Từ Cách mạng Tháng Tám đến Quốc khánh 2.9: Có một thế hệ người trẻ kiên trung

Vũ Thơ
Vũ Thơ
30/08/2020 07:32 GMT+7

Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu được lịch sử thủ đô Hà Nội mãi khắc ghi với nhiều đóng góp và công lao to lớn.

Sau khi được thành lập vào năm 1944, Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã tập hợp được đông đảo thanh niên, học sinh yêu nước cùng đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc.
Để giành độc lập, các nhân chứng lịch sử Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu cho biết họ đã có nhiều hoạt động đấu tranh táo bạo tiền khởi nghĩa.
Tháng 8.1944, tại số nhà 46 Bát Đàn, Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội), một tổ chức yêu nước của thanh niên Hà Nội trực thuộc Mặt trận Việt Minh ra đời, mang tên Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Sau khi được thành lập, tổ chức này đã tập hợp được đông đảo thanh niên, học sinh yêu nước, trở thành một tổ chức hùng hậu là tiền thân của lực lượng vũ trang Hà Nội và là lực lượng nòng cốt, xung kích trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền Hà Nội, năm 1945.

Noi gương anh hùng chống giặc ngoại xâm

Ông Lê Đức Vân, 95 tuổi, nguyên Ủy viên Ban Thanh vận Hà Nội, hiện là Trưởng ban Thường trực Ban Liên lạc các chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu trước Cách mạng Tháng Tám.
“Cuối năm 1941, Thường vụ T.Ư Đảng có chủ trương mỗi thành phố lớn phải thành lập một ban thanh vận và ra một tờ báo của thanh niên. Chấp hành chỉ đạo đó, Ban Cán sự Đảng TP.Hà Nội chủ trương phát triển thanh niên cứu quốc trong các tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên. Khi đó, một nhóm học sinh Trường Bưởi (khóa 1939 - 1943) đã sớm giác ngộ và hình thành nên một tổ chức yêu nước trong giới trẻ”, ông Vân kể và cho biết mình là một trong những thành viên đầu tiên của nhóm; được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cứu quốc đầu năm 1943, trở thành đảng viên cộng sản khi còn là học sinh.
“Chúng tôi được thầy Trần Văn Khang dạy lịch sử giảng các bài về các anh hùng dân tộc, khơi dậy lòng yêu nước trong học sinh. Từ đó, chúng tôi lập nhóm Tu Thân, cùng nhau học tập tốt, rèn luyện sức khỏe, noi gương anh hùng chống giặc ngoại xâm. Nhóm luôn tổ chức đến những nơi thờ các vị anh hùng dân tộc, để trau dồi lòng yêu nước. Sau đó, nhóm đổi tên là đội Ngô Quyền, với mong muốn sẽ noi gương Ngô Quyền giành độc lập cho Tổ quốc. Chúng tôi sau đó được giới thiệu vào Việt Minh, vào Đoàn Thanh niên cứu quốc và phát triển tổ chức thanh niên cứu quốc trong Trường Bưởi, sau đó lan ra các trường Gia Long, Thăng Long, Văn Lang… thậm chí sang cả trường dạy con Tây và con các gia đình quan lại”, ông Vân tự hào kể.
Theo ông Vân, đầu năm 1944, ông Vũ Quý, Ủy viên Ban Cán sự Đảng TP.Hà Nội triệu tập một số anh em tại nhà 46 Bát Đàn, thành lập một chi bộ, gọi là chi bộ thanh niên lớp Hoàng Văn Thụ (nguyên Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ), vì lúc đó nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu của thủ đô Hà Nội và cả nước, khi đến cơ sở làm công tác địch vận, thì bị địch bắt, xử bắn. Chủ trương của Đảng khi ấy là phát triển lớp đảng viên mới để chứng minh một người ngã xuống thì có một lớp người khác đứng lên. Chi bộ có trách nhiệm vận động thanh niên Hà Nội tham gia cách mạng và chính thức thành lập Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, là lực lực lượng nòng cốt, xung kích trong những ngày khởi nghĩa giành chính quyền, tháng 8.1945 ở Hà Nội, để góp phần cùng cả dân tộc có ngày độc lập 2.9.1945.

