Theo South China Morning Post, các giám đốc điều hành cấp cao đã bày tỏ thái độ lạc quan về triển vọng kinh doanh của Huawei tại khu vực Đông Nam Á, khi các nền kinh tế lớn ở đó tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số, thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ đám mây. Vùng khả dụng bao gồm một hoặc nhiều trung tâm dữ liệu có thể được coi như thực thể duy nhất, các khu vực nhỏ hơn trong vùng sẽ được kết nối với nhau bằng mạng băng thông cao và độ trễ thấp.
“Hoạt động kinh doanh thiết bị hướng tới người dùng của chúng tôi ở châu Á - Thái Bình Dương bị ảnh hưởng chủ yếu do lệnh trừng phạt của Mỹ, nhưng chúng tôi đã cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh viễn thông ổn định ở đó”, Jay Chen, Phó chủ tịch hoạt động khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Huawei, nói trong buổi phỏng vấn hôm 18.11.
Huawei đã cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh viễn thông ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương |
reuters |
Huawei có ba trung tâm dữ liệu độc quyền lần lượt ở Thái Lan, Singapore và Hồng Kông. Ngoài ra, hãng viễn thông Trung Quốc còn có một trung tâm dữ liệu hợp tác ở Malaysia. Ông Chen vẫn tự tin về tính liên tục trong kinh doanh bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ, vì Huawei có kho dự trữ chip lớn và nỗ lực đa dạng hóa các nhà cung cấp chip trong những năm gần đây.
Đầu tháng này, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Huawei Nhậm Chính Phi cho biết đã thành lập bốn “binh đoàn quân đội” mới trong lĩnh vực kinh doanh, bao gồm đường thông minh, hải quan và cảng, năng lượng mặt trời, cùng với các trung tâm dữ liệu và năng lượng. Các nhóm liên bộ phận này được giao nhiệm vụ tìm kiếm động lực tăng trưởng doanh thu thay thế cho công ty.
Tháng 9.2021, cựu chủ tịch luân phiên của Huawei Xu Zhijun nói ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc chưa phát triển đến đủ độ chín để giúp Huawei trong tình trạng khó khăn hiện tại, và công ty đang chủ yếu hoạt động dựa vào kho dự trữ chip. Doanh thu từ các lĩnh vực mới như ứng dụng 5G cho các mỏ khai thác và cảng, ở giai đoạn này, không thể bù đắp cho khoản lỗ ước tính khoảng 30 - 40 tỉ USD từ lĩnh vực kinh doanh thiết bị cầm tay trong năm nay, vốn phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ lệnh trừng phạt của Mỹ. Năm ngoái, Huawei đã bán thương hiệu điện thoại giá rẻ Honor cho một tập đoàn có sự hậu thuẫn từ chính quyền Thâm Quyến, như một phần trong nỗ lực đối phó với tác động từ các biện pháp hạn chế của chính quyền Washington.
Bình luận (0)