Mưa lớn kéo dài cùng với các thủy điện đồng loạt xả lũ khiến một số khu vực hạ du Quảng Nam như Đại Lộc, Nông Sơn, Thăng Bình... tiếp tục bị ngập sâu và bị chia cắt nặng, lưu thông bị ách tắc.
Hôm qua 21.11, tại xã Bình Tú (H.Thăng Bình), các tuyến đường vào thôn bị ngập từ 1 - 1,5 m. Mưa lũ đổ về nhanh, người dân ở một số xã của H.Thăng Bình hốt hoảng dọn đồ chạy lũ.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Quảng Nam, lúc 16 giờ hôm qua, có 4 thủy điện lớn ở Quảng Nam xả lũ với lưu lượng lớn: thủy điện A Vương xả hơn 350 m3/giây, thủy điện Đắk Mi 4 (gần 400 m3/giây), thủy điện Sông Tranh 2 (gần 550 m3/giây), thủy điện Sông Bung 4 (344 m3/giây).
[VIDEO] Dân khốn khổ dọn đồ chạy lũ vì nước về bất ngờ ở Quảng Nam
Mưa lớn, nhiều thủy điện ở tỉnh Quảng Nam đồng loạt xả lũ khiến một số vùng hạ du đã bị ngập sâu và bị chia cắt hoàn toàn.
Tính đến chiều 21.11, tại các xã Hòa Phong, Hòa Nhơn (H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) có hàng trăm nhà dân ngập nặng trong lũ, hậu quả của đợt mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 100 - 200 mm và còn do các thủy điện tại Quảng Nam đồng loạt xả lũ. Tại xã Hòa Nhơn, tất cả lối vào các thôn đều bị chia cắt, người dân phải di chuyển bằng thuyền. Chiều qua, các trường THPT, THCS và tiểu học ở những nơi bị ảnh hưởng mưa lũ đã cho học sinh nghỉ học; lực lượng chức năng canh gác, kiểm soát tại các khu vực ngập sâu, không cho các phương tiện qua lại.
Người dân phải di chuyển bằng xuồng ở Hòa Vang (Đà Nẵng) ẢNH: HUY ĐẠT
Tại Quảng Trị, 6 xã thuộc huyện vùng trũng Hải Lăng bị ngập lụt nặng sau đợt mưa rất lớn và kéo dài từ ngày 19 - 21.11; chia cắt đường giao thông. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, người dân vùng trũng Hải Lăng chỉ có thể dùng ghe để di chuyển. Mưa lớn gây ngập cục bộ một số tuyến đường có ngầm, tràn ở khu vực miền núi thuộc H.Đakrông. Ở khu vực phía nam Quảng Trị, nhiều nơi lượng mưa đo được rất cao. Nước sông đang lên nhanh, sông Bến Hải, sông Hiếu, sông Thạch Hãn xấp xỉ trên báo động 1, riêng sông Ô Lâu tại Hải Tân (H.Hải Lăng) trên báo động 2 là 0,29 m.
Ngày 20 - 21.11, Thừa Thiên-Huế lại hứng chịu thêm một đợt lũ lớn. Thống kê sơ bộ, đợt lũ đã làm 2 người thiệt mạng. Nạn nhân là ông Nguyễn Giỏi (52 tuổi, trú TT.Phú Lộc, H.Phú Lộc) chết đuối do lật thuyền khi đi kiểm tra khu vực nuôi trồng thủy sản sáng 20.11. Ngoài ra, chị Nguyễn Thị Thanh Trang (36 tuổi, trú xã Vinh Mỹ, H.Phú Lộc) bị nước cuốn trôi tối 20.11 trên đường đi làm về, xe máy được tìm thấy nhưng thi thể vẫn đang mất tích. Riêng bà Nguyễn Thị Út (44 tuổi, trú xã Hương Toàn, TX.Hương Trà) bị ngã dập lá lách ngày 20.11 lúc dọn nhà chống lũ, đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược Huế.
Nhiều tuyến đường tại H.Phong Điền, H.Quảng Điền và các tuyến TL10A, TL10C, TL2, TL3... ngập sâu.
Chiều 21.11, hệ thống Đài thông tin duyên hải VN cho hay tàu cứu nạn SAR 411 đã cứu tàu cá Quảng Bình cùng 9 ngư dân. Trước đó, tàu cá của ông Nguyễn Niệm bị mất bánh lái khi đang hành nghề cách TP.Đồng Hới (Quảng Bình) 82 hải lý về phía đông, trôi dạt trên biển trong khi khu vực có gió đông bắc cấp 6 - 7. Nhận tin báo, tối 20.11, tàu SAR 411 lên đường cứu nạn, tiếp cận tàu cá cùng 9 ngư dân lúc trưa 21.11 và tiến hành lai dắt về bờ. Do sóng lớn, 2 tàu di chuyển chậm, tốc độ 4 hải lý/giờ, dự kiến sáng nay (22.11) sẽ về đến cảng sông Gianh, Quảng Bình.
Đường sắt liên tục gặp trục trặc
Rạng sáng 21.11, tuyến đường sắt bắc - nam lại tê liệt nhiều giờ khi tàu hàng mang số hiệu 3405 chạy tuyến Hà Nội - TP.HCM gặp sự cố trật bánh tại khu vực ga Tiên An (xã Vĩnh Sơn, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị).
Trong khi đó tuyến đường sắt bắc - nam vừa khắc phục thông tuyến điểm sạt lở đá tại Km 758 + 400, đến sáng qua 21.11 lại gián đoạn tại đèo Hải Vân. Cụ thể, có 7 điểm sạt lở mới với hàng trăm khối lượng đất, đá sạt lở xuống chắn ngang đường sắt khiến 6 chuyến tàu SE1, 2, 9, 10, 21, 22 với gần 1.000 hành khách bị mắc kẹt tại ga Lăng Cô, phải trung chuyển bằng đường bộ. Tuyến đường bộ qua đèo Hải Vân cũng sạt lở gây ách tắc giao thông.
Vào khoảng 11 giờ 10 ngày 21.11, tàu khách SE4 trên hành trình từ TP.HCM ra Hà Nội, khi đến đoạn đèo Mỹ Trang thuộc địa phận giáp ranh giữa xã Phổ Cường và xã Phổ Hòa, H.Đức Phổ (Quảng Ngãi) thì tông vào tảng đá trên vách núi rơi xuống đường ray làm đầu máy mang số hiệu D19E-913 bị trật bánh và hư hỏng nặng. Dù lái tàu đã hãm phanh khẩn cấp, nhưng đầu máy vẫn kéo trượt tảng đá đi hàng chục mét mới dừng lại. Rất may, sự cố này không gây thương vong, các toa tàu và toàn bộ hành khách an toàn. Vụ tai nạn khiến tuyến đường sắt bắc - nam tê liệt nhiều giờ, đến hơn 18 giờ cùng ngày mới thông tuyến.
Bình luận (0)