Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Nhiều trẻ trầm cảm đang bị cô độc trong cộng đồng!

05/04/2022 08:30 GMT+7

Theo tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, nhiều bạn trẻ ở lứa tuổi học sinh hay gặp phải sự dè bỉu, đánh giá, phán xét của các bạn cùng lứa tuổi hoặc của người lớn. Đó là vấn đề rất lớn khiến cho họ bị cô độc!

Ngay sau những câu chuyện buồn về các em học sinh lựa chọn kết cục tiêu cực vì trầm cảm, Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, tác giả cuốn sách Đại dương đen nói về những câu chuyện vừa dữ dội vừa tê tái của những người trầm cảm.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Trầm cảm là rối loạn tâm lý rất phổ biến trong xã hội, bất kể là quốc gia phát triển hay đang phát triển như ở Việt Nam. Trung bình thì mỗi một năm, có khoảng 7% số lượng người bị trầm cảm. Trong cả cuộc đời thì cứ 5-6 người có 1 người sẽ bị trầm cảm viếng thăm. Đây là vấn đề về mặt sức khoẻ, tâm lý rất lớn mà chúng ta cần phải đối diện để xử lý.

Trái với quan điểm của nhiều người, trầm cảm không chỉ giới hạn ở giới trẻ mà còn ở rất nhiều người lớn tuổi. Bất cứ gia đình nào, bất cứ một ai, dù nghề nghiệp, bằng cấp, trình độ học vấn như thế nào cũng có thể rơi vào trầm cảm.

Trầm cảm là rối loạn tâm lý rất phổ biến trong xã hội

SHUTTERSTOCK

Các nhân vật trong cuốn sách Đại dương đen của tôi, người lớn nhất là 83 tuổi, người trẻ nhất là 19 tuổi. Có người là kỹ sư, có người buôn bán nhỏ lẻ, có người làm nội trợ, có người đến từ gia đình rất giàu có, có người lại nghèo khổ. Câu chuyện trầm cảm cũng giống như là bị đau dạ dày, ung thư, huyết áp cao, ai cũng dễ mắc phải.

Chúng ta cần thay đổi định kiến, cần trở thành người hiểu biết

Nguyên nhân chính dẫn đến trầm cảm là gì, thưa ông?

Có 2 yếu tố chính dẫn đến việc trầm cảm bộc phát. Một là yếu tố sinh học, tức là gen. Nếu bố mẹ, ông bà từng bị trầm cảm thì xác suất người đó rơi vào trầm cảm cao hơn rất nhiều. Hai là stress, căng thẳng, bất lợi trong cuộc sống, đặc biệt là bất lợi trong quá khứ như tuổi thơ bất hạnh, bị xâm hại tình dục, bị đánh đập, không được yêu thương, mất mát người thân sớm, nghèo khổ… Đó là lý do tiềm ẩn để sau này trầm cảm có thể phát sinh. Cùng với gen, bất lợi trong quá khứ, stress với cuộc sống hiện đại như thất tình, thất nghiệp hay bị bố mẹ đánh đập, thi trượt… đều có thể đưa chúng ta rơi vào vòng xoáy của trầm cảm.

TS. Đặng Hoàng Giang: Hãy giảm bớt lửa trong "căn phòng đang bị cháy" của trẻ em!

Trước một hành động nào đều có dấu hiệu để nhận biết. Những dấu hiệu nào để bố mẹ, thầy cô nhận biết được một bạn đang có vấn đề tâm lý trầm trọng và có ý định tự tử, thưa ông?

Đó là khi chúng ta thấy người đấy thay đổi, không còn như trước nữa, hay nói cuộc đời vô nghĩa, cuộc sống chả còn gì vui thú, hay nói muốn tìm đến sự kết thúc, sự nghỉ ngơi. Thậm chí người đấy còn cho bạn bè những đồ vật quý giá của mình. Đấy là dấu hiệu người ta đang nghĩ đến chuyện tự sát. Nếu người đấy có dấu hiệu tự hại, cắt tay cắt chân… là người đấy đang có khủng hoảng tâm lý rất lớn. Nếu người đấy có dấu hiệu trầm cảm như mất ngủ triền miên, không ăn uống nữa, chán nản, cho rằng mình không có ý nghĩa, không có giá trị gì cả thì đó là những vấn đề chúng ta cần quan tâm để mọi việc không đi xa hơn, dẫn đến tự sát.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang

nvcc

Giống như mỗi vấn đề về mặt sức khoẻ thì tự sát và trầm cảm có rất nhiều dấu hiệu. Nếu chúng ta có hiểu biết thì sẽ nhận ra được. Chúng ta sẽ không thấy bất ngờ. Chúng ta cần có kiến thức nhiều hơn và những kiến thức này cần phải được phổ cập đến mọi nơi, mọi chỗ, phụ huynh, giáo viên. Thậm chí là các em học sinh cần được đào tạo để nhận thấy bạn mình có dấu hiệu gì đáng lo hay không để báo cho người lớn can thiệp, giúp đỡ kịp thời.

