Hợp tác quốc tế giải quyết suy kiệt nguồn nước

Chí Hiếu
Chí Hiếu
24/04/2022 07:33 GMT+7

Hôm qua (23.4), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự theo hình thức trực tuyến và có bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4 khu vực châu Á - Thái Bình Dương về nước, theo lời mời của Thủ tướng nước chủ nhà Nhật Bản Kishida Fumio.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh những tác động cộng hưởng chưa từng có của các thách thức mang tính toàn cầu như đại dịch Covid-19, thiên tai, biến đổi khí hậu, khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong đó có tài nguyên nước, đã và đang để lại những hệ lụy to lớn, nhiều mặt cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trực tuyến với hội nghị

Nhật Bắc

Thủ tướng khẳng định để chủ động ứng phó, giảm thiểu tác động tiêu cực của những thách thức này, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững, bao trùm và xuyên quốc gia, nhất là quá trình phục hồi sau đại dịch, nỗ lực của mỗi quốc gia là yếu tố then chốt, quyết định, nhưng hợp tác quốc tế là quan trọng và đột phá. “Đây là những vấn đề toàn cầu nên đòi hỏi phải có cách tiếp cận, giải pháp toàn cầu và tăng cường hơn nữa đoàn kết, hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương”, Thủ tướng chia sẻ và đề xuất 3 nhóm biện pháp để triển khai tại khu vực.

Một là, tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế cởi mở, minh bạch, thực chất, cùng có lợi; cộng đồng quốc tế cùng thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết quốc tế về tài nguyên nước, nhất là mục tiêu phát triển bền vững của LHQ đến năm 2030, Thỏa thuận Paris và cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ (COP26) về biến đổi khí hậu, Khung hành động Sendai về giảm rủi ro thiên tai.

Thứ hai, đề nghị Nhật Bản và các nước phát triển quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ các nước đang phát triển về kinh nghiệm, tài chính, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực, điều tra cơ bản và quy hoạch sử dụng nước nhằm quản lý hiệu quả, khai thác bền vững và phân bổ công bằng tài nguyên nước; ưu tiên quản lý bền vững và bảo vệ các hệ sinh thái với các giải pháp thuận theo tự nhiên, hài hòa với thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học; bảo đảm công bằng công lý trong giải quyết các vấn đề liên quan nước.

Thứ ba, tăng cường hợp tác và hỗ trợ hoạt động của các tổ chức, cơ chế hợp tác về quản lý lưu vực sông xuyên biên giới như Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế và các cơ chế hợp tác lưu vực sông khác; tập trung thúc đẩy các giải pháp toàn diện bao gồm chuyển đổi số, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp và người dân, đẩy mạnh hợp tác công - tư, tăng cường quản trị nước thông minh…

Đối với VN, Thủ tướng cho biết VN luôn xác định nước là nguồn tài nguyên chiến lược, cần được quản lý, khai thác, sử dụng phù hợp, an toàn, đảm bảo vệ sinh, hiệu quả để thúc đẩy phát triển theo hướng xanh, tuần hoàn và bền vững; bảo đảm hài hòa, hợp lý giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; không đánh đổi an sinh xã hội và môi trường sống, an ninh nguồn nước để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

“VN đã và sẽ luôn tích cực tham gia và đóng góp vào nỗ lực chung trên mọi cấp độ hợp tác quốc tế, nhất là với các quốc gia có chung nguồn nước với VN như Lào, Campuchia, Trung Quốc và các đối tác quốc tế khác”, Thủ tướng cam kết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.