Hư thực hầu đồng: 'Mối tình' tay ba

06/05/2021 06:27 GMT+7

Bộ ba đồng thầy - hầu dâng - cung văn gắn kết mật thiết trong mỗi vấn hầu. Thiếu một trong ba yếu tố trên, các giá đồng khó chu viên hoàn mãn.

Khi ra giá trình đồng, cùng nhau lo việc thánh, mỗi nhân vật trong vấn hầu đảm nhận một vai trò cụ thể. Cái khó là khi thực hành nghi lễ lên đồng, trăm thầy trăm phép - nghìn thầy nghìn khuôn, để có được sự kết hợp hoàn hảo, bộ ba đồng thầy - hầu dâng - cung văn tự thân ráp nối, hợp ý từng động tác trang điểm cho đến vũ điệu, lời ca. Một trong ba khâu ấy chệch choạc dễ nảy sinh hiện tượng đồng khê - điều tối kỵ trong tín ngưỡng hầu đồng.

Chiếc gương trước bàn thờ chính để vị thánh khi nhập đồng xem lại dung nhan, ban thưởng khi hài lòng với hầu dâng đã làm đẹp cho mình

Biệt tài hầu dâng

Ở mỗi vấn hầu thánh, bỏ qua yếu tố tín ngưỡng, ấn tượng nhất chính là nghệ thuật sân khấu tổng hợp. Cùng là một thân xác ông đồng - bà cốt, chỉ trong thoáng chốc, họ là các bà chúa, từ chúa đệ nhất Tây Thiên, đệ nhị Nguyệt hồ chuyển sang hàng quan lẫm liệt oai phong trong giá đức ông Hoàng Mười, quan lớn Tuần Tranh, rồi lại dịu dàng, e lệ, xinh tươi trong bóng thánh người nữ qua giá cô Đôi Cam Đường, cô Tám đồi chè, cô Chín Sòng Sơn, cô Bé Thượng Ngàn, cô Bơ Thoải, tinh nghịch trong giá hầu cậu bé…

Kiêng cữ

Trước vấn hầu, nhiều ông đồng bà cốt thường nhịn ăn hoặc ăn rất ít để giữ thanh sạch, đồng thời tạo cho cơ thể một trạng thái dễ rơi vào ngây ngất. Trong nghi lễ có sử dụng rượu, thuốc lá, đều là những chất tác động đến thần kinh, dễ tạo ra ảo ảnh, giúp việc tiếp cận giữa con người với thần linh trở nên thuận lợi hơn.
Lên đồng như một hình thức nghệ thuật sân khấu tâm linh để thần linh nhập hồn vào ông đồng bà cốt, cầu mong các vị thần phù hộ. Mỗi vị trong các giá thánh mang vai trò riêng. Quan Đệ tam có thiên năng trừ tà, Quan Đệ ngũ được nhiều người xin cắt tiền duyên; gia đình con cái học hành sắp thi cử đến dâng lễ lên đức Hoàng Mười cầu mong con cái học giỏi, đỗ đạt; cô Chín có thể bói toán, chữa bệnh có cô Bơ… Khi nhập hồn, lên đồng chính là cuộc giao tiếp, thông quan giữa người trần và thần linh, là dịp thần linh trợ giúp, thỏa mãn nhu cầu con người.
Hiện tượng nhập đồng khi thánh giáng lệ thuộc hoàn toàn vào các hầu dâng ngồi cạnh, giúp việc cho ông đồng bà cốt, họ có nhiệm vụ thay xiêm áo, trang điểm, vấn khăn, đưa nhang đèn, châm rượu thuốc, che quạt, làm kết nối giữa người trình đồng và con nhang đệ tử. Biệt tài của hầu dâng là biến đổi ngoại hình cho người trình đồng, tạo cho họ dáng dấp một vị thần linh, do vậy vai trò của hầu dâng tối quan trọng. Chỉ nhìn qua nét mặt, cử chỉ của thanh đồng là có thể hiểu ngay vị thánh nhập ấy đang muốn gì. Trong số các hầu dâng người viết tiếp cận, hơn 80% là nam, nhưng hầu hết đều là ái nam ái nữ - những người rất giỏi và khéo trong việc làm đẹp. Người hầu dâng không khéo có thể phá hỏng cả buổi lên đồng, không tạo cho ông đồng bà cốt sự thăng hoa để thần linh có thể nhập vào họ.
Hầu dâng Nguyễn Khánh, thâm niên hơn 13 năm theo Mẫu, chia sẻ: “Em mất hơn ba năm theo học mới làm được hầu dâng chính. Nhìn bên ngoài thấy đơn giản, nhưng để hiểu biết được trang phục 36 giá đồng, rồi cách vấn khăn củ ấu, thắt đai, làm tóc, cài hoa… cả tỉ thứ phải làm, phải giải quyết trong vài giây ngắn ngủi cho người hầu thánh, để con nhang đệ tử nhìn rõ cái đẹp vị thánh nhập về, phải học và luyện từng ngày đấy. Mình làm đẹp cho đồng, cũng là tỏ lòng thành với Mẫu”.
Hư thực hầu đồng: “Mối tình” tay ba

Cung văn Hồng Văn Chén, người theo đuổi lối hát văn cổ trong các giá đồng

Ảnh: Lam Phong

Góc tối chầu văn

Hai yếu tố tạo nên sự phấn khích và trạng thái ngây ngất có thể nhập hồn chính là âm nhạc và vũ đạo. Là tín ngưỡng không kinh sách, không giáo lý, giáo luật… tất cả các hoạt động qua hình thức truyền miệng, kinh nghiệm, nên có thể nói trong tín ngưỡng dân gian hầu đồng, tuy hát văn chỉ là bổ trợ, thứ yếu, nhưng mọi hoạt động của nghi lễ lên đồng lại hoàn toàn dựa vào hát văn.

