Pháp và VN đều là những quốc gia nổi tiếng về ẩm thực. Việc hai nước tăng cường giao lưu, hợp tác ở lĩnh vực này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp. PV Thanh Niên đã trao đổi với Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại VN (CCIFV) Guillaume Crouzet nhân dịp Lễ hội Ẩm thực Pháp Balade en France được tổ chức tại TP.HCM vào hai ngày 26 và 27.10.
Ông nhận định thế nào về những chuyển biến của ngành nhà hàng và thực phẩm tại VN?
|
Việc kinh doanh nhà hàng tại VN ngày càng trở nên đa dạng. Những quán ăn, nhà hàng nhỏ mang tính gia đình như truyền thống xưa nay vẫn tiếp tục phát triển. Song song đó là sự xuất hiện của nhiều nhà hàng cao cấp hoặc các chuỗi cửa hàng của các công ty VN và nước ngoài. Những biến chuyển này cũng khiến ngành thực phẩm phải thay đổi theo để phù hợp với nhu cầu của thị trường: các nhà hàng có yêu cầu cao hơn về chất lượng nguyên vật liệu, số lượng dự trữ, điều kiện vệ sinh…
Những thay đổi này có giúp doanh nghiệp Pháp mạnh dạn đầu tư hơn vào VN?
Thị trường ẩm thực của các bạn đang rất thu hút doanh nghiệp Pháp. Không chỉ tập trung mở các nhà hàng sang trọng, họ cũng chú ý đến những phân khúc bình dân hơn. Bên cạnh đó, các công ty lớn của chúng tôi cũng tăng dần sự hiện diện tại VN như các nhà sản xuất phô mai, sô cô la, nước trái cây, men bánh mì… Nhìn chung doanh nghiệp có liên quan đến những lĩnh vực này chiếm một phần đáng kể trong tổng số 350-400 công ty Pháp ở VN.
|
Một trong những thử thách lớn nhất của các nhà hàng Pháp là làm sao thuyết phục được thực khách VN. Nền ẩm thực của các bạn rất đặc sắc nhưng về khẩu vị, nguyên vật liệu… rất khác biệt với chúng tôi. Do đó, để người VN làm quen và chấp nhận những món như phô mai, bánh crêpe, không phải chuyện đơn giản. Ngoài ra, CCIFV đang hướng đến mục tiêu thay đổi quan niệm lâu nay của không ít thực khách rằng ẩm thực Pháp đồng nghĩa với cao cấp, đắt tiền. Pháp vẫn có những món ăn rất đời thường. Lễ hội Balade en France cũng nhằm mục đích đưa ẩm thực xứ Gaulois trở nên gần gũi hơn với người VN.
|
Ông có thể cho biết về triển vọng hợp tác kinh doanh giữa các công ty VN và Pháp trong ngành nhà hàng và thực phẩm? CCIFV có những hoạt động gì giúp giới thiệu ẩm thực VN tại Pháp?
Quan hệ lâu năm giữa VN và Pháp là một lợi thế rất lớn. Các doanh nghiệp VN muốn tìm cơ hội hợp tác với Pháp trong những lĩnh vực nói trên có thể đến văn phòng CCIFV để được tư vấn. Chúng tôi thường xuyên tiếp đón các doanh nghiệp Pháp đến tìm hiểu thông tin về thị trường và đối tác VN nên sẵn sàng trở thành cầu nối cho cả 2 phía.
Việc hỗ trợ các công ty VN tiếp cận thị trường Pháp cũng là nhiệm vụ của CCIFV. Năm 2011, siêu thị Casino đã tổ chức một tuần lễ thực phẩm VN tại Paris và được khách hàng ủng hộ rất nhiệt tình. Hội chợ Ẩm thực chuyên nghiệp lớn nhất thế giới SIAL vừa được tổ chức ở Paris cũng có sự tham gia của một số doanh nghiệp VN. Chúng tôi cũng dự tính tổ chức một chuyến thăm dò, tìm hiểu thị trường Pháp trong thời gian sắp tới cho các công ty VN.
Tiềm năng rất lớn Với kinh nghiệm về quản lý ngành nhà hàng khách sạn tại Thụy Sĩ, Canada, Anh, Mỹ, ông Albin Deforges, Giám đốc nhà hàng Pháp La Crêperie, nhận định với Thanh Niên: “Thị trường kinh doanh ẩm thực của các bạn có tiềm năng rất lớn. So với lúc tôi vừa đặt chân đến VN cách đây 8 năm, mọi thứ đều đã thay đổi. Điểm khác biệt lớn nhất là về chất lượng. Trước đây, những nhà hàng Pháp, Ý nhắm chủ yếu vào khách hàng là người nước ngoài sinh sống tại VN. Chỉ cần quán của bạn có chất lượng món ăn tương đối ổn, phục vụ tốt, mọi việc sẽ rất thuận lợi vì không có nhiều đối thủ. Nay sự cạnh tranh đã cao hơn hẳn nhưng bù lại, thành phần khách hàng cũng mở rộng hơn. Nhờ kinh tế phát triển, các khách hàng VN, đặc biệt là giới trẻ, ngày càng trở thành đối tượng chủ yếu của chúng tôi. Những người này có điều kiện du lịch nhiều hơn, dễ dàng chấp nhận các nền ẩm thực khác biệt hơn và chịu chi tiền để có được những trải nghiệm mới. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa thực khách sẽ trở nên khắt khe hơn về chất lượng và thúc đẩy các nhà hàng hoạt động chuyên nghiệp hơn. Cũng vì thế, nhiều nhà hàng nước ngoài ở VN đang phát triển theo hướng chuyên biệt hóa. Chẳng hạn, nhà hàng Pháp nhưng sẽ không làm đồ Pháp chung chung mà có nơi chuyên về các món bò, nơi lại chuyên về bánh crêpe…” . |
Lan Chi
>> Những người vinh danh ẩm thực Việt
>> Ẩm thực khi đi du lịch
>> Chuẩn hóa ẩm thực Việt
>> Ẩm thực cung đình
>> TS Vũ Thế Long, Tổng thư ký Hội Ẩm thực: “Hà Nội là tiệm buffet khổng lồ”
>> Văn hóa ẩm thực của Bác Hồ
Bình luận (0)