Nhưng trên thực tế, các bạn tự hại, cắt tay cắt chân, hay nói không muốn sống nữa… thì lại hay gặp phải sự dè bỉu, đánh giá, phán xét của các bạn cùng lứa tuổi hoặc của người lớn. Đó là vấn đề rất lớn khiến cho họ bị cô độc và họ rút lui, không chia sẻ với người khác nữa. Họ cho rằng họ là kẻ xấu xí trong cộng đồng. Và họ sẽ sống âm thầm trong bóng tối với sự đau đớn của mình đến khi không chịu đựng được nữa. Cho nên chúng ta cần thay đổi định kiến, cần trở thành người hiểu biết. Và chúng ta cần quan sát và can thiệp sớm giống như can thiệp với tất cả bệnh khác là tim mạch, ung thư, đau dạ dày…

Trẻ em cần một ngôi nhà ấm áp về mặt tinh thần

Vậy khi phát hiện một bạn trẻ có vấn đề trầm cảm thì cách tiếp cận là gì, thưa ông?

Khi chúng ta cho rằng ai đấy đang có vấn đề khủng hoảng tâm lý, trầm cảm hoặc một số tâm bệnh khác như rối loạn lo âu, chúng ta cần giúp bạn ấy tiếp cận được đánh giá chuyên môn xem vấn đề cụ thể của bạn ấy là gì, mức độ ra sao, có những yếu tố tiêu cực nào đang tác động vào bạn ấy khiến cho vấn đề trầm trọng lên. Ví dụ như sức ép về học hành, cãi vã trong gia đình, bạo lực của người bố, mắng chửi của người mẹ… Và chúng ta sẽ gỡ giúp cho bạn ấy những yếu tố độc hại để trước hết là ngọn lửa trong căn phòng của bạn ấy giảm xuống, giảm xuống. Và chúng ta sẽ tìm đến những vấn đề trị liệu chuyên môn như tư vấn tâm lý, uống thuốc để rối loạn tâm lý giảm nhẹ đi. Chúng ta hành xử như với những bệnh thân thể khác.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang

lê hiệp

Người ta thường nói rằng đừng để trẻ cô đơn trong căn nhà mình. Thưa ông, cha mẹ làm bạn với con có phải là cách để các bạn tránh trầm cảm, áp lực?

Chắc chắn là như vậy. Chắc chắn là không hay ho, không phải môi trường tốt đẹp gì nếu cha mẹ và con cái xa cách nhau vì lý do này hay lý do khác. Đấy không phải là gia đình ai cũng muốn hướng đến. Đấy cũng là nỗi bất hạnh cho cha mẹ nếu con cái xa lánh họ. Tôi nghĩ không ai muốn mình và con cái xa lánh nhau như những người xa lạ cả. Chỉ có họ không biết làm thế nào để gần gũi con cái. Đấy cũng là kỹ năng làm cha mẹ cần phải học hỏi.

Cha mẹ có thể không phải là bạn bằng vai phải lứa của con. Vì thế cha mẹ nên là người hiểu con, biết được con yêu thích gì, sợ hãi gì, hy vọng gì, thích nghe nhạc gì, thích chơi game gì, ai là bạn của chúng, con có tâm tư gì, ao ước gì… Chúng ta cần phải tôn trọng con, lắng nghe con, coi những thứ quan trọng với con cũng là quan trọng với mình. Thay vì chúng ta xem con chỉ là kẻ ăn hại, ăn bám còn mình mới là người vất vả kiếm tiền con nên con phải nghe lời mình và xem những nỗi niềm của con không xứng đáng để mình lắng nghe.

Qua những câu chuyện buồn gần đây, ông có muốn nhắn nhủ gì đến những người trẻ, các bậc phụ huynh, những người làm giáo dục?

Qua câu chuyện đáng buồn vừa qua, tôi cho rằng người lớn, phụ huynh, người làm giáo dục, người làm truyền thông cần dừng lại để ý thức về trách nhiệm của mình. Chúng ta thất bại khi để cho trẻ em lớn lên trong một môi trường bất hạnh, khiến cho chúng cảm thấy cuộc sống này không còn ý nghĩa gì nữa và tìm đến cái chết. Đó chính là trách nhiệm, là lỗi của chúng ta. Mọi lo lắng về vật chất, mọi mong muốn xây dựng cho tương lai của con trẻ sẽ trở nên vô nghĩa nếu chúng ta không cho được trẻ em một ngôi nhà ấm áp về mặt tinh thần.

Ảnh

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang tốt nghiệp kỹ sư tin học tại ĐH Công nghệ Ilmenau (Đức) và tiến sĩ kinh tế phát triển của ĐH Công nghệ Vienna (Áo).

Ông hiện là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận, nghiên cứu và vận động chính sách nhằm nâng cao chất lượng quản trị quốc gia và thúc đẩy tiếng nói của người dân.

Những cuốn sách và bài viết của ông có sức ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội như Thiện, Ác và Smartphone , Bức xúc không làm ta vô can, Điểm đến của cuộc đời và gần nhất là Đại dương đen.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.