Hơn 51.500 người ở TP.HCM nhiễm HIV/AIDS đang được quản lý

03/12/2023 11:19 GMT+7

Sáng 3.12, tại TP.HCM có hơn 1.000 người dân tham gia mít tinh hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS.

Sáng 3.12, tại Q.Gò Vấp, UBND TP.HCM tổ chức mít tinh hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS và ngày Thế giới phòng chống AIDS với chủ đề "Cộng đồng sáng tạo - quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030". Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đến dự và phát biểu.

TP.HCM: Khoảng 51.500 người nhiễm HIV/AIDS đang được quản lý - Ảnh 1.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đến dự và phát biểu tại lễ mít tinh

DU YÊN

Theo số liệu thống kê tình hình HIV/AIDS đến tháng 9.2023, tại TP.HCM có trên 51.500 người nhiễm đang được quản lý, trong đó có hơn 47.600 người đang được điều trị thuốc kháng vi rút HIV. Hiện trên địa bàn thành phố 45 cơ sở điều trị ARV.

Tính đến tháng 9.2023, TP.HCM đã đạt 93% so với mục tiêu 95% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm của họ. 92,4% so với mục tiêu 95% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục. 98,4% so với mục tiêu 95% số người điều trị ARV kiểm soát được tải trọng vi rút ở mức ổn định.

Với quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, tại buổi lễ Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức kêu gọi toàn thể cộng đồng, xã hội cùng hưởng ứng và chủ động tham gia tích cực vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại TP.HCM.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức kêu gọi hệ thống y tế, bao gồm cả hệ thống y tế công lập và tư nhân, từ tuyến thành phố, quận, huyện, đến phường xã, luôn mở rộng điều trị ARV để đảm bảo cho bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị liên tục.

Đồng thời, ông cũng kêu gọi sự tham gia tích cực hơn nữa của các cấp lãnh đạo trong việc chỉ đạo, hướng dẫn để cả cộng đồng có ý thức phòng chống thì mới có thể đẩy lùi dịch HIV/AIDS.

TP.HCM: Khoảng 51.500 người nhiễm HIV/AIDS đang được quản lý - Ảnh 2.

Diễu hành hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS

DU YÊN

Trong buổi lễ, Phó chủ tịch UBND Q.Gò Vấp Đào Thị My Thư đã đưa ra các quyết tâm hoạt động của quận để tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Đầu tiên, thúc đẩy sự tham gia của các lãnh đạo, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng người tham gia phòng chống HIV/AIDS.

Thứ hai là tăng cường truyền thông đến người dân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương, người nhiễm HIV về các dịch vụ dự phòng, điều trị HIV/AIDS, giúp họ dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ liên quan đến HIV/AIDS trên địa bàn quận.

Thứ ba, tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành HIV/AIDS, giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn; tác hại của ma túy, về phòng chống HIV/AIDS cho người dân.

Từng là một người nhiễm HIV, chị Chung Kim Loan (ngụ Q.Gò Vấp) đã điều trị từ năm 2012 cho đến nay. Hiện tải lượng HIV của chị Loan đã dưới ngưỡng phát hiện là K=K (không phát hiện - không lây truyền). Chia sẻ tại buổi lễ, chị Loan cũng mong muốn cộng đồng và xã hội đừng kỳ thị, phân biệt đối xử hay xa lánh với người nhiễm HIV/AIDS.

Đồng thời, chị Loan cũng mong những người nhiễm HIV/AIDS đừng quá bi quan. Theo chị, HIV bây giờ chỉ là bệnh mãn tính, uống ARV vào sẽ kéo dài thời gian sống, chờ đợi một ngày HIV sẽ bị xóa sổ hoàn toàn nhờ khoa học.

Sau lễ mít tinh đã diễn ra lễ diễu hành hưởng ứng tại các tuyến đường chính trên địa bàn TP.HCM để truyền tải nội dung chủ đề "Cộng đồng sáng tạo - quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030".

Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến nay, Việt Nam có khoảng 249.000 người nhiễm HIV, trong đó có khoảng 230.000 người nhiễm HIV đã được phát hiện và đang còn sống. So với 10 năm trước đây, người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS đã giảm hơn 2/3 .

Tuy nhiên, số liệu giám sát phát hiện hằng năm cho thấy đối tượng nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh và đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam. Nhóm tuổi 16 - 29 tăng nhanh trong số phát hiện mới, từ 4% năm 2012 lên đến 12,9% năm 2019 và 25,9% vào năm 2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.