Hỏng màn hình MacBook vì miếng che camera giá vài chục nghìn đồng

17/04/2022 12:37 GMT+7

Miếng nhựa che camera hay vật thể lạ làm kênh máy khi đóng nắp cũng có thể khiến người dùng mất hơn 10 triệu đồng để thay màn hình MacBook mới.

Màn hình MacBook là một trong những linh kiện đắt tiền nhất khi phải thay thế trên dòng máy tính xách tay của Apple. Giá tùy đời máy và kích thước, nhưng thường không dưới 10 triệu đồng mỗi màn và cũng tương đối dễ hư hỏng trong quá trình sử dụng.

Khoảng cách giữa màn hình MacBook và bàn phím khi gập máy vô cùng nhỏ

IFixit

Do Apple thiết kế khoảng cách giữa màn hình và cụm mâm bàn phím của MacBook rất khít để khi đóng máy khoảng hở là tối thiểu, việc xuất hiện bất kỳ dị vật nào trong không gian này đều dễ dàng tác động làm vỡ phần kính bảo vệ màn hình, đồng thời gây hư tấm nền hiển thị. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người dùng vẫn không để ý tới mối nguy này và vô tư đóng nắp thiết bị trong tình trạng ít kiểm tra vật thể lạ có dính ở màn hình hay nằm trên bề mặt phím hay không. Chỉ cần một mẩu đầu bút chì vô tình văng ra, hạt cát có kích thước lớn hơn bình thường hay bất kỳ vật cứng nào cũng có thể khiến khổ chủ mất cả chục triệu đồng để khắc phục hậu quả.

Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể đang vô tình gia tăng rủi ro cho mình khi sử dụng các tấm che camera laptop - sản phẩm dù được quảng cáo rất mỏng nhưng vẫn đủ dày để làm MacBook đóng lại không đúng thiết kế của nhà sản xuất.

Trên thị trường hiện bán khá nhiều tấm che camera bằng nhựa mà ai cũng có thể dễ dàng mua từ những sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, website với giá chỉ từ hơn 10.000 đồng tới 20.000 đồng/tấm. Sản phẩm có thiết kế là một miếng nhựa mỏng, có nắp gạt, được dán trực tiếp vào khu vực chứa camera phía trên màn hình MacBook nhằm đóng bộ phận này lại khi không sử dụng, và dễ dàng mở ra lúc cần dùng camera chỉ với một thao tác gạt đơn giản.

Bắt nguồn từ lo lắng của người dùng về sự riêng tư khi sử dụng máy tính có kèm camera có nguy cơ bị tin tặc âm thầm tấn công và bật camera để theo dõi hoặc chụp ảnh chân dung hay ghi lại những khoảnh khắc nhạy cảm, một số nhà sản xuất (đặc biệt là từ Trung Quốc) đã tạo ra miếng che camera với giá siêu rẻ. Công cụ này rõ ràng có tác dụng như quảng cáo, giúp người dùng chủ động kiểm soát việc sử dụng camera, nhưng cả nhà sản xuất lẫn người bán đều không đề cập tới rủi ro làm vỡ, hư hỏng màn hình máy tính khi đóng nắp máy bị kênh lên vì độ dày tăng thêm so với thiết kế.

Lê Vân, thành viên một diễn đàn công nghệ tại Việt Nam cho biết bạn của cô đã bị nứt màn hình MacBook Air chỉ vì miếng dán mua với giá 10.000 đồng trên mạng. Chi phí để thay thế màn hình mới lên tới 12 triệu đồng. Ngoài nguy cơ gây nứt, vỡ, màn hình khi bị cấn còn dễ dẫn tới khả năng bị chảy mực, xuất hiện các sọc màu. Rủi ro này càng tăng cao ở các dòng máy có viền màn hình mỏng.

Không chỉ tăng nguy cơ nứt, vỡ màn hình, các tấm che có phần gạt còn chứa rủi ro làm xước camera bởi trong quá trình hoạt động, các hạt bụi nhỏ dễ dàng lọt vào những khe hở và khi trượt tấm chắn sẽ ma sát trên bề mặt.

Tấm che camera giá rẻ rất dễ tìm mua trên mạng

Chụp màn hình

Một vài hãng máy tính sử dụng hệ điều hành Windows đã thiết kế nút gạt che camera ngay trên sản phẩm để người dùng không phải mua thêm thiết bị từ bên ngoài, đồng thời đảm bảo an toàn khi tuân thủ đúng thiết kế sản xuất, tuy nhiên sự sáng tạo này bị đánh giá thấp vì tính thẩm mỹ. Và điều này trái với xu hướng thiết kế của Apple.

Cách nay không lâu, "táo khuyết" cũng lên tiếng chính thức cảnh báo về việc sử dụng vật che camera có thể gây hư hỏng đối với màn hình MacBook. Cụ thể, hãng nhấn mạnh việc đóng laptop khi đang sử dụng tấm che camera có thể gây ra thiệt hại bởi "khoảng cách giữa màn hình và bàn phím được thiết kế với dung sai rất thấp. Đồng thời, che camera có thể ảnh hưởng tới cảm biến khiến tính năng điều chỉnh ánh sáng tự động không thể làm việc".

Nếu người dùng lo lắng về sự riêng tư khi máy tính có camera, Apple khuyến khích họ chú ý tới đèn báo bên cạnh bộ phận này. Khi camera trên MacBook đang hoạt động, đèn sẽ sáng (xanh) để người dùng có thể nhận biết dễ dàng. "Chúng tôi đã thiết kế để đèn báo luôn bật mỗi khi dùng camera. Bằng cách này người dùng có thể biết liệu bộ phận có đang hoạt động hay không". Bên cạnh đó, chủ máy cũng có thể điều chỉnh, cấp phép cho từng ứng dụng được sử dụng camera trong phần cài đặt hệ thống.

Theo khuyến cáo của Apple, người dùng có thể che camera bằng vật liệu có độ dày không lớn hơn giấy in thông thường (tức 0,1 mm). Như vậy, người dùng có thể che camera nếu cần, nhưng không được dùng vật liệu hay tấm dán dày.

Một số người thường xuyên phải che camera tư vấn cách an toàn để bảo vệ màn hình MacBook mà vẫn đảm bảo riêng tư là sử dụng băng dính để dán vì vật liệu này mỏng, đồng thời đủ mềm, có độ đàn hồi nhất định khi bị ép trong không gian hẹp. "Băng dính hai mặt chỉ bóc một phần, băng dính giấy là lựa chọn tốt vì khi bóc ra không để lại vết keo trên bề mặt. Nếu muốn thẩm mỹ hơn có thể chọn các sticker (nhãn dán) cỡ nhỏ, miễn sao phải thật mỏng", một người dùng chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.