Huawei giữa vòng vây: Vì sao Mỹ tung 'liên hoàn cước'?

25/05/2019 13:49 GMT+7

Những cuộc chiến tranh, dù là quân sự hay thương mại, không hề là điều tốt lành cho các bên tham chiến và toàn thế giới .

Dù thắng, dù thua, bên nào cũng phải hứng chịu tổn thất đớn đau. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện thời cũng không là ngoại lệ.
Việc chính phủ Mỹ đưa tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei vào danh sách đen đã gây thiệt hại khá lớn, chẳng những cho tập đoàn này mà cả cho những những đối tác Mỹ có làm ăn lâu nay với họ. Hiện, Huawei là khách hàng lớn nhất của hơn 30 nhà cung cấp chip, linh kiện điện tử và dịch vụ Mỹ, với tổng trị giá 20 tỉ USD mỗi năm. Dĩ nhiên, các nhà cung cấp Mỹ chẳng hề muốn mất một khách hàng “sộp” như thế. Việc tìm kiếm đầu tiêu thụ thay thế có tầm cỡ lớn như Huawei chẳng phải là dễ dàng gì, chưa nói đến giá cổ phiểu doanh nghiệp bị tuột dốc thảm hại trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Về phần Huawei, họ đang đối mặt với việc đình trệ sản xuất các dòng smartphone, laptop đang bán chạy trên thị trường thế giới do không được sử dụng các chip xử lý và hệ điều hành cùng các dịch vụ phụ trợ từ phía Mỹ. Điều này sẽ gây thiệt hại rất lớn cho Huawei, bởi doanh thu chủ lực của họ là do mảng thiết bị di động mang lại. Năm 2018, doanh thu mảng này của Huawei lên đến 52 tỉ USD với gần một nửa là từ thị trường ngoại quốc với 80 triệu chiếc smartphone trong tổng số 208 triệu chiếc đã tiêu thụ.

Huawei có gì mà Mỹ phải quan tâm đến thế?

Huawei: Thập diện mai phục, tứ đầu thọ địch1
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là mối quan tâm của Mỹ ẢNH: BLOOMBERG
Việc sử dụng các doanh nghiệp của mình làm gián điệp đã được Bắc Kinh công khai hóa qua việc ban hành bộ luật Tình báo quốc gia nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trong đó có điều 7 quy định rõ: “Bất cứ tổ chức và công dân nào của Trung Quốc cũng cần hỗ trợ, hợp tác, phối hợp với công tác tình báo quốc gia theo quy định của luật, giữ bí mật công tác tình báo quốc gia mà mình biết”. Điều này có nghĩa là trong tình huống chính quyền cần thông tin, tất cả người dân hoặc bất cứ tổ chức nào của Trung Quốc đều phải đóng vai trò gián điệp cho chính quyền, dĩ nhiên là có cả Huawei.
Cộng đồng tình báo Tây phương đều có chung nhận định rằng Huawei là doanh nghiệp gián điệp của Trung Quốc. Từ khi thành lập, Huawei được hưởng mọi ưu ái của nhà cầm quyền Bắc Kinh từ tài trợ vốn liếng đến tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoạt động trong và ngoài nước. Mang danh là một tập đoàn tư nhân, nhưng Huawei chưa bao giờ cần phải niêm yết chào bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nội địa cũng như cho giới đầu tư quốc tế. Sổ sách kế toán tài chính của Huawei được giữ tuyệt mật. Có lẽ Huawei là doanh nghiệp công nghệ tư nhân duy nhất trên thế giới chưa cần huy động vốn trên thị trường chứng khoán.
Truyền thông phương Tây cho rằng, theo sự chỉ đạo của Bắc Kinh, Huawei dùng nguồn tiền tài trợ vô hạn của nhà nước để chi vào việc thu thập công nghệ phương Tây, đồng thời bán phá giá để triệt hạ các đối thủ cạnh tranh, chào thầu với giá cực rẻ bất chấp lời lỗ để hất cẳng các đối thủ ra khỏi cuộc chơi. Dĩ nhiên, sau đó Huawei tha hồ tăng giá khi đã loại bỏ xong các đối thủ. Trên thực tế, Huawei đã bị nghi ngờ từ năm 2010, khi nó liên tục loại bỏ đối thủ lợi hại nhất là Telefonaktiebolaget LM Ericsson của Thuỵ Điển trong nhiều cuộc đấu thầu quốc tế. Với chiêu quen thuộc là dùng nguồn tài trợ của Bắc Kinh, Huawei chào giá cung cấp hạ tầng viễn thông cho các nước với giá cực mềm, nhờ đó đã "đá" văng ông khổng lồ Ericsson ra khỏi những cuộc chơi trên trường quốc tế.
Trung Quốc có đội ngũ đông đảo gián điệp kinh tế, tin tặc thuộc vào hàng giỏi nhất thế giới, mọi hoạt động đều theo sự chỉ đạo. Các nguồn tin phương Tây còn chỉ ra, khi sang làm ăn ở Trung Đông, các doanh nghiệp Canada, Úc, và một số nước Âu châu đã bị gián điệp kinh tế Trung Quốc đánh cắp được các hồ sơ đấu thầu tuyệt mật và chuyển giao cho Huawei cũng như những doanh nghiệp Trung Quốc khác. Trong kinh doanh, đây là một ưu thế cực lớn để làm hồ sơ đấu thầu rẻ hơn đối thủ, vì các chủ đầu tư Trung Đông chỉ quan tâm đến ai là người chào giá tốt nhất mà thôi. Ở Nam Mỹ thì một số công ty Âu châu, kể cả Mỹ lâm vào thế bị động khi các công ty Trung Quốc đã nắm hết hồ sơ mật của đối thủ để chào giá thấp hơn và thắng thầu sau đó.
Huawei: Thập diện mai phục, tứ đầu thọ địch1
Doanh thu và thị phần năm 2018 của Huawei ẢNH: HUAWEI

