Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng tầm quan trọng và dành sự quan tâm cao đối với sự phát triển an toàn và bền vững của ngành hàng không.
Trong hơn 15 năm trở lại đây, tăng trưởng hàng không luôn gắn chặt với tốc độ phát triển GDP của Việt Nam. GDP tăng 1%, hàng không sẽ tăng 1,5 - 2%. Từ năm 2009 tới năm 2019, thị trường vận tải hàng không Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc, tăng trưởng về hành khách đạt trên 17%, về hàng hóa đạt gần 14%.
Ngay sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều hãng hàng không thế giới đã quay trở lại thị trường Việt Nam. Đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhưng hàng không Việt Nam luôn đảm bảo được an toàn hàng không.
Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh tới thành tích của ngành hàng không Việt Nam khi duy trì hơn 25 năm liên tục không để xảy ra tai nạn hàng không trong vận tải hàng không thương mại.
Việt Nam sẽ nỗ lực không ngừng để xây dựng hệ thống bảo đảm an toàn, an ninh hàng không vững mạnh, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và đáp ứng tốt các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế.
IATA là hiệp hội thương mại của các hãng hàng không trên thế giới, đại diện cho hơn 400 hãng hàng không chiếm 83% lưu lượng hàng không toàn cầu. IATA hỗ trợ nhiều lĩnh vực hoạt động hàng không và giúp xây dựng chính sách của ngành về các vấn đề hàng không quan trọng.
Còn theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, trong tất cả các hoạt động của ngành hàng không, vấn đề an toàn luôn là ưu tiên hàng đầu và là giá trị cốt lõi.
Trên cơ sở quy định và hướng dẫn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), Việt Nam đã xây dựng hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ, toàn diện về an toàn hàng không.
Bộ GTVT đang rà soát, đánh giá việc thực hiện luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển thực tế. Về quy trình tổ chức giám sát an toàn bay, ngành hàng không Việt Nam đã từng bước thiết lập và triển khai hệ thống quản lý an toàn mới để nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát của nhà chức trách hàng không, cũng như khả năng đảm bảo an toàn hàng không của các đơn vị trong ngành.
Tất cả hãng hàng không, sân bay, doanh nghiệp hàng không Việt Nam đều trang bị hệ thống quản lý an toàn mới cùng nhiều giải pháp giám sát an toàn hàng không tiên tiến khác như hệ thống giám sát an toàn liên tục, chủ động, dựa trên rủi ro.
Theo quy hoạch, hệ thống cảng hàng không được quy hoạch theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính tại Hà Nội và TP.HCM, hình thành 30 cảng hàng không. Trong đó, Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xác định mục tiêu trở thành cảng hàng không trung chuyển lớn của khu vực và quốc tế, dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2026.
Ngoài ra, Việt Nam cũng được chú trọng ứng dụng các công nghệ mới như quản trị cơ sở dữ liệu nhận dạng, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Các hệ thống thông tin liên lạc, dẫn đường, giám sát được đầu tư mới với công nghệ tiên tiến, hiện đại, qua đó đảm bảo tầm phủ thông tin liên lạc và giám sát trên toàn bộ vùng trời lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam được giao quản lý.
Cùng với khó khăn chung của hàng không thế giới, hàng không Việt Nam cũng đang phải đối mặt với 4 áp lực lớn nhất là hạ tầng, nguồn nhân lực, môi trường và quản trị rủi ro. Theo Bộ trưởng Thắng, đây là những thách thức phải vượt qua để hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam là một điểm trung chuyển hàng không tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Là hãng hàng không chủ nhà, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, khẳng định nỗ lực "luôn cất cánh cùng những chuyến bay an toàn tuyệt đối". Việc Vietnam Airlines được lựa chọn là hãng hàng không chủ nhà năm nay cho thấy sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với mức độ an toàn và hiệu quả khai thác của hãng, cũng như của toàn ngành hàng không Việt Nam.
Tại hội nghị, Vietnam Airlines đã cùng IATA ký kết Hiến chương về văn hóa an toàn. Đồng thời, xây dựng nội dung đối thoại với lãnh đạo hãng hàng không, nhà chức trách hàng không cũng như lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước; bàn luận xung quanh chủ đề xây dựng văn hóa an toàn hàng không...
Theo ông Willie Walsh, Tổng giám đốc IATA, với vị trí ở trung tâm châu Á và tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, Việt Nam là địa điểm lý tưởng để tổ chức Hội nghị an toàn và khai thác hàng không thế giới 2023. Trong đó, Vietnam Airlines là hãng hàng không có mạng lưới đường bay ngày càng phát triển, kết nối khu vực và toàn cầu.
Bình luận (0)