Hồng Hạnh: Từng bị ‘bắt lỗi’ khi hát ‘Diễm xưa’ trên đất Nhật

28/03/2024 22:24 GMT+7

Trong 'Kính đa chiều', ca sĩ Hồng Hạnh kể kỷ niệm một người đàn ông góp ý khi cô hát ca khúc 'Diễm xưa' bằng tiếng Nhật.

Hồng Hạnh: Từng bị ‘bắt lỗi’ khi hát ‘Diễm xưa’ trên đất Nhật- Ảnh 1.

Ca sĩ Hồng Hạnh tiết lộ có thể làm album nhạc Nhật nhưng không biết bán cho ai

BTC

Ca sĩ Hồng Hạnh là con gái của đôi song ca Nguyễn Hữu Thiết - Ngọc Cẩm. Từ năm 16 tuổi, cô bắt đầu đi hát và trở thành ca sĩ của dòng nhạc nhẹ. Sau đó, nữ nghệ sĩ còn được Trịnh Công Sơn ưu ái làm album Này em có nhớ.

Thời điểm nữ ca sĩ gắn bó với Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM, Hồng Hạnh được đi lưu diễn các nước. Trong một lần sang Nhật, cô bén duyên với người chồng ngoại quốc. Sau đó, nữ ca sĩ có khoảng thời gian sống và biểu diễn nghệ thuật tại xứ sở hoa anh đào.

Trước câu hỏi của đạo diễn Lê Hoàng về cách đưa âm nhạc Việt Nam vươn ra thế giới, ca sĩ Hồng Hạnh cho rằng phải làm từng bước một. Lấy ví dụ từ chính bản thân, cô chia sẻ thời điểm ra mắt album Diễm xưa phiên bản tiếng Nhật thì đã có nhiều người Việt sang hoạt động nhưng không được hiệu quả. “Lúc sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn quen biết rất nhiều người Nhật, trong đó có cô viết lời bài hát Diễm xưa sang tiếng Nhật là Utsukushii Mukashi. Tôi rất thích bài đó nên tôi lấy bài này và ghi trên bìa tên Utsukushii Mukashi để tặng các đối tác”, Hồng Hạnh chia sẻ.

Hồng Hạnh: Từng bị ‘bắt lỗi’ khi hát ‘Diễm xưa’ trên đất Nhật- Ảnh 2.

Hồng Hạnh cho rằng muốn "xuất khẩu" âm nhạc sang nước ngoài phải cần chiến lược

BTC

Đến khi được mời sang Nhật để biểu diễn năm 2014, cô mới được một người Nhật nhận xét về lỗi lớn mà cô vô tình mắc phải. Nữ nghệ sĩ bày tỏ: “Có một người đàn ông Nhật nói với tôi rằng có một lỗi rất lớn, là khi họ nghe bài Diễm xưa cứ ngỡ là mỹ từ mà không biết đó là tên một cô gái. Có nghĩa khi mình hát một ca khúc thì phải cắt nghĩa cho khán giả biết về nguồn gốc bài hát”.

Theo “người đàn bà xõa tóc hát tình ca”, để hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài cần có sự hỗ trợ từ nhiều người, bao gồm nhạc sĩ sáng tác giai điệu phù hợp với thị trường. Ngoài ra, để “xuất khẩu” âm nhạc sang Nhật cũng rất khó vì chi phí ở đất nước mặt trời mọc rất đắt đỏ, thậm chí phải thu âm ngay tại nơi này để phù hợp với tần số ở nước sở tại. “Có nhiều người khuyên tôi nếu muốn nhắm đến thị trường Nhật Bản thì tôi phải sang đây lúc nhỏ. Tương tự nền âm nhạc ở Hàn Quốc, muốn trở thành thần tượng thì phải đào tạo từ lúc nhỏ”, cô nói.

Ca sĩ Hồng Hạnh chia sẻ vào thời điểm năm 2003, cô có điều kiện sang Nhật nhiều lần và được bạn bè tại đây ủng hộ khi dịch nhiều bài hát tiếng Việt sang tiếng Nhật như Thì thầm mùa xuân, Gửi người tôi yêu, Tình ca cho em, Ở trọ, Đừng xa em đêm nay,… Do đó, ca sĩ Hồng Hạnh có thể ra mắt album tổng hợp những bản hit của cô bằng tiếng Nhật nhưng giả sử khi hoàn thành, nữ ca sĩ chỉ có thể bán cho một số người Nhật đã biết đến cô mà không thể tiếp cận số đông khán giả tại thị trường âm nhạc này. Vì vậy, ca sĩ Hồng Hạnh đồng tình rằng muốn “xuất khẩu” âm nhạc thì cần phải có chiến lược chứ không chỉ dựa vào một tài năng hay chỉ qua vài chuyến lưu diễn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.