Lo ngại khống chế hạ tầng viễn thông mạng 5G

Không những thế, Huawei hiện dẫn đầu về công nghệ 5G, và là nhà cung cấp hạ tầng viễn thông mạng 5G với giá rất “dễ chịu” (nhờ có nguồn tài trợ nhà nước) cho các nước châu Âu, Phi và châu Á. Bởi thế, Huawei là một đối thủ rất khó chơi trong các cuộc đấu thầu quốc tế đối với các doanh nghiệp tư nhân Mỹ và châu Âu, vốn chỉ hoạt động bằng nguồn vốn do họ huy động được, không có sự tài trợ từ chính phủ.
Người Mỹ rất e ngại khi Huawei liên tục thắng thầu cung cấp hạ tầng mạng viễn thông ở nhiều nước. Vốn là ông vua về xâm nhập mạng, người Mỹ quá hiểu những nguy cơ tiềm ẩn khi một nước đồng minh sử dụng thiết bị Huawei. Về phương diện an ninh của một quốc gia, kết cấu thiết bị của hạ tầng mạng viễn thông là cực kỳ quan trọng. Thông thường, các thiết bị này được nhà sản xuất thiết lập sẵn một “cổng hậu” (backdoor) giúp cho họ có thể thực hiện từ xa các công việc bảo trì, nâng cấp trình điều khiển, sửa lỗi mà không phải tốn công, tốn của cử chuyên viên đến tận nơi (dĩ nhiên phải thông báo trước và được sự cho phép của chủ sở hữu thiết bị). Nhưng, nếu đó là một cổng hậu bí mật chỉ có nhà sản xuất biết thì là tai họa tiềm tàng cho quốc gia sử dụng các thiết bị đó.
Trong trường hợp của Huawei, lực lượng tin tặc của Trung Quốc có thể dễ dàng luồn vào nghe ngóng mọi thông tin tuyệt mật của chính phủ nước chủ nhà, giúp Bắc Kinh biết trước mọi động thái, dự định của chính phủ nước đó. Nếu xảy ra xung đột, các tin tặc sẽ nắm quyền điều khiển thiết bị, họ có thể ngắt toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc của đối phương mà không có cách phục hồi. Việc thay thế hàng loạt thiết bị liên lạc xương sống của hạ tầng mạng đòi hỏi nhiều thời gian, nhân lực và vô cùng tốn kém.
Đó là lý do tại sao Mỹ cương quyết gây sức ép yêu cầu các nước đồng minh không cho Huawei tham gia đấu thầu cung cấp hạ tầng mạng viễn thông.
Ngoài việc là mối đe dọa an ninh đối với Mỹ và các nước đồng minh, Huawei còn vi phạm lệnh cấm vận quốc tế của Liên Hiệp Quốc và Mỹ để lén lút cung cấp thiết bị, linh kiện điện tử cho Iran. Điều này càng làm cho Mỹ bực tức hơn nữa và phải ra tay. Đòn đánh đầu tiên vào tháng 12.2018, Mỹ yêu cầu Canada bắt giữ Giám đốc tài chính của Huawei là Mạnh Vãn Chu, con gái của Chủ tịch Nhậm Chính Phi, với cáo buộc bà này có những hoạt động vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Sau đó, tháng 1.2019, Bộ Tư pháp Mỹ công bố hai cáo trạng đối với Huawei, trong đó có tội danh gian lận và lén lút thực hiện các giao dịch với Iran. Cáo trạng còn lại cáo buộc Huawei mở chiến dịch đánh cắp công nghệ ngay trên đất Mỹ trong thời gian từ tháng 6.2012 đến tháng 9.2014, người của Huawei đã nhiều lần tìm cách đánh cắp thông tin về thiết kế của một robot có tên Tappy do tập đoàn viễn thông Mỹ T-Mobile chế tạo.
Đó là những lý do tại sao người Mỹ hiện tập trung “nện” Huawei, trong khi còn có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc khác cũng hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
>> Còn tiếp: Tương lai nào cho Huawei?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.