Ga Bến Thành - biểu tượng mới của TP.HCM trông như thế nào?

08/06/2021 13:19 GMT+7

Nhà ga Bến Thành thuộc tuyến metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) hình thành được kỳ vọng sẽ trở thành công trình mang tính biểu tượng mới cho TP.HCM.

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) vừa công bố hình ảnh phối cảnh tương lai bên trên nhà ga Bến Thành thuộc tuyến metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên). Nhà ga này cùng với ga Nhà hát TP và ga Ba Son là các ga ngầm của tuyến metro số 1.

Nằm tại khu vực trung tâm TP và có vị trí quan trọng, kết nối chợ Bến Thành, nhà ga trung tâm Bến Thành được thiết kế phù hợp với cảnh quan kiến trúc xung quanh và được kỳ vọng là một trong những biểu tượng mới của TP.HCM trong tương lai

 
Ngoài phục vụ hành khách tuyến metro số 1, ga ngầm Bến Thành còn là điểm trung chuyển, kết nối các tuyến metro khác như tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), tuyến metro số 3a (Bến Thành - Tân Kiên) và tuyến metro số 4 (Thạnh Xuân - Khu đô thị Hiệp Phước).

Phối cảnh mặt cắt phía bên dưới ga Bến Thành

 
Nhà ga trung tâm Bến Thành được thiết kế ngầm dài 236 m, rộng 60 m, độ sâu khoảng 32 m, gồm 4 tầng. Trong đó, tầng B1 gồm các trang thiết bị phục vụ hành khách (sảnh đợi, máy bán vé, cổng thu phí tự động), phòng hướng dẫn thông tin cho hành khách, văn phòng ga, phòng thiết bị, phòng xử lý không khí và môi trường, trạm điện (tuyến 4)... Tầng B2 gồm ke ga tuyến 1 và tuyến 3a, nơi có tàu dừng, đỗ để đón và trả khách; ngoài ra còn có văn phòng kiểm soát ke ga, phòng thiết bị PCCC và bơm cấp nước, phòng thiết bị hút và thông gió... Tầng B3 là phòng xử lý không khí, phòng cấp điện, phòng nghỉ nhân viên và ke ga tuyến 4 (trong tương lai). Tầng B4 gồm ke ga tuyến 2, nơi có tàu dừng, đỗ để đón và trả khách.

Phối cảnh ga Bến Thành và dự kiến các tiện ích

 
Không chỉ là đầu mối kết nối nhiều tuyến metro, để phục vụ nhu cầu của người dân, ngoài nhà ga ngầm, TP.HCM sẽ xây dựng trung tâm thương mại ngầm Bến Thành tích hợp tại đây. Theo thiết kế, Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành có quy mô khoảng 45.000 m2 gồm khu vực cửa hàng, thương mại rộng 18.100 m2, hành lang và quảng trường ngầm 21.500 m2, tổng vốn đầu tư hơn 8.400 tỉ đồng.

Bùng binh Quách Thị Trang trước năm 2016, khi chưa có công trường thi công ga ngầm metro số 1

Trung tâm TP.HCM bị rào chắn xây dựng tuyến metro số 1 bắt đầu từ giữa tháng 10.2016. Đây là hình ảnh ghi nhận những ngày đầu thi công

Khối lượng đất đào không hề nhỏ

 
Gần cuối năm 2019, UBND TP đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) tổ chức thi tuyển quốc tế ý tưởng thiết kế tại khu vực nhà ga trung tâm Bến Thành, đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, đạt hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường. Đồng thời, nghiên cứu khu trung tâm thương mại ngầm Bến Thành kết nối hài hòa với không gian đô thị các tuyến đường xung quanh như Lê Lợi, Hàm Nghi, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ và các tòa nhà trung tâm thương mại lân cận.

Ga Bến Thành từ một góc nhìn khác, khi bắt đầu đào sâu vào lòng thành phố

Cận cảnh công trường thi công đổ bê tông sàn trung gian đầu tiên tại nhà ga Bến Thành đầu nằm 2020. Khi đổ sàn đỉnh, đơn vị thi công đã đổ tổng 1.706 m3 bê tông, phải dùng hơn 170 xe bồn chứa (mỗi xe chứa 10 m3 bê tông). Đây là con số lớn lịch sử bởi thời gian thi công chỉ diễn ra trong 1 đêm. 

 
Trung tâm thương mại ngầm này sẽ được triển khai đồng bộ với gói thầu 1a của tuyến metro số 1 nhằm giảm thiểu tác động đến việc đào lấp đường hai lần trong quá trình thi công, cũng như tránh ảnh hưởng đến tuyến metro số 1 khi đi vào hoạt động.

Một buổi thi công đêm công trình cuối năm 2020

Tổng thể nhà ga Bến Thành cuối năm 2020

Đầu năm 2021, các hạng mục dần thành hình

Giếng ánh sáng, một điểm sẽ thu hút người dân tham quan chụp hình, và được kỳ vọng là điểm "selfie" tuyệt vời cho các bạn trẻ

Giếng ánh sáng, nhìn từ trên cao

Phía bên trong nhà ga Bến Thành rất rộng, tạo cảm giác thoáng đãng, thoải mái.

 
Đến nay, tổng khối lượng của toàn dự án tuyến metro số 1 đã đạt 84,26%. Ban Quản lý đường sắt đô thị cho biết sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan triển khai tăng tốc thi công các hạng mục tiếp theo của dự án như: hoàn thiện tầng B1, tái lập mặt bằng Ga Ba Son, đóng điện tại trạm điện Bình Thái, nhập khẩu các đoàn tàu tiếp theo, lắp đặt hệ thống đường ray, hệ thống cơ điện, thông tin tín hiệu... trên toàn tuyến và lắp đặt trang thiết bị, hoàn thiện tại các nhà ga, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thi công của dự án.

Kỹ sư bật mí về quá trình đưa các tòa tàu metro lên đường ray depot Long Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.