Hôn nhân đồng giới tác động thế nào đến xu hướng kết hôn?

22/09/2022 16:15 GMT+7

Cùng với những hình mẫu gia đình mới như “gia đình đơn thân”, “gia đình mở rộng”, “gia đình hỗn hợp”… cộng đồng LGBT đang nỗ lực để bình thường hóa khái niệm “gia đình LGBT” tại Việt Nam. Điều này hứa hẹn tạo ra nhiều thay đổi trong tư duy hôn nhân của người Việt.

Cộng đồng LGBT tại Việt Nam

LGBT là chữ viết tắt các xu hướng tính dục của con người, bao gồm Lesbian (đồng tính nữ), Gay (đồng tính nam), Bisexual (song tính), Transgender (chuyển giới). Khái niệm này hiện đang được mở rộng thành LGBTQ+ với chữ Q để chỉ Queer (có xu hướng tính dục và bản dạng giới khác biệt, không định hình theo bất kỳ nhãn nào) hoặc Questioning (đang tìm hiểu về xu hướng của bản thân). Dấu “+” trong khái niệm mới nhằm mục đích nhấn mạnh thêm tính đa dạng của các nhóm khác trong cộng đồng.

Xã hội đang ngày càng có cái nhìn cởi mở hơn với cộng đồng LGBT

Theo kết quả của nghiên cứu “Đánh giá tác động kinh tế của chính sách hôn nhân cùng giới tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) công bố vào tháng 12.2021, tỷ lệ người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam chiếm từ 9% đến 11% dân số nước ta. Cộng đồng này đang ngày càng được nhìn nhận là những thành viên tự nhiên, bình đẳng và đầy đủ của xã hội.

Sự cởi mở trong tư duy của xã hội Việt Nam đối với cộng đồng LGBTQ+ cũng phù hợp, tương thích với xu hướng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tính đến tháng 9.2022, đã có 32 quốc gia và vùng lãnh thổ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Con số này sẽ được nâng lên 33 nếu Andorra thông qua luật tương tự vào tháng 2.2023.

Luật hôn nhân gia đình sửa đổi năm 2014 của Việt Nam đã bỏ điều khoản “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” và thay bằng “không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” (khoản 2, Điều 8). Như vậy, luật pháp Việt Nam hiện không cấm việc tổ chức đám cưới giữa những người đồng giới, song cũng không thừa nhận tính pháp lý trong hôn nhân của họ.

Những tín hiệu tích cực

Mặc dù những người đồng tính tại Việt Nam hiện vẫn chưa thể đăng ký kết hôn và thực hiện các quyền, nghĩa vụ trong hôn nhân như các cặp đôi dị tính, song hình ảnh của họ đã có những chuyển biến tích cực. Ngày 8.8.2022 vừa qua, Bộ Y tế ban hành công văn 4132/BYT-PC chấn chỉnh công tác khám bệnh, chữa bệnh đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới gửi các Sở Y tế và cơ sở khám chữa bệnh. Qua đó khẳng định đồng tính, song tính và chuyển giới không phải là bệnh nên không cần “chữa” và không thể “chữa”. Bộ Y tế khuyến nghị các cơ sở khám chữa bệnh phải bình đẳng, tôn trọng giới tính, không phân biệt, kỳ thị.

Nhiều cơ quan chuyên môn khuyến nghị nên có cái nhìn bình đẳng, không kỳ thị với cộng đồng LGBT

Thực tế, đồng tính luyến ái đã được Hiệp hội Tâm thần học Mỹ loại bỏ ra khỏi danh sách các bệnh vào năm 1973. WHO cũng xác định đồng tính không phải là bệnh mà là một xu hướng tính dục tự nhiên của con người. Những thông tin khoa học cùng phản hồi chính thức từ cơ quan chuyên môn góp phần tích cực vào việc thay đổi tư duy của số đông về cộng đồng LGBTQ+ tại Việt Nam.

