Hơn 2.100 tỉ đồng kết nối 2 tuyến metro của TP.HCM

02/09/2021 15:03 GMT+7

Dự án đặt mục tiêu kết nối tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 2, đáp ứng yêu cầu đi lại thuận tiện cho người dân.

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình kết nối đồng bộ tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) tại nhà ga Bến Thành.
Đề xuất của Sở GTVT dựa trên báo cáo phân tích xác lập quy mô, tổng mức đầu tư dự kiến và các bản vẽ của dự án mà Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) đã trình trước đó.

Thêm nhà ga nối tuyến số 2 vào ga trung tâm Bến Thành

Theo báo cáo của MAUR, nhà ga Bến Thành là ga đầu cuối của tuyến tàu điện ngầm số 2 (tuyến Bến Thành - Tham Lương), nằm trong không gian của dự án trung tâm thương mại ngầm Bến Thành. Đây là nơi kết nối hành khách của tuyến số 2 với 3 tuyến metro: số 1, số 3a và số 4 trong tổng thể quy hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị TP.HCM.
Trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 từ năm 2007 của Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT (TRICC), nhà ga Bến Thành nằm trong dự án đầu tư tuyến metro số 2, quy mô nhà ga 4 tầng, chiều dài khoảng 196 m. Tuy nhiên, trong quá trình này có chủ trương nghiên cứu và xây dựng nhà ga chung Bến Thành phục vụ cho các tuyến 1, tuyến 2 và tuyến 4. Vì vậy, tại Quyết định số 4474  phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 của UBND TP.HCM ban hành ngày 11.10.2010 không bao gồm nhà ga Bến Thành này.
Sau đó, trong quá trình thực hiện công tác điều chỉnh dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2 trên cơ sở báo cáo của Hội đồng thẩm định thành phố, Thường trực UBND TP chỉ đạo giao Ban Quản lý Đường sắt đô thị khẩn trương thực hiện ngay các thủ tục đầu tư công trình kết nối đồng bộ tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 2 tại khu vực nhà ga Bến Thành bằng một dự án riêng theo luật Đầu tư công.

Thêm hai đoàn tàu của tuyến metro số 1 cập cảng tại TP.HCM

Trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch tuyến metro số 1 và số 2 đã được UBND TP thông qua, MAUR xác định phạm vi xây dựng công trình kết nối đồng bộ tuyến metro số 1 và số 2 tại nhà ga Bến Thành sẽ bao gồm 2 khu vực tiếp giáp phía trước và phía sau hộp kết nối đang được xây dựng trong phạm vi tuyến số 1 và có dự trù kết nối với các công trình hạ tầng khu vực như bãi đậu xe ngầm khu vực đường Hàm Nghi, trung tâm thương mại ngầm Bến Thành, tạo lập cảnh quan khu vực theo quy hoạch... 
Như vậy, quy mô của dự án kết nối tuyến metro số 1 và số 2 bao gồm phần hộp kết cấu nhà ga ngầm Bến Thành tuyến 2 nằm ngoài phạm vi tuyến số 1 đã được thi công; toàn bộ kiến trúc, cơ điện nhà ga ngầm Bến Thành tuyến 2 và các hạng mục để kết nối đồng bộ 2 tuyến metro cùng dự trù kết nối công trình hạ tầng kỹ thuật khác... Trong đó, nhà ga ngầm Bến Thành của tuyến số 2 gồm 4 tầng hầm, chiều dài khoảng 207 m, chiều rộng khoảng 26 m, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 20.000 m2. Tại tầng hầm B1, nhà ga Bến Thành tuyến số 2 này sẽ giao cắt với tầng ke ga của tuyến số 1, đồng thời là sảnh trung chuyển chung giữa 2 tuyến metro và các dự án khác. Phần còn lại ở 2 đầu nhà ga dự kiến sẽ xây dựng kết nối với trung tâm thương mại ngầm Bến Thành...
Dự kiến sơ bộ, tổng mức đầu tư của dự án là gần 2.100 tỉ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố, kế hoạch ban đầu xây dựng trong giai đoạn 2020 - 2026. Chi phí vận hành dự án sau khi hoàn thành khoảng 31 tỉ đồng/năm.

Đảm bảo nhu cầu đi lại thuận tiện nhất cho người dân

Trao đổi thêm với Thanh Niên, một lãnh đạo MAUR cho biết trên cơ sở quy hoạch 930 ha của thành phố, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tiến hành nghiên cứu tổng thể trung tâm thương mại ngầm Bến Thành, trong đó bao gồm nhà ga trung tâm Bến Thành. Theo nghiên cứu này, sẽ có rất nhiều lối lên xuống để hành khách có thể tiếp cận trung tâm thương mại ngầm cũng như nhà ga trung tâm Bến Thành. Nhà ga trung tâm Bến Thành được kết nối liên thông (từ trung tâm thương mại ngầm có lối đi thông sang tầng 1 của nhà ga trung tâm) với trung tâm thương mại ngầm. Do vậy, hành khách từ tuyến 1 có thể dễ dàng để tiếp cận trung tâm thương mại ngầm và ngược lại.
Nhà ga tuyến 1 và tuyến 2 là một thành phần của ga trung tâm Bến Thành. Hành khách sử dụng metro của tuyến 1 và tuyến 2 đều dùng chung 6 lối lên xuống để tiếp cận tầng B1 nhà ga tuyến 1. Sau đó, những hành khách có nhu cầu sử dụng tuyến metro số 2 tiếp tục đi xuống tầng khu vực phòng chờ của tuyến 2 thông qua hệ thống cầu thang (thang bộ, thang cuốn và thang máy) liên thông. Đồng thời, hành khách từ tuyến số 2 có thể trực tiếp tiếp cận phòng chờ của tuyến số 1 bằng hệ thống cầu thang này.
Bên cạnh đó, sau khi xem xét vị trí của 2 bãi đỗ xe buýt ngầm trong công viên 23 Tháng 9 và dưới đường Hàm Nghi, công trình kết nối đồng bộ tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 2 tại khu vực nhà ga Bến Thành đã tính toán làm sẵn hầm kết nối nhà ga với bãi đỗ xe buýt ngầm dưới đường Hàm Nghi để hành khách có thể tiếp cận nhà ga trung tâm Bến Thành thuận tiện.
"Dự án khi được triển khai thực hiện hoàn thành đồng bộ cùng dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (đưa vào vận hành khai thác dự kiến năm 2022), tuyến đường sắt đô thị số 2 (dự kiến năm 2026) sẽ đảm bảo kết nối đồng bộ cho 2 tuyến metro. Cùng với tuyến số 3a và tuyến 4 được đầu tư trong giai tiếp theo, khu vực tổ hợp ga ngầm này sẽ đáp ứng yêu cầu đi lại thuận tiện cho người dân, giảm thiểu ùn tắc, tại nạn giao thông góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố" - lãnh đạo MAUR khẳng định.

Trải nghiệm tiện ích bên trong đoàn tàu metro hiện đại tuyến Bến Thành - Suối Tiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.