Tờ South China Morning Post ngày 30.3 dẫn lời Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho hay Hồng Kông dự định sẽ tổ chức bầu cử Hội đồng Lập pháp vào tháng 12, sau khi hoãn hơn 1 năm do đại dịch Covid-19.
Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Lâm cho biết Hội đồng Lập pháp hiện tại, với nhiệm kỳ được gia hạn thêm 1 năm do hoãn bầu cử, sẽ tiếp tục làm việc cho đến cuối tháng 10.
Trước đó vào cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc đã thông qua kế hoạch cải cách bầu cử Hồng Kông, lần đầu tiên thay đổi kể từ khi Anh trao trả Hồng Kông vào năm 1997.
Theo đề xuất được thông qua với 167 phiếu thuận và không có phiếu chống, Ủy ban Bầu cử tại Bắc Kinh sẽ có thẩm quyền mới là chọn 40 đại biểu trong Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, và cơ quan này gia tăng từ 70 lên 90 ghế.
Ông Đàm Diệu Tông, ủy viên duy nhất đại diện Hồng Kông tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, cho biết sẽ có 30 ghế được bầu cử theo nghiệp đoàn, trong khi số ghế bầu cử trực tiếp theo khu vực chỉ còn 20 ghế, thay vì 35 ghế như trước.
Đáng chú ý, quy định mới đưa ra một ủy ban thẩm tra tư cách ứng viên, và quyết định của ủy ban này là không thể khiếu nại. Ông Đàm cho hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua đã ký ban hành quy định mới, có hiệu lực từ ngày 31.3.
Tại cuộc họp báo, bà Lâm bác bỏ các quan ngại về mâu thuẫn lợi ích khi bà làm thành viên ủy ban thẩm tra, hay bà có thể tự ý quyết định tư cách ứng viên.
Bên cạnh đó, bà cho rằng Bắc Kinh đã chân thành khi cho Hồng Kông quyền phổ thông đầu phiếu, nhưng các chính trị gia đối lập đã bác bỏ những nỗ lực cải cách trước đó. Với tình trạng bất ổn xã hội trong vài năm qua, Bắc Kinh không có lựa chọn nào khác ngoài việc cải cách hệ thống bầu cử, bà phát biểu.
Bà “hoàn toàn chắc chắn” rằng Hồng Kông vẫn có thể tiến tới phổ thông đầu phiếu sau những sửa đổi, nếu đặc khu này vẫn theo cơ chế “một quốc gia, hai chế độ”.
Bình luận (0)