Đáng chú ý, 19 dự án chỉ đạt 30 - 70% phương án tài chính theo hợp đồng, trong đó có 12 dự án đạt 60 - 70%, 2 dự án đạt 52 - 56% và 5 dự án đạt doanh thu 34 - 45%.
Với 19 dự án doanh thu chỉ đạt 30 - 70%, nguyên nhân theo Bộ GTVT do tăng trưởng kinh tế không đạt như dự báo, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; các dự án chưa được cơ quan nhà nước cho phép tăng phí theo hợp đồng. Ngoài ra, một số dự án bị sụt giảm doanh thu do phương tiện lựa chọn tuyến đường khác tránh trạm thu phí...
Đặc biệt, 4 dự án mức thu dưới 30%, gồm BOT QL1 đoạn tránh Cai Lậy tỉnh Tiền Giang (do phải dừng thu phí 5 năm để điều chỉnh phương án thu phí; bắt đầu thu phí trở lại từ tháng 10.2022). Dự án BOT nâng cấp QL3 và xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới do không được thu phí trạm QL3, hầu hết phương tiện lựa chọn QL3 để tránh mất phí.
Dự án BOT cầu Thái Hà (Thái Bình) do phân lưu cầu Hưng Hà và thay đổi kế hoạch triển khai tuyến Vành đai 5 Hà Nội. Dự án BOT QL10 đoạn tránh TT.Đông Hưng, do dừng thu phí để di dời trạm về tuyến tránh TT.Đông Hưng (Thái Bình); cơ quan chức năng chưa thực hiện giải pháp cắm biển phân lưu như đã cam kết nên các phương tiện vẫn tránh trạm.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Công ty CP BOT cầu Việt Trì - Ba Vì, lũy kế doanh thu từ thời điểm bắt đầu thu đến hết tháng 10.2303 chỉ đạt 33%. Thậm chí, những năm gần đây do nguyên nhân khách quan nên lũy kế doanh thu chỉ đạt 24 - 29%.
Tới cuối tháng 12.2023, sau khi Bộ GTVT cho phép điều chỉnh tăng phí BOT kết hợp với lưu lượng gia tăng dịp cận tết Nguyên đán, doanh thu tháng 1.2024 mặc dù đã tăng 37% so với doanh thu bình quân 12 tháng năm 2023 nhưng vẫn không cải thiện đáng kể do mức sụt giảm quá lớn. Mức thu cũng không đủ bù đắp chi phí quản lý bảo trì, trả lãi vay.
Tương tự, dự án BOT QL91 đoạn Km14 - Km50+889 doanh thu ban đầu ổn định, tuy nhiên đến nay chỉ đạt 35% so với hợp đồng. Lý do, tình hình an ninh trật tự phức tạp, nhà đầu tư không được thu phí tại Trạm T2 trong phạm vi dự án.
Cạnh đó, địa phương đầu tư xây dựng mới một số tuyến đường trong khu vực dẫn đến phân chia lưu lượng. Dự kiến năm 2025 sau khi các tuyến này hoàn thành đưa vào khai thác thì dự án BOT sẽ tiếp tục bị phân lưu, phá vỡ phương án tài chính.
Với BOT QL1 đoạn tránh Cai Lậy tỉnh Tiền Giang, lũy kế doanh thu thấp do phải dừng thu phí 5 năm để điều chỉnh phương án thu phí. Dù được cho phép bắt đầu thu phí trở lại từ tháng 10.2022, nhưng doanh thu 10 tháng năm 2023 cũng chỉ đạt 72% so với hợp đồng.
Dự án BOT cải tạo, nâng cấp QL10 đoạn Tân Đệ - La Uyên (Thái Bình) và hạng mục bổ sung xây dựng tuyến tránh TT.Đông Hưng lũy kế doanh thu đạt 22% do phải dừng thu phí để di dời trạm về tuyến tránh TT.Đông Hưng.
Dự án BOT cầu Thái Hà có doanh thu chỉ đạt khoảng 17% so với hợp đồng. Lý do, dù dự án hoàn thành từ tháng 4.2018 nhưng đến tháng 1.2019 mới được thu phí do ảnh hưởng bởi tiến độ hoàn thành tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Cạnh đó, tuyến Vành đai vùng thủ đô kết nối trực tiếp với cầu Thái Hà chậm triển khai so với quy hoạch hoàn thành trước năm 2020.
Theo nhà đầu tư BOT cầu Thái Hà, công tác dự báo phân chia lưu lượng qua cầu Hưng Hà song hành (không thu phí) chưa chính xác, phần lớn phương tiện lựa chọn lưu thông qua cầu Hưng Hà song hành để không mất phí, càng tăng phí BOT thì tỷ lệ phân lưu càng lớn nên nhà đầu tư đề nghị không tăng phí.
Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp QL3 đoạn Km75 - Km100 doanh thu chỉ đạt 17% so với hợp đồng. Tới nay, theo lãnh đạo Công ty BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, tình hình an ninh trật tự phức tạp, nhà đầu tư không thu phí tại Trạm QL3, hầu hết các phương tiện lựa chọn QL3 để không mất phí.
Bộ GTVT cũng đánh giá dự án BOT cầu Thái Hà và BOT Thái Nguyên - Chợ Mới không có khả năng cải thiện doanh thu, vỡ phương án tài chính theo hợp đồng ban đầu, khiến doanh nghiệp dự án ngấp nghé phá sản.
Bình luận (0)