Theo HoREA, có 4 quan ngại của một số đại biểu Quốc hội cần được xem xét thấu đáo về tờ trình của Chính phủ tại Kỳ họp Quốc hội bất thường xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 (được sửa đổi, bổ sung tại điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020).
Thứ nhất, về ý kiến “Quy định như vậy tạo ra kẽ hở cho doanh nghiệp để thâu tóm đất đai, thu gom đất và tạo nên hệ lụy kéo dài khi gom đất nông nghiệp quy mô lớn, để sau đó chờ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt sẽ bán đi để thu lợi”: Hiệp hội nhận thấy, doanh nghiệp muốn đi mua đất nông nghiệp thì phải có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (là UBND cấp tỉnh) mà đất nông nghiệp đó phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư và không thuộc trường hợp bị thu hồi đất; đồng thời, doanh nghiệp phải có đủ điều kiện được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. Sau khi được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo nguyên tắc định giá đất phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường theo quy định tại Điều 112 Luật Đất đai 2013. Do vậy, nếu các địa phương thực thi pháp luật về đất đai chặt chẽ, nghiêm túc thì sẽ không xảy ra tình trạng này.
HoREA khẩn thiết mong Quốc hội thông qua việc sửa đổi quy định về đất ở trong Luật Đầu tư 2020. |
đình sơn |
Thứ hai, quan ngại về “sự bất hợp lý, không công bằng giữa quyền chuyển đổi đất của doanh nghiệp và người dân. Hiện nay, nếu sở hữu đất nông nghiệp, người dân muốn chuyển quyền sử dụng sang đất ở thì phải thông qua đấu giá, trong khi nếu sửa điều luật này thì doanh nghiệp lại không cần khâu này nữa?!”. Theo HoREA, ý kiến này chưa thật chính xác bởi lẽ Điều 118 Luật Đất đai 2013 đã quy định cụ thể 8 trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất; 9 trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất. Đồng thời, khoản 1 Điều 119 Luật Đất đai 2013 cũng đã quy định cụ thể các điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Hộ gia đình, cá nhân (kể cả tổ chức kinh tế) đang sử dụng đất nông nghiệp có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định nên không xảy ra sự bất hợp lý như ý kiến quan ngại của đại biểu Quốc hội.
Thứ ba, có đại biểu cho rằng “việc doanh nghiệp được chuyển đổi quyền sử dụng đất mà không qua đấu giá sẽ xảy ra thất thoát ngân sách, vì không đấu giá tạo chênh lệch giá, tiền sẽ chảy vào túi doanh nghiệp”. HoREA lý giải, khoản 2 Điều 19 Luật Đất đai 2013 quy định nhà nước điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại thông qua chính sách thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đầu tư cơ sở hạ tầng và chính sách hỗ trợ cho người có đất thu hồi. Bên cạnh đó, điểm c khoản 1 Điều 112 Luật Đất đai 2013 quy định việc định giá đất phải đảm bảo nguyên tắc giá đất và phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường… Việc có thể xảy ra thất thu ngân sách nhà nước khi giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất không phải là hệ quả trực tiếp của “việc doanh nghiệp được chuyển đổi quyền sử dụng đất”, bởi lẽ để có được quỹ đất đầu tư thì doanh nghiệp đã phải mua lại quyền sử dụng đất theo cơ chế thị trường và tất cả các doanh nghiệp luôn luôn chấp hành và thực hiện nộp tiền sử dụng đất theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vấn đề định giá đất, tính “tiền sử dụng đất, tiền thuê đất” thuộc về trách nhiệm của cơ quan nhà nước.
Thứ tư, HoREA cho rằng cần sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 được sửa đổi, bổ sung tại điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 để đảm bảo tính hệ thống, tính liên thông của các quy định pháp luật. Cụ thể, hiện nay Luật Đầu tư 2020 quy định: “cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” đối với trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật về đất đai. Hay Luật Đất đai 2013 cho phép tổ chức kinh tế được nhận chuyển quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư và Luật Đầu tư 2020 quy định “chấp thuận đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” đối với trường hợp nhà đầu tư (tổ chức kinh tế) “có quyền sử dụng đất”. Trong khi đó, điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 chỉ quy định trường hợp có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở nên đã bỏ sót 2 trường hợp nhà đầu tư không được công nhận. Đó là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với trường hợp nhà đầu tư “chỉ có quyền sử dụng đất nông nghiệp (có 100% đất nông nghiệp)”, hoặc “chỉ có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở (có 100% đất phi nông nghiệp không phải là đất ở)”, mặc dù đất đó phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phù hợp với quy hoạch xây dựng để thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Bình luận (0)