Hợp đồng lao động gộp thời gian thử việc, công ty có phải đóng BHXH luôn không?

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
19/03/2023 08:49 GMT+7

Người lao động có thời gian thử việc ghi trong hợp đồng lao động, mà hợp đồng này thuộc diện tham gia BHXH, thì phải đóng BHXH cho cả thời gian thử việc.

"Theo điều 24 bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.

Nếu công ty tôi ký hợp đồng lao động gộp cả thời gian thử việc vào thì công ty tôi có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc cho người lao động trong thời gian thử việc hay không?

Ngoài ra, cũng có trường hợp trong thời gian thử việc và người lao động không đạt yêu cầu hoặc tự nghỉ việc. Song công ty đã đóng BHXH bắt buộc rồi, vậy lúc này công ty có phải điều chỉnh lại vì không đủ thời gian được đảm bảo tham gia BHXH hay không?"

Đại diện một công ty chuyên xuất nhập khẩu hàng hóa tại Q.1, TP.HCM, gửi thắc mắc đến Thanh Niên. Đây cũng là một trường hợp phía công ty lúng túng nếu ký hợp đồng lao động với người lao động thử việc.

Hợp đồng lao động gộp thời gian thử việc, công ty có phải đóng BHXH luôn không? - Ảnh 1.

Người lao động thử việc sẽ được đóng BHXH bắt buộc nếu họ và công ty hòa thuận về nội dung thử việc được ghi trong hợp đồng lao động

XUÂN KHÁNH

Cơ quan BHXH giải đáp

BHXH TP.HCM cho biết, căn cứ luật BHXH năm 2014, bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản liên quan, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp động lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc.

Còn người lao động làm việc theo hợp đồng thử việc không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.

Trường hợp người lao động có thời gian thử việc ghi trong hợp đồng lao động, mà hợp đồng đó thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, thì người sử dụng lao động và người lao động phải đóng BHXH bắt buộc cho cả thời gian thử việc.

Đồng thời, căn cứ theo quy định tại điều 85 luật BHXH năm 2014, người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH của tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu, người lao động nghỉ việc, công ty căn cứ quy định này để đóng BHXH cho người lao động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.