Đấu tranh táo bạo giành chính quyền

Ông Nguyễn Tiến Hà (92 tuổi), Phó ban Thường trực Ban Liên lạc các chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu trước Cách mạng Tháng Tám, chia sẻ: “Trước Cách mạng Tháng Tám, chúng tôi là tổ chức hoàn toàn bí mật, tuy nhiên các hoạt động rất phong phú như tuyên truyền về chính sách của Mặt trận Việt Minh về tinh thần yêu nước; lấy lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc là đem sức ta để giải phóng cho ta, để mọi người ủng hộ đi theo con đường cách mạng giải phóng dân tộc”.
Ông Lê Đức Vân dù đã 95 tuổi nhưng vẫn nhớ như in lịch sử ra đời và hoạt động Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu ẢNH: VŨ THƠ

Ông Lê Đức Vân dù đã 95 tuổi nhưng vẫn nhớ như in lịch sử ra đời và hoạt động Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu

ẢNH: VŨ THƠ

Theo ông Hà, nhiều hoạt động của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu khi đó rất sáng tạo, như việc tham gia tổ chức truyền bá quốc ngữ xóa nạn mù chữ, nhưng thực chất là đi sâu vào tầng lớp lao động, vận động bà con hiểu cách mạng, đi theo cách mạng. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên hoạt động tuyên truyền bằng hình thức rải truyền đơn, kêu gọi mọi người đoàn kết dưới ngọn cờ Mặt trận Việt Minh, chống kẻ thù xâm lược.
“Chúng tôi dán áp phích, truyền đơn lên các toa tàu điện chạy từ Bạch Mai lên Bưởi đi qua Bờ Hồ. Hoặc tuyên truyền trong các rạp chiếu bóng. Khi rạp tắt đèn thì chúng tôi tung truyền đơn ra, đến khi đèn bật sáng, thì không biết ai rải nữa, chúng tôi đã lẩn đi rồi. Hay là chúng tôi vào chợ, tung truyền đơn rồi trốn ngay, vào một cửa, rút lui ra một cửa”, ông Hà kể.
Theo ông Vân, thành công vang dội của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu là việc xung kích phá cuộc mít tinh tuyên truyền cho chính quyền bù nhìn tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 17.8. Sự kiện đó đã trở thành cuộc biểu tình tuần hành của quảng đại quần chúng, ủng hộ Mặt trận Việt Minh, tạo tiền đề cho cuộc khởi nghĩa 19.8 thành công.
“Chiều 17.8.1945, tại quảng trường Nhà hát Lớn, Tổng hội viên chức của chính quyền Trần Trọng Kim tổ chức mít tinh. Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu là một trong những tổ chức được giao nhiệm vụ phá hoạt động này, cuộc mít tinh vừa bắt đầu thì 3 chiến sĩ đã đứng lên, bất ngờ chiếm lấy diễn đàn, cùng lúc đó, lá cờ đỏ sao vàng từ gác Nhà hát Lớn buông xuống, đại diện Việt Minh đứng lên diễn thuyết, báo tin Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, kêu gọi mọi người đứng lên ủng hộ Việt Minh, đánh đổ chính phủ bù nhìn thân Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân. Cuộc mít tinh đã trở thành cuộc biểu tình tuần hành ủng hộ Việt Minh của quảng đại quần chúng, đi qua các phố lớn...”, ông Vân nhớ lại. Thời điểm đó, Thành ủy Hà Nội họp mở rộng đánh giá tình hình, đi đến quyết định cuộc khởi nghĩa ngày 19.8.1945.
Nói về vai trò của thanh niên trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, ông Hà cho rằng Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu thực sự là lực lượng xung kích của cuộc vận động cách mạng ở Hà Nội, của cuộc Tổng khởi nghĩa ngày 19.8.1945 toàn thắng, ngay tại nơi trung tâm đầu não của chính quyền thực dân. Tổ chức này còn phá kho thóc Nhật chia cho dân; mua vũ khí của Nhật để hoạt động cách mạng…
“Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu là nòng cốt trong các cuộc tuyên truyền vận động, trong sự kiện ngày 17.8 đoàn thanh niên là người đi đầu; ngày 19.8, đoàn thanh niên là nòng cốt. Tất nhiên, mặt trận có nhiều tổ chức, nhưng nòng cốt là thanh niên”, ông Hà khẳng định. Ông Hà cũng bày tỏ mong muốn: “Lúc bấy giờ thanh niên chúng tôi hoạt động cứu nước, cứu nhà, giải phóng dân tộc, nhưng đến nay nước nhà đã được độc lập, tự do rồi, chúng tôi muốn thanh niên nối tiếp truyền thống này và thực hiện xây dựng, bảo vệ đất nước với mục tiêu làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Dù mục tiêu cụ thể có phần khác trước, nhưng thanh niên luôn là nòng cốt và chúng tôi kỳ vọng như thế”.
Sau Cách mạng Tháng Tám, hầu hết đoàn viên Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, để có ngày Giải phóng thủ đô Hà Nội 10.10.1954, rồi lại tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày thống nhất đất nước 30.4.1975...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.