Hơn cả một chính sách văn hóa - giáo dục

02/09/2022 08:07 GMT+7

Trong những ngày tháng độc lập đầu tiên, “giặc dốt” được coi là một trong số những kẻ thù nguy hiểm nhất, bên cạnh “giặc đói” và giặc ngoại xâm mà cả dân tộc Việt Nam phải đối phó.

Xóa nạn mù chữ đã gắn liền với độc lập dân tộc, gắn liền với tự do, dân chủ của nhân dân nên đã được đông đảo toàn dân hưởng ứng.

Lớp bình dân học vụ năm 1945

Tư liệu

“Giặc dốt” cần phải tiêu diệt ngay

Khi long trọng tuyên bố nền độc lập và khai sinh chế độ dân chủ cộng hòa ở Việt Nam trên nền di sản của chế độ thực dân, phong kiến để lại là 90% dân ta không biết chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi điều đầu tiên cần làm để xây dựng chế độ dân chủ và thực hiện dân chủ là phải nâng cao trình độ dân trí của toàn dân.

Chỉ một ngày sau lễ Độc lập, trong Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị: “Mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”. Đây là điều thứ hai trong 6 điều Người đề nghị Chính phủ, sau đề nghị “phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất” để chống “giặc đói” và trước đề nghị “tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử”.

Hơn một tháng sau Người nói rõ hơn trên báo Cứu quốc: “Muốn giữ vững nền độc lập. Muốn cho dân mạnh nước giàu. Mọi người dân Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia 2011, tập 4, trang 40).

Chống “giặc dốt” được bắt đầu bằng việc xoá nạn mù chữ cho đông đảo nhân dân. Hồ Chí Minh khởi động cho toàn dân cách học mới theo phương châm: “Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia 2011, tập 4, trang 41).

Xóa mù chữ, sau đó là bầu cử

tư liệu

Phong trào toàn dân xóa nạn mù chữ rộng khắp các xóm làng. Nhân dân hồ hởi tranh thủ học chữ ở mọi nơi. Còn có câu chuyện một số cán bộ hăng hái đặt “barie” là một cành tre trước cửa chợ. Các chị phụ nữ chít khăn mỏ quạ cắp thúng, cắp rổ xếp hàng đọc đúng những chữ cái viết trên tấm cót do cán bộ lấy que chỉ ngẫu nhiên thì coi như được “phát vé” vào chợ.

Nhiều hơn một chính sách văn hóa - giáo dục

Phong trào diệt “giặc dốt” đã đạt kết quả to lớn với hơn 2,5 triệu người thoát nạn mù chữ. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn sau khi cách mạng thành công, nhân dân đã được hưởng những quyền lợi trước đó chưa bao giờ được hưởng về dân quyền, dân chủ, dân sinh, dân trí.

Chiến dịch xóa nạn mù chữ diễn ra trong thời kỳ cách mạng gặp rất nhiều khó khăn những năm 1945 - 1946 mang nhiều ý nghĩa lớn hơn một chính sách văn hóa - giáo dục thông thường. Ngoài ý nghĩa nâng cao dân trí đây là còn một cuộc đấu tranh chính trị quyết liệt.

Công cuộc xóa nạn mù chữ trực tiếp hỗ trợ cho cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của dân tộc. Các thế lực phản động điên cuồng chống lại cuộc tổng tuyển cử. Các báo như Việt Nam, Thiết thực, Đồng tâm của các đảng phái phản động hàng ngày vu cáo, nói xấu Việt Minh, kêu gọi tẩy chay tổng tuyển cử - viện cớ rằng: trình độ dân trí của dân ta còn thấp kém, 90% dân ta còn mù chữ, không đủ năng lực thực hiện quyền bầu cử, rằng chúng ta còn phải tập trung chống Pháp xâm lược ở miền Nam...

Chủ trương toàn dân chống “giặc dốt” đã gắn nhiệm vụ văn hoá - giáo dục với nhiệm vụ chính trị. Chiến dịch xóa nạn mù chữ còn mang mục tiêu lớn trực tiếp để mỗi người dân biết đọc, biết viết để tự mình thực hiện quyền bầu cử trong cuộc tổng tuyển cử. Dù phải lùi ngày bầu cử lại hai tuần, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đã được tổ chức thành công ngày 6.1.1946.

Người dân ở Hà Nội đi bầu cử năm 1946

tư liệu

Tính chung 71 tỉnh, thành trong cả nước, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 89%, có nhiều nơi đạt tới 95%. Bất chấp mọi sự chống phá quyết liệt của kẻ thù, tỷ lệ này đã nói lên sự đúng đắn và hiệu quả của một chiến lược trong việc nâng cao ý thức và năng lực thực hiện dân chủ của nhân dân mà Hồ Chí Minh là người đề xướng từ những bước đầu tiên.

Tin tưởng vững chắc vào sự sáng suốt chính trị của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt cho toàn dân Việt Nam đã dám quyết định và tổ chức thành công một cuộc tổng tuyển cử trong thời gian ngắn đến không tưởng - chỉ hơn ba tháng sau khi giành được độc lập.

Đây là điều chưa quốc gia nào thực hiện được trong lịch sử thế giới hiện đại sau khi lật đổ ách thống trị thực dân, đưa nhân dân lên địa vị người chủ đất nước. Sự thành công đó càng khẳng định mạnh mẽ thêm ý nguyện và ý chí của toàn dân Việt Nam, hồ hởi, tự tin với quyền dân chủ trực tiếp và mới mẻ mà mình mới được trao.

Sau cuộc tổng tuyển cử, Chính phủ cách mạng lâm thời đã trở thành hợp hiến. Sáng ngày 2.3.1946, Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã khai mạc tại Nhà hát lớn Hà Nội, lập ra Chính phủ Liên hiệp kháng chiến gồm nhiều thành phần, đại diện cho các tầng lớp xã hội, đấu tranh cho quyền lợi của cả dân tộc Việt Nam.

Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản hiến pháp đầu tiên được soạn thảo và đã được Quốc hội thông qua trong Kỳ họp thứ hai, ngày 9.11.1946. Đây là thành quả to lớn của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Trong những năm tiếp theo, phong trào xoá nạn mù chữ tiếp tục được duy trì với khẩu hiệu “Đi học là kháng chiến” không chỉ nâng cao trình độ văn hoá cho nhân dân mà qua đó trình độ chính trị được nâng cao, nhân dân càng có thêm nhiều điều kiện để hoàn thành những nhiệm vụ kháng chiến - kiến quốc.

Nhắc nhớ lại nhiệm vụ xóa nạn mù chữ được gắn kết với nhiệm vụ chính trị từ khi bắt đầu xây nền dân chủ cộng hòa cách đây 77 năm, cũng để nhìn rõ hơn sự cần thiết gắn kết những nhiệm vụ văn hóa và chính trị hiện nay, khi chúng ta xây dựng văn hoá mới Việt Nam phát triển và hoà đồng, không tụt hậu với nền văn minh đang toàn cầu hoá từng ngày trong môi trường cộng sinh về kinh tế và văn hoá của thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.