Hơn 50% phụ huynh cho học sinh mang điện thoại đi học, vì lý do này

Thúy Hằng
Thúy Hằng
29/11/2022 17:03 GMT+7

Kết quả cuộc khảo sát của Báo Thanh Niên cho thấy 55% phụ huynh đồng ý về việc cho con mang điện thoại di động đi học.

Thay vì cấm mang điện thoại, nhiều trường hướng dẫn học sinh cách sử dụng điện thoại sao cho an toàn

đào ngọc thạch

Tính đến 15 giờ ngày 29.11, kết quả khảo sát cho thấy 45% phụ huynh không đồng ý cho học sinh mang điện thoại đến trường, trong khi đó 55% đồng ý.

Trong số những phụ huynh đồng ý thì 20% cho biết khi nào con học THCS trở lên mới được mang điện thoại theo.

Báo Thanh Niên tiến hành cuộc khảo sát sau khi đăng tải loạt bài viết Tranh cãi chuyện học sinh mang điện thoại vào lớp, thu hút nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc trong những ngày gần đây. Hiện các ý kiến với nhiều góc nhìn từ các phụ huynh, giáo viên, cựu học sinh vẫn tiếp tục được cập nhật.

"Thời nào còn cấm"

“Học sinh lớp 9 và 12 nên được phép sử dụng vì ôn thi cuối cấp, còn lại thì nên cấm”, bạn đọc DS Thanh Nguyen chia sẻ. Còn độc giả Thien Le nêu góc nhìn: “Quan trọng trong giờ học không cho điện thoại reo, ồn ào thầy cô giảng dạy”.

Tương tự, độc giả vtgiang68 cho hay: “Điều cơ bản là không phải cấm hay không cấm mà nhà trường và giáo viên nên giáo dục cho học sinh ý thức tự giác trong học tập và sử dụng thiết bị. Trong lúc học, học sinh tuyệt đối không được sử dụng, còn ngoài giờ học thì cho sử dụng có vấn đề gì đâu mà cấm”.

"Tuy nhiên, khó nhất trong giáo dục là giáo dục tính kỷ luật. Rèn cho học sinh tính kỷ luật trong sử dụng điện thoại là điều nên làm. Không có việc giáo dục nào là dễ hết, luôn cần nỗ lực của tất cả mọi người liên quan: gia đình, nhà trường, và cả học sinh nữa”, phụ huynh Hoàng Mỹ chia sẻ.

Đa số độc giả ủng hộ việc cho học sinh mang điện thoại di động đến trường, nhưng chỉ "với mục đích duy nhất là liên lạc với phụ huynh học sinh". "Nếu chương trình cho phép thì giáo viên có thể cho phép học sinh dùng điện thoại để thực hành cho các bộ môn liên quan", bạn đọc Alice chia sẻ.

Phụ huynh Quốc Thanh nói: “Tôi ở tỉnh, trường con học cách nhà cũng xa, hàng ngày tôi đưa rước con đi học, ngày nào tôi bận công tác thì khi tan học, con gọi cho tôi, tôi điện thoại bác xe ôm rước nhưng đâu phải bác xe ôm đó rước hoài phải đổi bác khác do bác kia bận. Thế là phải gọi lại cho con biết bác mặc áo màu gì, chạy xe màu gì... Vậy nếu cấm mang điện thoại thì làm sao thông tin cho con biết, rồi lỡ kẻ gian rước con đi mất rồi làm sao?”.

Poll TNO
Cho con mang điện thoại di động đến trường

Một độc giả giấu tên cho hay: “Mình cho con mang theo điện thoại chỉ có chức năng nghe, nói, nhắn tin (điện thoại bàn phím) và điện thoại để chế độ im lặng. Mình rất cần vì thường đón con trễ. Mình dặn dò con chỉ nên kiểm tra điện thoại trong thời gian mình sẽ gọi, ví dụ thời gian sau khi tan học… Thời gian mà mình cho con biết trước nếu có việc gì cần”.

“Cấm còn như vậy, thả lỏng lớp như cái rạp xiếc”

Trong khi đó, các phụ huynh phản đối việc học sinh được phép mang điện thoại thông minh vào lớp với nhiều lý do.

Phụ huynh Lâm Bin nói: “Muốn nghe gọi thì sắm cho con điện thoại "cục gạch". Còn mọi liên lạc giờ đã có Zalo nhóm lớp cô chủ nhiệm. Học sinh không nên đem smartphone vào trường vì điều này sẽ ảnh hưởng và gây ra nhiều hệ lụy mà không ai xử lý kịp”.

Học sinh trường học tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM học về kỹ năng ứng xử văn minh trên mạng xã hội sáng 28.11

kim chi

Bạn Tốt Bùi Ngọc cho rằng: “Nên tuyệt đối cấm mang điện thoại khi đến trường đối với học sinh cấp 1, 2, 3 vì lứa tuổi này phải chú tâm vào việc học. Còn muốn tìm hiểu thông tin gì thì về nhà học sinh sẽ thoải mái tìm hiểu. Còn muốn giữ liên lạc gia đình với học sinh khi có chuyện cần thiết thì nên liên lạc theo số điện thoại bàn của nhà trường để thông báo đến học sinh”.

Theo bạn đọc Trường An Mai, học sinh không cần dùng điện thoại khi đến trường học. "Như tôi đã được mua điện thoại từ cuối năm lớp 9, ba năm cấp 3 tôi đều khóa máy để ở nhà rồi mới đi học. Bây giờ đã 7 năm trôi qua, tôi đã tốt nghiệp ĐH. Rồi nếu cứ vin vào cớ có điện thoại mới học tập được chắc hồi đó tôi rớt tốt nghiệp mất rồi”, An Mai chia sẻ.

Bạn đọc này cũng cho hay: “Thử lên mạng xã hội xem học sinh tự quay clip khoe lên là coi phim, chơi game trong lớp có giáo viên đang giảng bài đó kìa. Cấm mang điện thoại triệt để còn như vậy, thả lỏng ra không khéo cái lớp thành cái rạp xiếc"...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.