Nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp kể rằng ông bà tổ tiên chuyên làm nghề mộc, đến ông là đời thứ 5 nên mới có nhiều cơ hội để dạy nghề cho thanh thiếu niên. Ban đầu là những em nhỏ trong làng Đông Khương, nơi gia đình ông sinh sống. Sau, tiếng lành đồn xa, bà con khắp xã Điện Phương, rồi TX.Điện Bàn… lần lượt đưa con, cháu tới. “Mình đâu nỡ từ chối”, ông Tiếp nói về cái duyên được bà con tin tưởng giao “trông coi giúp đám trẻ ăn chưa no, lo chưa tới”.
Nhiều người khi nghe ông Tiếp quyết truyền nghề đã rất mừng đưa con cháu tới xưởng mộc. “Hồi trước nhà còn khó khăn, chật chội, nhưng bà con đã gửi thì phải nhận cho hết, không thể lấy đứa này, bỏ đứa kia được. Mà cái tuổi mười mấy đôi mươi là tuổi ăn, tuổi ngủ, vừa lo ăn vừa lo dạy nên vất vả lắm…”, ông Tiếp cười xòa nhớ lại chuyện đã nhiều năm trôi qua với lứa “đệ tử” đầu tiên được ông truyền nghề làm thợ mộc.
Một trong số đó là Đỗ Xuân Phúc, 25 tuổi, đã có 10 năm gắn bó với nghề mộc. Là người trong xã được ba mẹ dắt đến nhờ ông Tiếp dạy nghề miễn phí từ năm 15 tuổi. “Học 3 năm thì rành đục, đẽo những chi tiết khó nhất như rồng bay phượng múa trên gỗ. Giờ nghĩ lại, nếu hồi đó không có chú nhận dạy cho thì không biết giờ này bôn ba với nghề gì nữa”, Phúc chia sẻ.
Cũng “vào lò chú Tiếp” từ thuở 15, Đinh Thiện nay chững chạc hẳn với tay nghề được dìu dắt tận tình bởi người thầy nhiệt huyết. “Học nghề ở đây các cháu không lo tiền bạc chi, từ xưa đến giờ đều như vậy cả. Học xong, nếu muốn ở lại làm cùng với công ty thì ký kết hợp đồng, đóng bảo hiểm đầy đủ. Nhiều cháu ra riêng, mở xưởng làm ăn cũng thành đạt lắm”, ông Tiếp hứng khởi khi nói về hơn 200 thanh thiếu niên đã đến làng Đông Khương tá túc, học nghề được gia đình ông bao bọc, chỉ vẽ từng tư thế cầm đục làm nghề, làm người lương thiện. Trong số này, có nhiều người đến từ TP.HCM, Đắk Lắk, Kon Tum, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… thành danh với nghề.
Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp, tổ tiên ông nổi danh với nghề chạm khắc trên gỗ và ở Hội An, Quảng Nam không đếm hết số lượng công trình kiến trúc chạm trổ tinh vi đã qua tay dòng họ này.
“Nghề mộc thủ công truyền thống kết hợp chạm trổ trên gỗ cần những người đằm tính, sáng dạ. Có khiếu nghệ thuật nhưng phải có tâm huyết, yêu nghề mới theo đuổi tới cùng được. Hồi xưa, ông bà mình hay lo, không muốn truyền nghề ra khỏi dòng họ, nhưng đến đời mình phải khác, đào tạo thêm nhiều người ham nghề, tức là đã gìn giữ được cái nghề khó nhọc này”, nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp giải thích lý do vì sao 40 năm qua ông dạy nghề miễn phí cho hàng trăm thanh thiếu niên, giúp họ tìm một con đường để vào đời.
Bình luận (0)