Hơn 9 tỉ USD nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

19/03/2022 06:36 GMT+7

Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu gần 22,3 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) với tổng trị giá 9,07 tỉ USD.

Đó là thông tin Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) công bố tại hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy chăn nuôi lợn và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh TĂCN, do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 18.3 tại Hà Nội.

Theo Cục Chăn nuôi, nguyên liệu phải nhập khẩu nhiều nhất là ngô với hơn 9,6 triệu tấn; khô dầu hơn 5,6 triệu tấn. Do ảnh hưởng dịch Covid-19 và đặc biệt là xung đột Nga - Ukraine vừa qua đã đẩy giá nhiều loại nguyên liệu tăng cao. Giá nhiều nguyên liệu TĂCN hiện nay nếu so với thời điểm tháng 3.2021 đã tăng rất cao. Cụ thể, giá ngô hạt 10.200 đồng/kg (tăng 29,3%); khô dầu đậu tương 16.500 đồng/kg (tăng 33,4%); bã ngô 10.300 đồng/kg (tăng 23,1%); lúa mì 9.850 đồng/kg (tăng 49,5%). Cục Chăn nuôi dự báo ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine giá nguyên liệu TĂCN còn tiếp tục tăng và duy trì đến hết năm nay.

Ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục Chăn nuôi, cho biết đối với ngành chăn nuôi lợn, giá TĂCN chiếm tỷ lệ rất cao từ 65 - 70% giá thành chăn nuôi. Trong khi, giá nguyên liệu trên thế giới tăng từ 20 - 40% đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi. Việt Nam hiện chỉ sản xuất được 35% TĂCN và 65% còn lại phụ thuộc nhập khẩu.

Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các doanh nghiệp sản xuất TĂCN đã nhập khẩu được nguyên liệu trong thời gian trước đủ sản xuất cho một thời gian dài tạm thời không tăng giá TĂCN công nghiệp để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi, cùng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Để giải quyết khó khăn về nguồn cung đối với một số nguyên liệu chính, trong năm nay, Bộ NN-PTNT phối hợp với các tỉnh Tây nguyên và các doanh nghiệp chuyển đổi một số diện tích đất trồng trọt không hiệu quả sang trồng nguyên liệu TĂCN. Trước mắt, các tỉnh Tây nguyên sẽ thành lập các HTX tập trung trồng sắn, ngô liên kết với doanh nghiệp để chế biến TĂCN, từng bước giảm phụ thuộc nhập khẩu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.