Hợp đồng ‘khủng’ có dễ thành công ở Premier League?

21/06/2022 08:01 GMT+7

Darwin Nunez là bản hợp đồng 85 triệu bảng đầu tiên vừa được ký kết ở Premier League trong “cửa sổ mùa hè” 2022.

Bóng đá đỉnh cao xưa nay chỉ có 14 bản hợp đồng có giá chuyển nhượng cao như thế, riêng tại Premier League thì Nunez (Liverpool) là cầu thủ có giá chuyển nhượng cao thứ 4 sau Paul Pogba (M.U), Romelu Lukaku (Chelsea) và Jack Grealish (Man.City). Tăng cường được ngôi sao đắt giá thì dĩ nhiên là vui rồi. Nhưng cần lưu ý: hợp đồng “khủng” và hiệu quả về mặt chuyên môn là hai điều hầu như không hề liên quan, thậm chí trái ngược với nhau trong đa số trường hợp. Hãy xem các bản hợp đồng lớn nhất xưa nay ở Premier League đem lại điều gì cho CLB của họ.

Harry Maguire (phải), bản hợp đồng thất vọng của M.U

AFP

Pogba (94 triệu bảng) là nỗi hổ thẹn của M.U trong khi Lukaku (90 triệu bảng) là một thảm họa ở Chelsea mùa trước - đấy là hai trường hợp quá rõ ràng. Người ta thường không tranh cãi về mức độ thất bại của Lukaku, mà chỉ cố lý giải vì sao anh gây thất vọng như thế sau khi thành công ở Inter. Vấn đề lối chơi được bàn đến nhiều, nhất là khi Lukaku vốn đã tỏ ra tầm thường ở M.U trước khi đến Inter. Có lẽ tiền đạo người Bỉ không quen với môi trường bóng đá có tốc độ “chóng mặt” như Premier League. Anh chỉ ghi bàn đều đặn ở Inter và đội tuyển Bỉ.

So với Lukaku thì Pogba còn tệ hơn nhiều, dù cũng có lúc anh này tỏa sáng trong lĩnh vực kiến tạo. Những lúc chơi không thành công, Pogba nêu một tấm gương rất xấu về tinh thần đồng đội và ý thức kỷ luật. Chịu phạt đền vì dùng tay che mặt hoặc phạm lỗi một cách ngớ ngẩn, chuyền ra ngoài đường biên như cố ý trêu ngươi, thôi thì đủ kiểu “phá team”. Nếu như vấn đề của Lukaku nằm ở lối chơi, thì sự lố lăng của Pogba lại liên quan đến báo giới và nhà đại diện (đã qua đời) Mino Raiola. Họ dẫn dắt dư luận, khiến Pogba trở thành ngôi sao to hơn giá trị thực.

Cầu thủ đắt giá nhất Premier League xưa nay là Jack Grealish (100 triệu bảng), và anh vẫn đang loay hoay chứng tỏ giá trị của mình sau 1 năm khoác áo Man.City. Không đến nỗi thất bại (đứng trong hàng ngũ gồm toàn ngôi sao của Pep Guardiola mà muốn thất bại thì… cũng khó). Nhưng Grealish chỉ tỏ ra mờ nhạt, thậm chí còn chưa khẳng định được chỗ đứng, vai trò ở Man.City. Đây là trường hợp phức tạp bởi chính Guardiola thường gây khó khăn cho các ngôi sao vừa gia nhập đội bóng, do cách huấn luyện cầu kỳ, đòi hỏi cầu thủ mới phải có thời gian hòa nhập.

Kai Havertz (Chelsea, 72 triệu bảng) cũng là trường hợp không đến nỗi thất bại, trong khi Virgil Van Dijk (Liverpool, 75 triệu bảng) là ngôi sao duy nhất thật sự thành công trong “top 10” về giá chuyển nhượng ở Premier League. Giá trị lớn nhất mà Havertz từng thể hiện ở Chelsea là anh ghi bàn quyết định giúp đội này vô địch Champions League. Rồi khi Havertz sút thành công quả phạt đền đưa Chelsea lên ngôi vô địch FIFA Club World Cup thì anh được gắn mác là ngôi sao chuyên ghi bàn trong các trận đấu lớn. Kỳ thực, đấy chỉ là giá trị mơ hồ (bao nhiêu năm thì một đội bóng mới có vinh dự đá những “trận đấu lớn”, kiểu chung kết Champions League?).

Van Dijk góp công lớn đưa Liverpool lên hẳn một đẳng cấp cao hơn ngay từ khi anh xuất hiện. Các danh hiệu vô địch Champions League và Premier League của Liverpool đều gắn liền với dấu ấn rõ ràng của trung vệ này. Do vậy, người ta hy vọng Darwin Nunez cũng sẽ tiếp bước Van Dijk. Ngôi sao mà HLV Juergen Klopp đã chọn mua về Liverpool thì không thể là “hàng dỏm”, không gặp rắc rối về lối chơi.

M.U thuộc về thái cực ngược lại. Phó chủ tịch điều hành (đã nghỉ từ giữa mùa bóng trước) Ed Woodward bị cho là mù tịt về bóng đá, và đó là nguyên nhân vì sao các cầu thủ đắt giá như Pogba, Harry Maguire (80 triệu bảng), Jadon Sancho (73 triệu bảng) đều thất bại khi đến M.U. Hai cái tên cuối cùng trong danh sách 10 ngôi sao đắt giá nhất Premier League xưa nay - Kepa (Chelsea, 72 triệu bảng) và Nicolas Pepe (Arsenal, 72 triệu bảng) cũng đều là các trường hợp thất bại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.