Thế giới vừa chứng kiến mốc kỷ lục đáng buồn, khi số người tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu tính đến ngày 6.4 đã vượt 3 triệu. Tốc độ nhiễm và tử vong báo động khi lần này đại dịch chỉ mất 3 tháng để cướp đi 1 triệu sinh mạng.
Tình trạng báo động
Đáng lo ngại, số ca tử vong đang tăng mạnh ở Brazil và Ấn Độ. Brazil hôm 6.4 ghi nhận ngày chết chóc nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, với 4.195 người chết vì bệnh này trong vòng 24 giờ.
“(Những gì diễn ra ở Brazil) chính là lò phản ứng hạt nhân kích hoạt chuỗi phản ứng dây chuyền và đang vượt tầm kiểm soát. Đó là thảm họa Fukushima phiên bản sinh học”, báo The Guardian hôm 7.4 dẫn lời bác sĩ Miguel Nicolelis, giáo sư người Brazil đang công tác tại Trường đại học Duke (Mỹ).
Hiện Brazil là tâm chấn của dịch Covid-19, khi cứ 4 người chết vì dịch bệnh trên toàn cầu lại có 1 nạn nhân ở Brazil, theo phân tích của Reuters. Thế nhưng giữa lúc Brazil đang phải chống chọi làn sóng dịch mới thì chưa đầy 3% trong tổng số 210 triệu người ở nước này được tiêm đủ liều vắc xin.
Tại Ấn Độ, giới chức y tế hôm qua ghi nhận 115.736 ca Covid-19 trong vòng 24 giờ, tăng gấp 13 lần trong vòng 2 tháng và Ấn Độ trở thành quốc gia thứ hai sau Mỹ vượt mốc 100.000 ca mới mỗi ngày. Nhiều bang buộc phải quay lại phong tỏa và hạn chế đi lại, trong đó bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Maharashtra.
Trong lúc làn sóng dịch thứ hai đang ập đến quốc gia Nam Á, nguồn cung vắc xin ở nhiều nơi đang thiếu hụt nghiêm trọng. TP.Mumbai chỉ còn vắc xin đủ tiêm trong vòng 2 ngày nữa, và phải chờ đến ngày 15.4 mới có đợt bổ sung vắc xin kế tiếp, Reuters dẫn lời Thị trưởng Kishori Pednekar.
Cuộc chạy đua tiêm vắc xin
Ấn bản khoa học trực tuyến Hãng Thế giới dữ liệu của chúng ta, trụ sở tại Đại học Oxford (Anh), ghi nhận ít nhất 370,3 triệu người (gần 4,75% dân số thế giới) đã tiêm mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên tính đến ngày 4.4. Trong số đó, Mỹ đi đầu với 150 triệu mũi tiêm trong vòng 75 ngày kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, với 75% số người cao tuổi ở Mỹ được tiêm ít nhất một mũi.
Campuchia cấm di chuyển liên tỉnhBáo Khmer Times hôm qua đăng chỉ đạo của Thủ tướng Campuchia Hun Sen về việc cấm di chuyển liên tỉnh trong vòng 14 ngày nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan sau khi số ca nhiễm trong cộng đồng tiếp tục gia tăng. “Hoạt động di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác sẽ bị cấm 14 ngày, từ ngày 7 - 20.4”, theo Thủ tướng Hun Sen, trừ tuyến giữa thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal. Toàn bộ các địa điểm du lịch trên toàn quốc cũng bị cấm mở cửa trong giai đoạn này.
|
Hôm qua, Anh bắt đầu đưa vào tiêm phòng vắc xin của Hãng Moderna (Mỹ), trong lúc vắc xin của liên danh AstraZeneca/Oxford tiếp tục đối mặt nhiều hoài nghi liên quan tác dụng phụ. Cùng ngày, Thủ tướng Úc Scott Morrison chỉ trích châu Âu đã chặn nguồn cung vắc xin AstraZeneca/Oxford, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tiến độ tiêm vắc xin của nước này. Hiện Úc chỉ nhận được 700.000 trong số 3,8 triệu liều vắc xin theo thỏa thuận trước đó.
Hộ chiếu vắc xin
Trong lúc Mỹ đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng trên toàn quốc, “hộ chiếu vắc xin” đang thu hút sự chú ý trên chính trường nước này. New York hiện là bang duy nhất của Mỹ triển khai “hộ chiếu vắc xin” dưới dạng ứng dụng trên thiết bị di động, hợp tác với Tập đoàn IBM và trên tinh thần tự nguyện. Người được cấp có quyền tham gia các sự kiện ở nhà hát, sân vận động, đám cưới tại nơi công cộng… Tuy nhiên, các thống đốc bang Florida và Texas lại ban hành sắc lệnh hành pháp vô hiệu hóa hộ chiếu dạng này trên địa bàn tiểu bang, theo AFP.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng lên tiếng phản đối hộ chiếu vắc xin với lý do hiện chưa rõ liệu người tiêm vắc xin còn có khả năng lây vi rút hay không. “Trong giai đoạn hiện tại, WHO không ủng hộ việc sử dụng hộ chiếu vắc xin để đi lại vì chúng tôi chưa loại trừ khả năng vắc xin có thể ngăn chặn hiệu quả nguy cơ lây lan”, Reuters dẫn lời người phát ngôn Margaret Harris của WHO.
Bình luận (0)