Hơn trăm triệu mua đề thi IELTS 'thật': Có người 'trúng tủ'!

06/10/2022 06:00 GMT+7

Nhiều thí sinh, giáo viên luyện thi IELTS biết đến thị trường đề “thật”, thậm chí từng được mời “hợp tác”, và hoài nghi tính công bằng của kỳ thi quốc tế này tại VN.

Sở dĩ thị trường bán đề thi IELTS “thật” phát triển rầm rộ, ngang nhiên với đa dạng loại hình và đối tượng như hiện tại, theo nhiều thí sinh (TS), là do nhu cầu đông đảo của cộng đồng luyện thi. Với chi phí lên đến cả trăm triệu đồng cho đề “thật”, nhiều cá nhân không đủ “hầu bao” sẵn lòng tìm thêm người mua chung trong các hội nhóm luyện thi IELTS để chia sẻ gánh nặng tài chính.

Nhiều thí sinh đăng tin tìm người mua chung đề “thật”

CHỤP MÀN HÌNH

Không công bằng với TS thi bằng năng lực của mình

Bên cạnh những bài viết kêu gọi công khai, có không ít TS đăng tin ẩn danh, chỉ đề cập đến ngày thi cụ thể để tìm “đồng đội”, sau đó trao đổi thêm ở tin nhắn riêng. Liên hệ với một số TS đăng tin, chúng tôi được báo giá dao động từ hàng chục nghìn nếu mua chung đề “dự đoán”, đến hàng triệu đồng nếu chọn đề “VIP”, với đa dạng nguồn cung khác nhau.

Song song với những hoạt động mua theo nhóm, cũng có TS chọn mua riêng để tự ôn, tránh những rủi ro khi “chung chạ” như T.V.M.P (ngụ tại Q.9, TP.HCM). Từng mua bộ đề “dự đoán” vào tháng 12.2021 với giá 2 triệu đồng, P. cho hay nhận được tổng hợp hàng trăm đề khác nhau cho 4 kỹ năng.

TS từng đạt 7.5 IELTS nêu quan điểm: “Vì không đi học ôn nên việc mua đề với tôi giống như mua thêm tài liệu tự học vì số lượng đề rất nhiều và không thể nhớ hết, may mắn thì trúng, không thì thôi. Thay vì tốn chục triệu ở các trung tâm, tôi chỉ mất vài triệu, luyện đề vài tháng cho quen tay rồi đi thi. Như thế hời hơn”.

Từng không giỏi tiếng Anh, N.L.T.V (sinh viên năm 4, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) vừa thi IELTS hồi tháng 7 và đạt thang điểm 6.5 sau 8 tháng ôn tập kiến thức, cùng 2 tháng luyện thi. Dành gần 1 năm “cày” chứng chỉ quốc tế để nộp xét tốt nghiệp ra trường, V. cảm thấy việc mua đề “không công bằng” với những TS chọn thử thách bằng chính năng lực mình.

“Tôi đã nghe nhiều lần từ bạn bè nhưng nghĩ đây là kỳ thi quốc tế nên tin tưởng. Tuy nhiên, tôi dần nghi ngờ sau khi thấy vài trang bán trên mạng, và từng cân nhắc mua đề nhưng ngẫm lại thấy rất vô nghĩa. Nếu chịu khó học thì sẽ thu được lượng kiến thức tốt, cảm giác thi bằng thực lực cũng “đã” hơn”, V. nói, đồng thời lưu ý “thị trường bán đề ai cũng biết, nhưng không ai lên tiếng”.

Dành 1 năm ôn luyện cùng gia sư với hy vọng đạt kết quả như ý trong kỳ tuyển sinh ĐH, Biện Bảo Anh (lớp 12TH1, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) đã “làm chủ” 8.0 IELTS trong lần thi đầu tiên.

Coi chừng bị cấm thi

Theo thầy Quang Kiên, nếu điểm các kỹ năng của TS có sự chênh lệch lớn (từ 1.5 trở lên), bài làm sẽ được chấm lại rất kỹ, và có rất nhiều trường hợp bị tạm giữ 1 tháng để điều tra dấu hiệu gian lận. “Riêng ở phần thi nói, nếu bị liệt vào lỗi học thuộc đáp án, điểm của TS thường sẽ rất thấp”, nam giáo viên chia sẻ kinh nghiệm.

Thạc sĩ Đình Lực cũng lưu ý thêm việc mua đề không chỉ rủi ro ở hiện tại, mà còn thiệt hại cho tương lai về sau. “Đơn vị tổ chức thi như Hội đồng Anh và IDP sẽ có những chế tài xử phạt TS nếu phát hiện gian lận như hủy kết quả hoặc cấm thi từ vài năm cho đến vĩnh viễn”, anh cảnh báo.

Khi thấy “tràn lan” video trên TikTok về việc mua đề IELTS “thật” với giá trên trời, Bảo Anh cũng thấy “không công bằng” với những TS chọn thi trung thực. “Bằng IELTS đang mất đi giá trị vì dù đây là “minh chứng” cho năng lực tiếng Anh của mỗi người, nhưng một số cá nhân có thể dùng tiền để “định giá” năng lực ấy”, nữ sinh bức xúc, cho hay đề “dự đoán” khá phổ biến trong giới luyện thi.

Trần Gia Linh (lớp 12A11, Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM) dự định thi vào cuối năm nay với mục tiêu 7.0, dù mới ôn luyện 5 tháng. “Em phải lấy được chứng chỉ sớm để xét học bạ và nộp hồ sơ du học”, Linh giải thích.

