Hơn 90% giao dịch vẫn thanh toán tiền mặt do thói quen

Anh Vũ
Anh Vũ
31/12/2019 10:36 GMT+7

Dù tiền điện, nước, viễn thông… đã được thanh toán trực tuyến qua các dịch vụ điện tử ngân hàng, song do thói quen, tỷ lệ người dân dùng tiền mặt vẫn còn cao.

Tại buổi họp báo sáng 31.12 về triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2020, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng cho biết, đến cuối tháng 10, đã có trên 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua internet và 47 tổ chức thực hiện qua điện thoại di động.
Trong 10 tháng năm 2019, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh internet tăng tương ứng hơn 67% và trên 36%; số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 186% và 221% so với cùng kỳ năm 2018. Thanh toán qua QR Code (quét mã vạch) tuy là hình thức thanh toán điện tử mới nhưng cũng đạt mức tăng trưởng khá.
Vẫn theo ông Dũng, năm qua, bên cạnh hoàn thiện cơ sở pháp lý, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM).
NHNN đề xuất Chính phủ xây dựng Nghị định mới về TTKDTM; trình và triển khai Đề án cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng (Regulatory Sandbox); Báo cáo cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) tại Việt Nam; Đề án thử nghiệm các mô hình thanh toán mới…

Thanh toán trực tuyến, thẻ sẽ thay thế cho tiền mặt

Ảnh Tiêu Phong

Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng thanh toán; tăng cường công tác an ninh, bảo mật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng; triển khai ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0 trong cung ứng dịch vụ thanh toán.
Nhờ đó, TTKDTM tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Trong lĩnh vực thanh toán đã ứng dụng tất cả công nghệ mới trên thế giới (ATM, POS, Internet Banking, Mobile Banking, QR Code, Tokenization...) phục vụ hầu hết các ngành kinh tế trọng điểm.
Trước đó, theo số liệu Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) đưa ra, thương mại điện tử tại Việt Nam thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực khi các giao dịch qua internet, di động tăng tới 238% về giá trị. Tuy nhiên, có một thực tế là tiền mặt vẫn chiếm ưu thế với hơn 90% giao dịch vẫn là tiền mặt. Như vậy, có một sự phát triển chưa đồng bộ khi mà nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng phương tiện thanh toán số lại chậm.
Ông Phạm Tiến Dũng thừa nhận, một trong những nguyên nhân thanh toán không dùng tiền mặt chưa đạt do thói quen. “Nếu đã sử dụng mobile-banking thì chắc chắn gia đình chúng ta sẽ không muốn quay trở lại dùng tiền mặt khi mỗi một giấc ngủ, bữa cơm lại có một người đến thu tiền điện”, ông Dũng chia sẻ, đồng thời lưu ý người dân nên thay đổi dần thói quen sử dụng nhiều kênh thanh toán trực tuyến vừa tiện ích, vừa tiết kiệm chi phí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.