Về vấn đề kết hôn đồng giới, bản thân cộng đồng LGBTQ+ ở Việt Nam cũng đang có nhiều hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy dự luật này. Chiến dịch “Tôi đồng ý” 2022 do Viện Nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường (iSEE) cùng Trung tâm ICS khởi xướng nhanh chóng nhận được 200.000 chữ ký ủng hộ sau 2 ngày, trong đó có không ít người nổi tiếng như Hana Giang Anh, Hồng Ánh, MC Diệp Chi, TS Đặng Hoàng Giang, diễn viên - người mẫu Võ Điền Gia Huy, diễn viên Ngọc Lan, NSND Kim Xuân…

Hôn nhân không khuôn mẫu

Tư duy cởi mở cũng như lớn mạnh của cộng đồng LGBTQ+ là nhân tố quan trọng giúp thúc đẩy xu hướng hôn nhân không khuôn mẫu. Điều này góp phần mở rộng khái niệm hôn nhân, không chỉ giới hạn trong phạm vi mối quan hệ gia đình giữa hai người khác giới.

Nếu luật kết hôn đồng giới được thông qua thì khái niệm hôn nhân sẽ được mở rộng, đa dạng hơn

Thực tế, mô hình “gia đình LBGT”, “gia đình đồng giới”… đã và đang tồn tại ở Việt Nam, ngay cả khi luật hôn nhân đồng giới chưa được thông qua. Anh Võ Tấn Tài (33 tuổi, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi và người yêu đồng giới đã sống chung được 5 năm. Chúng tôi chia sẻ trách nhiệm kinh tế, cùng chăm sóc thú cưng và xây đắp cho tổ ấm. Về cơ bản, chúng tôi thấy mình không khác gì các gia đình dị tính ngoài kia”.

Rất nhiều người đồng tính, song tính và chuyển giới có mong muốn được pháp luật thừa nhận hôn nhân. Ngoài việc được gia đình và xã hội công nhận, luật kết hôn đồng giới sẽ giúp họ thực hiện được các quyền và nghĩa vụ thiêng liêng với bạn đời. Anh Huân (kinh doanh tự do) cho biết: “Vì luật pháp xem vợ hoặc chồng là những người thân cận nhất, nên không chỉ trong việc thừa kế mà ngay cả các quyết định sinh tử như ký giấy phẫu thuật, vợ hoặc chồng vẫn là người được hỏi ý kiến đầu tiên. Tôi mong có thể ở bên bạn trai của mình những lúc hạnh phúc cũng như khó khăn, chứ không phải đứng nhìn quyết định của người khác”.

Cộng đồng LGBT đang có nhiều hoạt động thiết thực để thúc đẩy hôn nhân đồng giới

Kết quả nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược VN (VESS) và Viện iSEE năm 2022 chỉ ra việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới có thể gia tăng từ 1,65% đến 4,36% GDP mỗi năm cho Việt Nam do kết quả của việc tăng năng suất lao động và tạo ra môi trường làm việc dung nạp, hòa nhập hơn. Việc công nhận và bảo hộ hôn nhân đồng giới sẽ giải quyết những khó khăn khi chung sống, bao gồm khó khăn trong quan hệ về tài sản và các thủ tục pháp lý: đại diện nhau trong các tình huống y tế khẩn cấp, về sinh con, nhận con nuôi…

Về một số ý kiến quan ngại kết hôn đồng giới sẽ ảnh hưởng đến xu hướng hôn nhân truyền thống, anh Việt Phương (TP.HCM), một nhà hoạt động sôi nổi về quyền LGBT cho biết: “Đồng tính không phải là bệnh nên cũng không lây như nhiều người tưởng tượng. Tự do lựa chọn bản dạng giới cũng là quyền của mỗi người, nên tôi khẳng định việc công nhận kết hôn đồng tính sẽ làm đa dạng hơn mô hình hôn nhân chứ không đe dọa đến việc kết hôn dị giới như nhiều người vẫn lo lắng”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.