Theo nữ sinh, việc mua đề IELTS “thật” không hiếm gặp trong cộng đồng luyện thi. “IELTS đang dần trở nên phổ biến vì những lợi ích mà nó đem lại trong công việc cũng như học tập. Việc gian lận thi cử, nếu trở thành hiện tượng, sẽ không khỏi khiến em cũng như những người thật sự ôn luyện bức xúc vì bất công”, Linh nói.

Học sinh tự học IELTS tại nhà

NGỌC LONG

Gây hậu quả trong việc học ngoại ngữ

Là một trong số ít người đạt thang điểm tối đa 9.0 IELTS tại VN, thầy Luyện Quang Kiên, giáo viên luyện thi, thú nhận từng được một bên cung cấp dịch vụ bán đề “thật” liên hệ “hợp tác”. “Tôi lập tức bị chặn do từ chối. Cá nhân tôi chưa gặp đồng nghiệp hay học viên mua đề nên đánh giá việc này không phổ biến ở hiện tại, nhưng đáng bị lên án”, thầy Kiên khẳng định.

Tuy vậy, thầy Kiên cũng quan ngại khi có những trang, nhóm sở hữu audio nghe của bài thi IELTS, là loại tài liệu do IELTS tự thiết kế và ghi âm, cũng như không phát hành bên ngoài. “Tôi cũng từng thấy một nhóm đăng đề bài đọc có nội dung y hệt bài tôi từng thi trước đó, giống đến từng chữ và câu hỏi. Để nhớ được chính xác đến vậy là điều không tưởng”, thầy Kiên nói, đồng thời cho hay “khả năng trúng tủ là có thật, nhưng không cao” với loại đề “dự đoán”.

Quan sát thực tế, nam giáo viên nhìn nhận nhiều người dang dở giấc mơ du học hoặc ra trường vì thiếu điểm IELTS, và bên bán đề đánh vào đúng tâm lý cần điểm nhanh, cao để trục lợi. Tuy nhiên, điều này để lại nhiều hậu quả. “Điển hình như du học không theo nổi chương trình, hay ra trường khó áp dụng hiệu quả trong công việc. Xa hơn nữa là thái độ học ngoại ngữ có thể bị ảnh hưởng do tâm lý mua là được”, thầy Kiên trăn trở.

“Trúng tủ” nhưng bị phát hiện gian lận

Điều quan trọng nhất khi ôn thi IELTS, theo thầy giáo Hà Nội, là xây dựng nền tảng tiếng Anh vững qua thời gian dài luyện tập. “Cần nhớ rằng việc nghe, đọc hằng ngày, viết nhật ký hay tự kể lại những gì trong ngày sẽ có kết quả cao hơn rất nhiều so với một tuần chỉ dành một ngày để học, còn lại không ôn gì”, giáo viên 9.0 IELTS lưu ý.

Đề “thật” có thể đến đâu ?

Khi được hỏi về nguồn đề “VIP”, N.L.T.V (sinh viên năm 4, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) nhìn nhận “có nhiều giả thiết khác nhau” trên mạng. “Có người bảo đề lấy từ Trung Quốc vì bên ấy thi trước VN một ngày. Cũng có nơi nói rằng trong mỗi ngày thi thì đề đều dùng chung cho cả thế giới nên những đối tượng bán mua từ những nước có múi giờ sớm hơn”, V. kể.

N.T.P, đạt 8.5 IELTS và có kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy tại các trung tâm tiếng Anh, đã chứng kiến một trường hợp học viên lớn tuổi giao dịch trực tiếp với bên bán đề thông qua Zalo, trong đó trình bày rõ quy trình và các bước mà người mua cần thực hiện để đảm bảo đúng thang điểm như ý.

Anh P. chia sẻ: “Tôi được nghe kể số tiền bỏ ra tương ứng với khả năng trúng đề, tức chi càng đậm, trúng càng dễ. Nhưng đây vẫn là trò chơi may rủi mà người thiệt thòi nhất chính là học viên. Thay vì mua đề, vào giai đoạn nước rút, TS nên phân bổ thời gian hợp lý hơn cho cả 4 kỹ năng vì bài thi với bài tập không khác nhau là mấy”.

Dưới góc độ quản lý, thạc sĩ Lê Đình Lực, Giám đốc hệ thống Anh ngữ DOL English, cho hay cũng biết đến thị trường mua bán đề IELTS “thật”, và nhận xét vụ việc “cực kỳ nghiêm trọng”. “Trường hợp mua đề thành công là có, tôi từng chứng kiến các bạn “trúng tủ” kỹ năng đọc và nghe, chỉ học thuộc đáp án rồi chép. Nhưng vì thi nói và viết quá tệ, có sự chênh lệch điểm nên đã bị phát hiện gian lận và cấm thi”, anh Lực nói.

“IELTS sinh ra để đánh giá khả năng ngôn ngữ, tư duy và kiến thức tiếng Anh của TS trong môi trường học thuật, làm việc. Nếu mua đề thì mục tiêu của bài thi đã không được hiện thực hóa. Tôi cũng lo lắng vì như thế không được gì ngoài tấm bằng để làm đẹp hồ sơ”, thạc sĩ Lực kết luận, cho hay thực tế tại trung tâm của anh, học viên bị cấm mua những loại đề thi IELTS “thật”. (còn tiếp).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.