Hát văn hái ra tiền

Phục vụ chầu văn theo mỗi vấn hầu, trở thành nguồn sinh kế lớn cho giới hát văn. Khi đền phủ đua nở, con nhang đệ tử nườm nượp trình đồng, hát văn lên ngôi. Không khó để nhận ra nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, xẩm, quan họ… cả những ca sĩ theo dòng tân nhạc như T.L cũng ngả sang học hát văn.
Theo dự một vấn hầu ở Hải Phòng, khi dứt lễ, con nhang đệ tử lục tục ra về, đồng thầy bái lạy, cúng tạ Mẫu giáng ơn phúc, ban cho buổi trình đồng thành công. Ở góc phải đền, nhóm cung văn bốn người đến từ Nghệ An cặm cụi xếp các tờ tiền mệnh giá nhỏ đến lớn thành từng xấp, rồi tự chia thành bốn phần, không cần đếm. Vị thầy cúng hôm ấy bỏ nhỏ: “Tiền tàu xe, thuê đội này ra hết 80 củ (triệu) đấy”. Nhìn vào xấp tiền tán lộc, tiền thưởng trong mỗi giá thánh được chia đều, áng chừng mỗi cung văn cũng bỏ túi thêm gần chục triệu nữa.
Thầy Hồng Văn Chén (67 tuổi, cung văn nổi danh theo lối cổ ở Hà Nội), tâm sự: “Thời chúng tôi ngày xưa, hát văn dõng dạc lắm, khi khoan khi nhặt, hát phải tròn vành, rõ chữ, nghe câu văn câu phú chỉ một vài câu, giờ cải biên nhiều, lai căng chèo, cải lương, quan họ. Chúng tôi theo gót các cụ, cổ nhân dạy thế nào thì làm theo và ráng giữ được thế nào hay thế ấy”.
Có nhu cầu, tất có cạnh tranh, có cả những phân chia lãnh địa ngầm trong giới hát văn. Cung văn Ngọc T. ở Thái Bình nhớ lại chuyến xôi hỏng bỏng không khi diễn ở đất Mẫu Nam Định: “Đồng D.H ở Hà Nội mời bọn em xuống Nam Định, từ lúc trình đồng cho đến kết thúc, mọi chuyện đều êm đẹp, suôn sẻ. Nhưng khi bọn em ra về lại bị nhóm thanh niên chặn đường, trấn hết tiền lộc, tiền được thuê hát. Rồi bị dằn mặt cấm lần sau đến đất này làm ăn. Chuyến đó bọn em
mất trắng”.
Chiêu trò phá đám cung văn khi đi diễn xứ người cũng đủ kiểu. Cung văn Thiện P. kể: “Đi hát sợ nhất là về các đền phủ ở tỉnh khác, vì thường đền phủ nào cũng có cung văn riêng. Có lần nhóm đi hát ở Hải Phòng, đang hát có mấy cu con ở đâu chạy vào, ngồi sau lưng, thỉnh thoảng lại ghé tai chửi thề, mạt sát rất nặng gây phân tâm. Có đứa ngồi cạnh lôi me chua ra giễu trước mặt. Còn những trò ngắt dây điện, cúp cầu dao… là chuyện thường. Gặp tình huống như thế, bọn em phải xử trí nhanh, chứ vấn hầu đang diễn ra, hỏng nhịp hay nuốt lời, mất lòng người trình đồng thì coi như sô đó bị bể”.
Buổi trình đồng ở đền Hai Cô - Hà Nội, người viết chứng kiến màn ghen tuông giữa vợ cung văn và cô đồng. Cung văn trẻ C.C, khá nổi trong giới, được mời hát cho cô đồng Diệp H. Khi nghi lễ đã hoàn tất, chỉ chờ cung văn là giá hầu bắt đầu, cô vợ hay tin nhất định không cho đi, dàn xếp mãi mới được với điều kiện cô vợ phải đi cùng. Cô vợ ăn mặc cực khêu gợi, ngồi sát sập công đồng, hòa nhịp múa với cô đồng trên chiếu. May mắn mọi chuyện êm xuôi, kết thúc khóa lễ, cô đồng H. bực dọc: “Anh xem, nó phá em, mặc áo hở hơn nửa ngực, muốn xổ cả bưởi ra ngoài tưởng để trêu ngươi em được. Loại đàn bà đấy em không ngại đâu”.
Một tay trong nghề tiết lộ, mùa cao điểm cung văn có thể kiếm tiền tỉ mỗi tháng, nhưng không ít cung văn sau khi kết thúc khóa hầu là đi “múa quạt” (đánh bài), nên của ăn của để chẳng còn lại là bao.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.