Hồn đô thị trong 'dăm thứ xa xôi'

Phạm Thu Nga
Phạm Thu Nga
28/08/2022 07:30 GMT+7

“Dù sao, trên bến thời gian, tôi cũng đã có lúc bắt được chuyến tàu chuyên chở di sản quá khứ rất đáng quý dẫu chỉ trong vài chục khoảnh khắc, từ những hoài vọng chân thành như ở tuổi đôi mươi ngóng người thân dưới sân ga”, nhà văn Phạm Công Luận thổ lộ trong lời nói đầu tập tùy bút Hồn đô thị vừa ra mắt độc giả.

Tập sách do Phương Nam Book và NXB Thế giới ấn hành, tuyển chọn các bài tùy bút trong bộ sách Sài Gòn - Chuyện đời của phố gồm 5 tập được xuất bản từ năm 2014 - 2018.

Hồn đô thị trong 'dăm thứ xa xôi' - Ảnh 1.

Một tranh minh họa trong sách do họa sĩ Kim Duẩn vẽ

NXB CUNG CẤP

Những năm ấy, dòng sách về Sài Gòn xưa đang đặc biệt được độc giả ưa chuộng. Nói như một nhà văn, thì Sài Gòn - TP.HCM đang thay đổi quá nhanh, và những người đã và đang sống ở nơi đây, đã và đang yêu mến thành phố này bỗng thấy lo sợ.

Nếu không khảo cứu, không ghi lại, chụp lại, lưu lại, liệu rằng sau này còn gì để nhắc nhớ về Sài Gòn ngày xưa?

Hồn đô thị trong 'dăm thứ xa xôi' - Ảnh 2.

Bìa sách

NXB CUNG CẤP


Bộ sách Sài Gòn - chuyện đời của phố của nhà văn Phạm Công Luận ra đời trong bối cảnh đó, cùng với rất nhiều tác phẩm khác viết về Sài Gòn xưa. Cho đến nay, chỉ sau vài năm, khi hầu hết những cuốn sách “bắt trend” đã không còn được ai nhắc đến, bộ Sài Gòn - chuyện đời của phố vẫn thường xuyên được tái bản, chứng tỏ sức sống cũng như giá trị bền vững của mình. Đó là một bộ sách được viết bởi một tác giả đã sinh sống lâu năm ở Sài Gòn, yêu Sài Gòn tha thiết và luôn tìm cách để cảm, để hiểu lịch sử, văn hóa và nhất là hồn thành phố của mình một cách sâu sắc.

Từ Sài Gòn - chuyện đời của phố tập 2, nhà văn Phạm Công Luận đã ưu tiên gửi cho Thanh Niên các bài từ các tập sách cùng thời điểm sách được phát hành. Do đó, liên tiếp nhiều năm, những bài viết trong loạt Sài Gòn - Chuyện đời của phố đã đến với độc giả Thanh Niên trong những ngày đầu năm mới, như một món quà xuân thú vị với những câu chuyện ít biết về Sài Gòn xưa: Khách sạn cổ nhất còn đến bây giờ, Làng Lai Xá, trùm nghề ảnh Sài Gòn, Quán cơm - phòng trà Anh Vũ, Nhà hàng Việt cao cấp đầu tiên, Một thời bảnh trai, Không biết Saigon Departo là… quê một cục… Các bài viết do chính nhà văn Phạm Công Luận chọn, phần nhiều là bài khảo cứu.

Khi tập hợp các bài tùy bút rải rác trong 5 tập Sài Gòn - Chuyện đời của phố lại với nhau, Hồn đô thị đem đến cho người đọc những cảm nhận thiên về cảm xúc đầy đặn hơn đối với Sài Gòn. Vẫn với giọng văn chân tình, tao nhã, Phạm Công Luận kể về những ngày tết hồi còn ấu thơ, những con hẻm, con đường quen thuộc, những mùi vị đồ ăn thức uống, lối phục sức, thói quen, tập tục của người dân Sài Gòn một thuở..., và cả về những con người, bằng cách này hay cách khác đã góp phần làm nên hồn đô thị Sài Gòn, như dù là những người lao động bình dị nhất, hay những văn nhân tên tuổi như nhà văn Sơn Nam, nhà thơ Huyền Chi…

Xuyên suốt nhiều bài trong tập sách, là một tâm trạng bùi ngùi tiếc nuối của tác giả, khi rất nhiều vẻ “đẹp xưa” đã dần mất đi: “Có những âm vị giờ như đã quá xa và nhóm khách chiều cuối năm thấy như mấy ngày xuân đã trôi qua rồi… kể từ khi họ ngồi ôn chuyện cũ trong một góc phố, tưởng như mình đã thành cũ kỹ vì chỉ nhớ những ký ức về dăm thứ xa xôi, nay chỉ còn là những dư âm không mấy ai buồn nhớ…” (Đẹp xưa).

Vâng, chỉ là “dăm thứ xa xôi”, nhưng nếu không có những điều ấy, hẳn Sài Gòn sẽ không được người ta nhớ thương nhiều đến thế!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.