Mặc dù Bộ Y tế đã có quy chế cụ thể về việc kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú, nhưng hiện vẫn chưa thực sự có chế tài cụ thể đối với các cửa hàng thuốc dễ dãi trong việc bán thuốc kê đơn.
Người bệnh phải tự biết bảo vệ mình bằng việc đến khám và điều trị ở những cơ sở y tế để chỉ định dùng thuốc đúng cách - Ảnh: Diệu Hiền
|
Theo quyết định số 04/2008/QĐ-BYT về việc ban hành quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú, thì “Đơn thuốc chính là căn cứ hợp pháp để bán thuốc, cấp phát thuốc”. Và quy chế này áp dụng không chỉ với người kê đơn thuốc mà với những người cấp, bán thuốc. Có thể thấy quy chế này thiên về quy định nghiêm ngặt đối với người kê đơn. Họ phải là những người hành nghề tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp có bằng tốt nghiệp ĐH Y và được người đứng đầu cơ sở phân công khám, chữa bệnh. Thế nhưng, có thể nhận thấy, chỉ với những nhân viên bán thuốc trình độ trung cấp tại các cơ sở bán thuốc trên địa bàn Đà Nẵng, vẫn thản nhiên tự kê đơn, chẩn bệnh và bán thuốc cho người bệnh; và người bệnh tự chẩn bệnh cũng dễ dàng được các dược sĩ trung cấp bán thuốc vô tội vạ mà không bị nhắc nhở, xử phạt.
Đã bắt quả tang, xử phạt, nhưng...
|
|
Trong năm 2014, ngành Y tế đã tiến hành thanh tra dược tại hơn 400 cơ sở, phát hiện 64 cơ sở vi phạm, xử phạt hơn 160 triệu đồng. Các nội dung vi phạm bao gồm: để lẫn các mặt hàng không phải là thuốc cùng với thuốc, bán lẻ thuốc không đáp ứng các yêu cầu bảo quản ghi trên nhãn thuốc; bán lẻ thuốc đã hết hạn sử dụng; kinh doanh thuốc không có giấy chứng nhận được đăng ký kinh doanh thuốc; và không thực hiện việc mở sổ sách theo dõi các hoạt động mua thuốc, bán thuốc theo quy định...
|
|
|
Bác sĩ Nguyễn Tấn Hải, Phó giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng cho biết việc quản lý bán thuốc hiện nay, mặc dù đã được tuyên truyền sâu rộng cùng với giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, nhưng thực trạng người dân tự ý mua thuốc và các quầy thuốc bán thuốc kê đơn dễ dãi vẫn đang diễn tiến. “Đây không chỉ là thực trạng của riêng Đà Nẵng mà ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước”, bác sĩ Hải nhận định. Cũng theo bác sĩ Hải, việc bán thuốc theo đơn chỉ có ở nước ngoài, với sự quản lý nghiêm ngặt. Còn ở VN, việc kiểm soát các loại thuốc bán theo kê đơn gặp rất nhiều khó khăn, bởi hiện luật còn chưa chặt, thiếu cơ chế đồng bộ. “Trong thực tế thì ngành chức năng của thành phố cũng đã đi kiểm tra thường xuyên, và khi bắt quả tang thì xử phạt, nhưng không xuể được, bởi nhà thuốc thì nhiều mà lực lượng thì mỏng, nên tính răn đe chưa cao. Đây rõ ràng chỉ là giải pháp tạm thời chứ không thể xử lý tận gốc được thực trạng này”, bác sĩ Hải cho biết thêm. Bên cạnh việc hệ thống luật chưa chặt để xử lý rốt ráo thực trạng này, còn thêm nguyên nhân hiện nay hệ thống công nghệ thông tin ngành y tế chưa đồng bộ. Giữa các cơ sở khám bệnh, quầy thuốc và ngành y tế chưa có sự kết nối, nên các cơ quan chức năng không thể kiểm soát được việc mua bán thuốc kê đơn của các quầy thuốc. “Nếu các bác sĩ kê đơn, các nhà thuốc bán thuốc đều chạy trong hệ thống, thì việc quản lý sẽ dễ dàng hơn!”, bác sĩ Hải nói. Về lâu dài, ngành Y tế cho hay, sẽ nghiên cứu những giải pháp quản lý chặt đầu vào, đầu ra của các loại thuốc kê đơn. Và sẽ tiếp tục xử lý để có tính răn đe, đi kèm với tuyên truyền cho các nhà thuốc phải hoạt động tuân thủ quy định của ngành Y tế.
Cũng theo bác sĩ Hải, trong khi chờ những chính sách quản lý tích cực, chính người dân cũng phải biết bảo vệ mình. “Bản thân thuốc kê đơn có những độc tính mà người dân không thể hiểu hết được. Uống thuốc trông cho khỏi bệnh, mà uống không đúng thuốc còn chọc cho bệnh nặng thêm. Vì vậy, trước hết, người dân cũng phải tự có trách nhiệm với bản thân mình. Cần phải hiểu rõ về thuốc khi sử dụng. Tốt nhất là đến khám và điều trị ở những cơ sở y tế để bác sĩ có những chỉ định điều trị thích hợp. Đừng tự ý mà rước thêm bệnh vào người”, bác sĩ Hải chia sẻ.
Bình luận (0)