'Hot boy' trưởng thôn: 'Té ghế' với Khoa 'đẹp trai'
20/06/2016 08:21 GMT+7
Những chuyện cười đến 'té ghế' của ' hot boy' trưởng thôn 8X tận tụy, tháo vác lo cho dân làng.
Tự động phát
Nhiều người thường quan niệm cái ghế trưởng thôn, trưởng bản phải là các cụ có tuổi ít nhất cũng phải ngũ tuần hay đã hưu trí. Những "già làng" như vậy mới có đủ thời gian rảnh và trải nhiệm cuộc sống để cáng đáng, mới có lời nói "đủ nặng" để bà con nghe.
Nhưng quan niệm này hình như đã... lạc hậu, bởi hiện nay xuất hiện thế hệ “trưởng thôn” 8X, 9X, tuổi đời chỉ đôi ba chục nhưng họ tận tụy không kém, hơn nữa, sự tháo vác và bắt nhịp cuộc sống hiện đại phần nào giúp bà con bớt vất vả hơn và sau lưng họ có những câu chuyện cười đến 'té ghế'.
Mời bạn đọc xem loạt bài: #HOT BOY TRƯỞNG THÔN
|
“Nếu nghĩ đến tiền tôi sẽ không làm... trưởng thôn”
Sinh ra trong một gia đình làm nông, học hành làng nhàng nên tuổi trẻ của Nguyễn Như Khoa (33 tuổi, trưởng thôn Hưng Nhơn, xã Hải Hòa, H.Hải Lăng, Quảng Trị) lắm thăng trầm.
|
“Chụp ảnh, quay phim, in ấn, thiết kế,... cái gì tôi cũng làm. Ở quê không có quá nhiều việc cho thợ ảnh nhưng được cái tôi độc quyền, cả xã chỉ có mỗi hiệu ảnh của tôi nên... sống được. Từ cưới hỏi, ma chay, sinh nhật, giỗ chạp, đại hội... gì người ta cũng đến lụy tôi”, Khoa vừa cười vừa kể.
“Nhưng từ khi 'dính' vào nghiệp đoàn hội rồi làm trưởng thôn thì việc kiếm cơm của tôi ảnh hưởng ít nhiều. Nói rõ ra là thu nhập sụt giảm vì tôi mất nhiều thời gian cho việc làng việc xã”, Khoa chau mày.
Tính toán là tính toán vậy nhưng từ ngày nhậm chức Bí thư Chi đoàn vào tháng 3.2012, sự năng nổ, tháo vát của Khoa đã vực Hưng Nhơn thành một trong những chi đoàn mạnh nhất xã. Hơn 3 năm sau, anh bất ngờ trúng cử chức... trưởng thôn sau cuộc bỏ phiếu toàn thôn.
Khoa tâm sự: “Thời người ta chưa cho làm thì tôi nghĩ nếu tôi làm trưởng thôn chắc sẽ tốt hơn. Nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy, để lo cho 270 hộ dân với 1.426 nhân khẩu đúng là không phải dễ. Chỉ có điều rằng, nếu nghĩ về tiền, chắc chắn tôi sẽ không gánh vác mấy cái chức 'hữu danh, vô thực' này đâu...”.
Vì không nặng về vật chất nên Khoa đã làm được không ít việc cho thôn cho làng từ khi được giao... “quyền lực”. Anh đã đứng ra vận động để nhân dân quyên góp xây dựng 9 cái cổng xóm khang trang với số tiền khoảng 15 triệu đồng/cái.
|
Anh cũng đã khởi xướng buổi gặp mặt đầu năm các thế hệ thanh niên làng Hưng Nhơn và nay đã “biến tướng” thành một bữa tiệc thường niên, kêu gọi thanh niên đóng góp tiền của xây dựng quê hương. Cũng chính nhờ anh mà nhiều lễ tiệc mang tính nghi thức, tốn kém ở quê đã được... dẹp bỏ.
