Hơn 200.000 người lao động là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng BHXH

Thu Hằng
Thu Hằng
31/01/2023 22:34 GMT+7

Hơn 200.000 người lao động đang là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), không được hưởng các chế độ, kể cả lương hưu.

Thông tin trên được Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng LĐLĐ Việt Nam diễn ra sáng 1.2. 

Hơn 200.000 người lao động đang là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng BHXH - Ảnh 1.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại hội nghị

NGUYỄN HẢI

Theo ông Khang, trong năm qua, các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp công đoàn giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động; nhất là về việc làm, thu nhập, vấn đề nhà ở của công nhân, người lao động, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trường học, trạm y tế, nhu cầu về văn hóa, nơi vui chơi giải trí…

Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác phối hợp hoạt động giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam vẫn còn một số hạn chế.

Ở địa phương, sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước trong việc đảm bảo thực thi chính sách, pháp luật có thời điểm chưa quyết liệt. Công đoàn ở một số nơi chưa làm tốt tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật đến được đông đảo đoàn viên, người lao động.

Một số vấn đề cần quan tâm, như: nợ BHXH, chủ doanh nghiệp bỏ trốn; số cuộc ngừng việc tập thể có dấu hiệu tăng lên. Năm 2022, trên địa bàn cả nước xảy ra 144 cuộc ngừng việc tập thể, tăng 53 cuộc so năm 2021. Hoạt động cho vay "tín dụng đen" diễn ra tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu tập trung đông công nhân lao động diễn biến phức tạp, chưa có nhiều giải pháp hữu hiệu...

Liên quan đến vấn đề nợ BHXH, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho hay trong những năm qua, Bộ LĐ-TB-XH, Tổng LĐLĐ Việt Nam và BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ đưa ra các biện pháp để giải quyết vấn đề này, từ nhắc nhở, động viên, thanh tra, kiểm tra, xử phạt… 

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình trốn tránh trách nhiệm với người lao động. "Về lâu dài, chúng ta cần phải rà soát lại cơ chế chính sách, để có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bảo vệ quyền lợi và lợi ích cho người lao động", ông Dũng nói. 

Trước tình thực trạng trên, ông Khang đề nghị: "Chính phủ giao Bộ LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổng hợp báo cáo tình hình doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động; có giải pháp cụ thể xử lý con số hơn 200.000 người lao động đang là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng BHXH, không được hưởng các chế độ, kể cả lương hưu, để báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội phương án giải quyết, đảm bảo quyền lợi của người lao động".

Ngoài ra, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về nợ xây dựng cơ bản, nhất là trong ngành GTVT, xây dựng để thanh toán nợ tiền lương, nợ tiền BHXH cho người lao động.

Theo báo cáo nhanh, một số tổng công ty ngành xây dựng nợ lương người lao động với số tiền 269 tỉ đồng, nợ tiền BHXH 435 tỉ đồng; một số tổng công ty ngành GTVT nợ lương gần 205 tỉ đồng, nợ BHXH 750 tỉ đồng.

Tổ chức đại diện cho người lao động cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp để ổn định sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người lao động bị giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu bổ sung chế tài xử lý vi phạm, đồng thời sửa đổi luật BHXH phù hợp với tình hình thực tế. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.