Hợp tác y tế công - tư, có xung đột lợi ích?

Duy Tính
Duy Tính
29/03/2019 20:23 GMT+7

Việt Nam có ưu thế trong thu thút đầu tư y tế công, nhưng cần đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận tiện cũng như cơ chế cạnh tranh công bằng để các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực y tế.

Ngày 29.3, tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo chuyên đề “Ngành y tế cần làm gì để thu hút đầu tư?”.
Nói về triển vọng của ngành y tế Việt Nam trong thu thút đầu tư tư nhân vào y tế công (hợp tác PPP) , bác sĩ Dilshaad Ali, cố vấn chuyên môn của Công ty TNHH DG Medical (nhà cung cấp các giải pháp y khoa toàn diện tập trung vào các quốc gia phát triển mạnh tại Đông Nam Á), cho rằng rằng y tế Việt Nam là mảnh đất hấp dẫn các nhà đầu tư. Việt Nam một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay với thu nhập người dân tăng cao, rất nhiều gia đình đã chi nhiều hơn cho tiêu dùng, và đây là cơ hội cho việc đầu tư các dịch vụ y tế cao cấp.
Tuy nhiên, bác sĩ Dilshaad Ali cũng cho rằng Việt Nam cần đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận tiện cũng như cơ chế cạnh tranh công bằng để các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực y tế.
Bên cạnh thù tục đầu tư còn rườm rà, hành lang pháp lý còn chưa hoàn thiện trong hợp tác PPP, theo bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chủ trương chính sách khi vào thực tế rất vướng, một bác sĩ vừa làm bệnh viện công, vừa làm bệnh viện tư thì sẽ như thế nào, hiện chưa có quy định rõ ràng. Về bảo hiểm y tế, khi liên doanh với nhà đầu tư thì giá cả được quy định ra sao, bảo hiểm y tế chi trả thế nào?
“Chính sách có rất nhiều nhưng hợp tác PPP cho ngành y tế rất khó khăn do ngành y tế đặc thù, không phải như đầu tư một cây cầu có lợi nhuận là thu, thu tối đa. Còn với ngành y tế thì lợi nhuận phải tính toán hợp lý, vừa đủ, lợi nhuận còn tái đầu tư, nếu không thỏa thuận ngay từ đầu sẽ xảy ra tranh chấp khi nhà đầu tư mong muốn “lợi nhuận tối đa”".
Về phía bệnh viện, để hấp dẫn nhà đầu tư thì cần phải có nguồn lực riêng, đặc biệt là nguồn nhân lực được đào tạo tốt nhất. Vì nhà đầu tư khi đầu tư thì họ cần… lợi nhuận.
Tại hội thảo, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết thời gian qua ngành y tế TP đã có nhiều chính sách xã hội hóa, thu hút sự đầu tư của các nguồn lực bên ngoài vào các cơ sở y tế công lập. Điển hình như sự kết hợp giữa Bệnh ung Ung bướu và Bệnh viện Hồng Đức; Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115. Những sự phối hợp này bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định.
 
Nhiều mô hình hợp tác PPP
Ngày 27.3,  UBND TP.HCM phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội thảo về đối tác công tư trong một số lĩnh vực tại TP.

Tại hội thảo, chuyên gia WB giới thiệu các mô hình PPP trong lĩnh vực y tế trên toàn cầu, bao gồm các mô hình sau đây theo thứ tự mức độ phức tạp từ ít đến nhiều như sau:

 

- PPP trong cung cấp dịch vụ quản lý thiết bị y tế: Là mô hình đơn giản nhất, bao gồm mua sắm, lắp đặt, đầu tư vận hành, bảo trì và thay thế một loạt các thiết bị y tế hoặc linh kiện.

 

- PPP trong cung cấp dịch vụ hợp đồng quản lý: Vận hành bệnh viện/cơ sở y tế theo hợp đồng thanh toán phí.

 

- PPP trong cung cấp dịch vụ lâm sàng chuyên khoa hoặc dịch vụ cận lâm sàng: Tùy theo khó khăn về nguồn lực trong tổ chức hoạt động, bệnh viện công lập xác định các dịch vụ chuyên khoa (lọc máu, xạ trị, phẫu thuật trong ngày,…) hoặc các dịch vụ cận lâm sàng (xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, y học hạt nhân,…) được cung cấp bởi công ty tư nhân.

 

- PPP theo mô hình PFI của Anh (Private Finance Initiative): Khu vực nhà nước vẫn giữ quyền kiểm soát đối với các dịch vụ lâm sàng, khu vực tư nhân cung cấp thiết kế chi tiết, quản lý hoặc kết hợp nhà nước quản lý về cơ sở vật chất/môi trường vận hành bệnh viện.

 

- Mô hình PPP tích hợp: Là mô hình phức tạp nhất, khu vực tư nhân cung cấp tất cả các tài sản và dịch vụ của bệnh viện, bao gồm: thiết kế, xây dựng hoặc cải tạo cơ sở hạ tầng cũng như tất cả dịch vụ y tế cho bệnh nhân cả ngoại trú và nội trú. Mô hình này là mô hình đầu tư dài hạn, thường từ 10 đến 30 năm.

 

Buổi toạ đàm đã giúp cho các nhà quản lý bệnh viện bước đầu có thêm những kiến thức cơ bản khi quyết định đầu tư theo hình thức phối hợp công tư trong lĩnh vực y tế. Bên cạnh việc phải dựa trên những quy định pháp lý hiện hành, khi xây dựng đề án PPP, các nhà quản lý bệnh viện phải căn cứ vào thực tế khó khăn khách quan về nguồn lực của bệnh viện, căn cứ vào nhiệm vụ chuyên môn của bệnh viện, mong đợi chính đáng của người bệnh và nhất là nhận thức đúng về PPP, trong đó lưu ý đến phân bổ yếu tố rủi ro của mỗi bên của các loại hình hợp đồng PPP (BOT, BLT, BTL, …).

 

Tại hội thảo, Sở Y tế TP kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện đối tác công - tư trong lĩnh vực y tế và TP sớm có tổ chức tư vấn chuyên về hợp đồng PPP trong lĩnh vực y tế để giúp các bệnh viện công lập mạnh dạn triển khai các đề án đầu tư phát triển bệnh viện trong thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.