“Mình nhỏ tuổi, không dễ chi thuyết phục người ta nghe, đặc biệt là người lớn. Nhưng mình nói hoài, mưa dầm cũng thấm đất thôi mà”, Khoa bật mí "chiêu trò” của mình.
|
Nỗi khổ "ngồi chiếu trên"
|
“Vì là... trưởng thôn nên tất cả các buổi hội họp, tiệc tùng lo việc làng việc xã tôi luôn được sắp xếp để ngồi chung với các bô lão, áo dài khăn đóng, râu tóc bạc phơ. Không ngồi thì sợ thất lễ với các cụ mà ngồi thì ăn không dám ăn, uống không dám uống. Tôi đã trình bày nhiều lần là hãy để tôi ngồi... tự do nhưng các cụ quát 'đã trèo lên lưng voi thì phải làm...quản tượng'”, Khoa méo mặt kể.
Làm trưởng thôn có lúc... oai vậy đấy nhưng cũng có lúc bị bà con mắng nhiếc không ra gì, đặc biệt là những dịp bình xét hộ nghèo hoặc chi quà cứu trợ. Khoa kể có hôm chập tối đang ăn cơm cùng gia đình thì có một bà trong thôn đến “kêu nhà”.
|
“Bà đi phăng phăng vào hỏi “thằng Khoa mô rồi?”. Thấy mặt tôi bà làm luôn một tràng: “Vơ Khoa này, nhà tau cả chục năm ni năm mô cũng có gạo cứu trợ mà răng mi mới lên làm trưởng thôn mấy tháng mi cắt gạo của nhà tau đi. Chưa chi mà mi mần trạng....”, Khoa kể lại.
Tất nhiên, Khoa sẽ phải đứng ra giải thích cho bà con hiểu lý lẽ. “Nhưng nếu căng quá thì đành chịu. Vì tôi thà mất lòng 1 người chứ không làm mất lòng cả làng được. Vì nếu có 1 trường hợp đặc biệt thì sẽ có n trường hợp khác phân bua”, Khoa nói.
|
Dù đẹp trai, làm trưởng thôn nhưng đến nay Khoa vẫn là dân FA (độc thân, chưa vợ). Theo anh, cớ sự này phần vì anh bị dân làng “trêu cắc cớ” nhiều quá.
“Hồi làm trưởng thôn thì họ nói: 'Mày chưa lấy được vợ vì có ai dám lấy ông... lý trưởng'. Vừa rồi tôi trúng đại biểu Hội đồng nhân dân xã thì có người lại tặc lưỡi: 'Đấy, đã là ông... lý trưởng lại kiêm luôn ông... hội đồng thì ma nào dám lấy", mắt Khoa cười tíu tít nhưng miệng méo xệch thuật lại.
Chép sử làng bằng hình ảnh
Ngoài lo những công việc làng xã cụ thể, bằng nghề ảnh của mình Khoa còn dày công sưu tập và lập cả một ngôi làng Hưng Nhơn trên mạng.
Cách đây chừng 4 năm, khi internet đã về tới làng quê, dù chưa phổ biến, Khoa đã lập ra trang blog với địa chỉ nguyennhukhoa.blogspot.com. Ban đầu anh cũng chỉ xem đây như là một trang cá nhân nhưng dần dà trang này đã biến thành một “góc” làng Hưng Nhơn trên mạng tự bao giờ Khoa cũng không nhớ nữa.
“Bây giờ vào trang blog này sẽ chỉ còn thấy làng Hưng Nhơn chứ không thấy Nguyễn Như Khoa. Vì trong đó mình đâu có nói gì về mình đâu. Tất cả chỉ đăng tải hình ảnh, bài viết về làng Hưng Nhơn do chính tay tôi chụp hoặc sưu tập rồi đưa lên cho bà con em”, Khoa kể.
|
“Làng Hưng Nhơn nghèo, con dân túa đi khắp nơi kiếm miếng cơm manh áo. Họ thèm nhìn thấy hình bóng quê nhà, thèm nhìn thấy những khuôn mặt người làng, thèm đọc những tin tức cấp thôn, chẳng báo nào đăng... Vậy nên, tôi là 'nhà báo' cho họ vậy”, Khoa tếu táo.
Cũng là một trưởng thôn thuộc thế hệ 8X (đời cuối) nhưng ngoài việc chăm lo việc làng việc xã, Trần Xuân Tấn (trưởng thôn An Xá, xã Trung Sơn, H.Gio Linh, Quảng Trị) còn mang trong mình nhóm máu hiếm. Anh đã dùng chính giọt máu hồng của mình để cứu người... Mời bạn đọc đón xem trong kỳ tiếp theo của #HOT BOY TRƯỞNG THÔN
|
Bình luận (0)