và trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sắp xếp, tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế.

Đồng thời, thực hiện sắp xếp tổ chức, bộ máy bộ, ngành tư pháp một cách hiệu quả, không để việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ bị gián đoạn...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.